Sau nhiều vụ bê bối liên tiếp, Johnson & Johnson bị kêu gọi tẩy chay. Chỉ số phân tích tâm lý truyền thông xã hội đối với thương hiệu này giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm qua.
Johnson & Johnson (J&J) là một trong những hãng dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới. Công ty được thành lập vào năm 1886 bởi 3 anh em Robert Wood Johnson, James Wood Johnson và Edward Mead Johnson tại New Brunswick, New Jersey, Mỹ.
Công ty nổi tiếng với dòng sản phẩm chăm sóc trẻ em như dầu gội, phấn rôm, sữa tắm Johnson & Johnson baby, chăm sóc răng miệng Listerine, các loại dược phẩm như Tylenol, Zyrtec, Benadyl… cùng nhiều thiết bị dùng trong y tế.
Trong suốt hơn 1 thế kỷ hoạt động, J & J đạt được những thành tựu vượt trội với nhiều sáng chế tiên tiến, nhưng cũng đối mặt với hàng nghìn vụ kiện liên quan tới chất lượng sản phẩm.
Năm 2012, J & J phải thu hồi hàng nghìn tuýp kem dưỡng da trẻ em Aveeno sau khi cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phát hiện một lô sản phẩm có chứa lượng vi khuẩn vượt mức cho phép. Loại vi khuẩn này được cho là có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tháng 1/2013, J & J phải bồi thường 2 tỷ USD cho 300 bệnh nhân phải dùng sản phẩm thay thế xương hông nhân tạo kém chất lượng từ công ty con Depuy. Theo các chuyên gia y tế, xương hông nhân tạo của Depuy chỉ có tuổi thọ 5 năm, ít hơn một nửa so với các sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, khi cọ sát, các khớp nối của xương hông bào ra một số kim loại nặng gây nguy hiểm cho người dùng.
Năm 2013, J & J gặp phải rắc rối lớn khi bị phanh phui thiếu trung thực trong truyền thông loại thuốc trị rối loạn tâm thần Risperdal. Theo New York Times, kết quả nghiên cứu cho thấy Risperdal khiến 5,5% nam thanh niên dùng thuốc bị chứng to vú. Tuy nhiên J & J đã giấu nhẹm kết quả này. Ngoài ra, Risperdal cũng có nguy cơ gây đột quỵ ở người lớn tuổi. Tháng 11/2013, J & J bị phạt và phải đền bù 2,2 tỷ USD do không cảnh báo đầy đủ thông tin về thuốc với khách hàng.
Cũng trong 2013, người tiêu dùng Mỹ kêu gọi tẩy chay dầu gội trẻ em Baby Shampoo do có chứa hóa chất gây ung thư formaldehyde và 1,4-dioxane. Ngoài ra, sản phẩm này còn có thể gây kích ứng da, mắt và hệ hô hấp.
Tháng 8/2014, J & J thu hồi thiết bị Morcellator sử dụng trong phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung do làm tăng nguy cơ lây lan và đẩy nhanh sự phát triển của các khối u ác tính ở bệnh nhân. Đây là một sự kiện chấn động bởi J & J nắm giữ 72% thị trường thiết bị phẫu thuật u xơ tử cung.
Cũng năm 2014, thuốc làm loãng máu Xarelto do công ty Bayer sản xuất và được tiếp thị tại Mỹ bởi J & J bị cáo buộc gây chảy máu không kiểm soát, khiến hàng nghìn bệnh nhân bị ảnh hưởng, trong đó có 72 người chết tại Đức. Dù đại diện của Bayer vẫn khẳng định Xarelto an toàn cho người dùng với kết quả nghiên cứu hơn 75.000 bệnh nhân, danh tiếng của công ty này và J & J bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đầu năm 2016, tòa án ở St Louis, Missouri, Mỹ tuyên bố J & J phải bồi thường 72 triệu USD cho một gia đình có người bị ung thư buồng trứng do sử dụng phấn rôm chứa bột talc của hãng.
Hiện J&J cũng đang phải đối mặt với hơn 1000 vụ kiện tại Mỹ do không đưa ra cảnh báo về nguy cơ gây ung thư của phấn rôm cho khách hàng. Tuy nhiên, J & J tỏ ra không hài lòng với kết quả của phiên tòa và cho biết công ty sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này.
Sau vụ bê bối mới đây nhất, nhiều người tại Mỹ kêu gọi tẩy chay sản phẩm của J & J. Theo Reuters, chỉ số phân tích tâm lý truyền thông xã hội đối với thương hiệu Johnson & Johnson đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm.Những vụ bê bối, kiện tụng và thu hồi hàng khiến Johnson & Johnson đánh mất hình ảnh trong mắt người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, các nhà đầu tư cũng thi nhau rút vốn khỏi công ty này. Quý I/2016, doanh thu của J & J đạt 17,8 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu 2016, công ty tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc nhằm tiết kiệm từ 800 triệu – 1 tỷ USD vào cuối năm 2018. Kế hoạch này bao gồm việc cắt giảm 6% nhân sự trong mảng kinh doanh thiết bị y tế.
Theo Zing News