Tuổi thơ lớn lên dưới một mái nhà “đông đúc” không khỏi những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống thường nhật nhưng chính gia đình “tam đại đồng đường” đã dạy cho Phương Mai nhiều giá trị sống và góp phần giúp nữ sinh trường Ams giành học bổng 6,3 tỷ đồng của Đại học Pennsylvania – ngôi trường Ivy League danh tiếng.
Dấu ấn cá nhân và văn hóa Việt
Nguyễn Ngọc Phương Mai (sinh năm 2001) vừa tốt nghiệp lớp 12 chuyên Anh, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Cánh cửa ngôi trường cấp 3 vừa khép lại cũng là lúc em mở cửa thành công một chân trời mới. Mới đây, Phương Mai vừa nhận lá thư báo đỗ từ trường đại học University of Pennsylvania kèm học bổng 272.000 USD (tương đương 6,3 tỷ đồng) cho 4 năm.
“Em quả thực không dám tin vào dòng chữ “Chúc mừng” và pháo hoa giấy tung bay trong thư. Lúc đó em xúc động và vui sướng tới nỗi sụt sùi một hồi”, Mai kể lại.
University of Pennsylvania một trong những thành viên của Ivy League (những trường Đại học tốt nhất nước Mỹ), ngôi trường luôn được đánh giá cao bởi chất lượng giáo dục đạt chuẩn, nổi bật trong nhiều lĩnh vực như khoa học, nhân học, luật học, y dược, giáo dục…
Theo dữ liệu của Adview dựa trên danh sách người giàu nhất tại Mỹ Forbes 400, Đại học Pennsylvania là trường sản sinh nhiều tỷ phú nhất tại Mỹ với 19 người. Một số tỷ phú nổi tiếng từng theo học trường này gồm Lauren Powell Jobs, Steve Cohen, Tổng thống Mỹ Donald Trump…
Mai tâm sự, em thích Pennsylvania vì trường có thế mạnh về các ngành khoa học xã hội rất phù hợp với định hướng tương lai của em. Ngoài ra, trường còn tọa lạc ở Philadelphia, một thành phố gây ấn tượng với em bởi bề dày lịch sử, mức độ phát triển văn hóa và tri thức.
“Dấu ấn cá nhân” có lẽ là bí quyết giúp Nguyễn Ngọc Phương Mai chinh phục được ngôi trường nổi tiếng là một trong nơi “kén chọn” người học nhất nước Mỹ. Mai gửi 2 bài luận.
Trong luận chính, em viết về những kỉ niệm thời ấu thơ góp phần định hình con người em bây giờ, dưới dạng một công thức nấu ăn (vì gia đình em đều thích nấu nướng). Việc lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ có 3 thế hệ sinh sống cùng nhau đã dạy cho em những bài học quan trọng về tình cảm gia đình, tinh thần đùm bọc và đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Chia sẻ với PV Dân trí, Mai nói: “Tuổi thơ của em lớn lên dưới một mái nhà “đông đúc”. Khi sống chung với đông người như vậy thì không thể tránh khỏi những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống thường nhật. Nhưng chính mái nhà như vậy đã dạy em nhiều giá trị về sự thông cảm với các lối sống đa dạng, sự chấp nhận các giá trị sống khác biệt.
Ngoài ra, một nét văn hóa của người Việt mà em thể hiện trong bài luận là bố mẹ, ông bà thường không thể hiện tình yêu qua lời trực tiếp nói như các gia đình phương Tây mà thể hiện qua hành động cụ thể. Ví dụ như chăm lo cho con cháu từng miếng ăn nhỏ. Em nghĩ đây chính là một dấu ấn cá nhân giúp hồ sơ của em nổi bật hơn”.
Ở bài luận phụ, nữ sinh Ams trình bày đam mê cũng như định hướng học thuật của bản thân trong tương lai. Em không chỉ thể hiện mong muốn được học ở trường, mà còn chứng minh mình có thể dùng những trải nghiệm cá nhân đóng góp cho trường như thế nào.
Nhận xét về học trò Phương Mai, cô Nguyễn Thị Bích Diệp (Tốt nghiệp ĐH Stanford, Mỹ) nói: “Trong quá trình làm việc với nhau, Mai đã thể hiện sức sáng tạo của mình qua các bài luận. Để có một bài viết hoàn hảo nhất, em không ngừng thử nghiệm những ý tưởng mới và cần mẫn sửa từng câu chữ nhỏ nhất.
Mai có khả năng đưa những quan sát thường nhật nhỏ bé để kể nên câu chuyện mang đậm phong cách của riêng em. Ví dụ như trong một bài luận, em đã liên hệ hình ảnh biểu tượng trong cuốn sách em yêu thích tới trải nghiệm sống cá nhân, từ đó thể hiện những khám phá riêng biệt và thế giới quan của em tới hội đồng tuyển sinh.
Kể cả khi deadline đợt nộp hồ sơ RD đã qua, Mai tiếp tục bày tỏ niềm đam mê viết lách cũng như sự quan tâm sâu sắc tới các vấn đề xã hội bằng cách gửi thêm cho trường một bài tùy bút của em. Với sự nỗ lực và cầu toàn ấy, Mai hoàn toàn xứng đáng với kết quả ngày hôm nay”.
Quán quân, Á quân của nhiều giải tranh biện trẻ
Phương Mai cũng nhấn mạnh đến việc thể hiện cá tính, đam mê của mình một cách đồng nhất giúp thuyết phục hội đồng tuyển sinh. Cô nữ sinh năng động có thế mạnh về hùng biện, sự quan tâm lĩnh vực chính trị-xã hội, điều đó được thể hiện nhất quán qua các bài luận lẫn hoạt động ngoại khoá gửi ĐH Pennsylvania.
Phương Mai từng lọt vào bán kết giải Tranh biện châu Á Asian British Parliamentary 2019; lọt vào chung kết phần thi Hùng biện giải Tranh biện châu Á Asian Schools Debating Championship 2017. Em xuất sắc giành ngôi Á quân giải Tranh biện quốc gia Vietnam Schools Debating Championship 2018; Quán quân giải Tranh biện Hanoi Debate Tournament 2017; Quán quân giải Tranh biện Hanoi British Parliamentary 2018.
“Em lần đầu đến với tranh biện qua trại hè Camp Aletheia của CLB Puzzles Ams. Ở đây, em được học cách rèn luyện tư duy, tiếp cận một vấn đề giữa góc nhìn đa chiều và cách trình bày quan điểm cá nhân sao cho logic, thuyết phục.
Ngoài ra, em đã may mắn gặp rất nhiều anh chị, bạn bè trong cộng đồng tranh biện mà vẫn hỗ trợ em cho tới ngày nay. Sau trải nghiệm đầu tiên vô cùng đáng nhớ đó, em chính thức theo đuổi tranh biện cùng với 2 đồng đội của mình xuyên suốt 3 năm trung học”, Phương Mai kể.
Tranh biện, vượt ra khỏi phạm vi quy tắc xây dựng luận điểm hay các trận thi đấu nảy lửa, đã dạy Mai rất nhiều điều về tư duy phản biện, tinh thần tôn trọng các quan điểm khác biệt và cả trách nhiệm với cộng đồng.
Đặc biệt, cô gái Việt cũng từng giành Giải Nhất cuộc thi viết luận Nhà Lãnh đạo Trẻ do Trinity College (ĐH Melbourne, Úc) tổ chức và lọt vào chung kết cuộc thi viết luận World Youth Essay Competition 2018.
Ngoài ra, Mai làm công tác truyền thông cho tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới, tổ chức sự kiện Mock Trial 2017, làm trợ lí nghiên cứu, biên dịch cho một website học thuật về nghiên cứu quốc tế, tổ chức các dự án cộng đồng mùa hè (trại hè lãnh đạo Vietnam Youth Leadership Camp, trại hè tranh biện Cogito Debate Camp – Chuyên Lam Sơn, dự án tái chế chai nhựa Relight Project, trại hè giáo dục giới tính và kĩ năng mềm TeenUp). Trong thời gian rảnh, em chơi trống và chạy một blog nhỏ chuyên viết phê bình phim.
Phương Mai giữ vị trí Phó ban Truyền thông ở Tổ chức thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE). Vốn đã trải nghiệm sự bất bình đẳng giới từ nhỏ, em muốn lên tiếng trước những bất cập để góp phần nâng cao nhận thức xã hội. Ở đây, em không chỉ đạt được mong muốn tuổi thơ – góp phần xoá nhoà bất bình đẳng giới, mà còn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm làm truyền thông bổ ích trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp mà không kém phần thân thiết.
Với tấm vé vào ngôi trường danh giá đất Mỹ, cô gái Việt dự định theo đuổi ngành Khoa học Chính trị ở Penn. Tuy nhiên, vì trường có rất nhiều chuyên ngành và đa dạng các lớp học, em muốn tận dụng năm đầu để khám phá thêm nhiều lĩnh vực mới mẻ khác như Kinh Tế, Luật, Nghiên cứu về Giới hay thậm chí Điện ảnh.
“Em mong rằng với những kiến thức tích luỹ được qua 4 năm đại học, em có thể góp phần xây dựng được những chính sách phát triển cộng đồng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội”, Mai tâm sự.
Lệ Thu/Dân Trí