Khoảng 4 năm về trước khi FPT “mon men” vào ngành bán lẻ ĐTDĐ đã có cuộc gặp lãnh đạo Thế Giới Di Động để tìm hiểu cơ hội mua lại chuỗi Thegioididong.com nhưng không thành vì nghe đâu giá chát cả trăm triệu đô.
Nay đọc được tin Thế Giới Di Động tính tới hai phương án mở rộng chuỗi trong năm 2016 trong đó có khả năng mua bán sáp nhập mà FPT Shop là một “cơ hội”, câu chuyện “cá ăn kiến hay kiến ăn cá” lại có dịp được hâm nóng.
Khả năng mua… trên đầu môi
Cái câu mà ông Trần Kinh Doanh – Thành viên HĐQT của Thế Giới Di Động – được dẫn lại trên Cafebiz rằng “Nếu tự mở thì chi phí rẻ còn mua lại thì sẽ nhanh hơn” chính là chạm tới một trong những yếu tố cốt lõi trong mua bán sáp nhập: Giá cả.
Hồi FPT “ngồi làm việc” với Thế Giới Di Động vài năm trước, nghe đâu cái giá trăm triệu USD, khoảng 2.000 tỉ đồng, chát quá. FPT có bao giờ hào phóng vung tay tới ngàn tỉ vào các vụ mua bán sáp nhập đâu, nên đã quay về tự mở chuỗi. Tổng giám đốc thời đầu của FPT Shop có những lần gặp mặt mũi bơ phờ vì suốt nhiều tháng liền đi mở chuỗi.
Đến thời điểm này, thời của tổng giám đốc Nguyễn Bạch Điệp, FPT Shop đã sang trang khác rồi, tăng trưởng nhanh chóng từ doanh số đến số siêu thị và thương hiệu. Từ vị trí số 3, số 4 trên thị trường bán lẻ ĐTDĐ, FPT Shop giờ chỉ còn đứng sau Thegioididong.com. Ngày xưa “con cá” FPT không ăn được “kiến” Thegioididong.com, giờ “con kiến” to mạnh lên rồi nếu có muốn sang ăn “cá” thì e chừng cũng không dễ, có khi mức giá để mua được FPT Shop còn chát hơn xưa nhiều lần.
Tôi cùng chiều với ý kiến một chuyên gia marketing được trang ICTNews.vn dẫn lại rằng, khả năng sáp nhập mà Thegioididong.com mua lại FPT Shop là khó xảy ra, mà có khi chỉ nhằm PR thôi.
Tôi muốn đề cập sâu hơn mà có thể mấy bên liên quan không thích. Thứ nhất, FPT chưa bao giờ là kẻ hào phóng dám bỏ hàng ngàn tỉ đồng mua cái gì, và Thế Giới Di Động cũng thế thôi thậm chí tiêu tiền còn chặt chẽ hơn. Hơn nữa nguồn lực và khả năng của Thế Giới Di Động dư sức dựng cả trăm siêu thị một năm thì có cần mua lại FPT shop chi cho tốn kém?
Thứ hai, Thế Giới Di Động mua FPT Shop để giải quyết vấn đề gì hay chỉ thêm gánh nặng: Thương hiệu FPT Shop giải quyết như thế nào? Các siêu thị của FPT Shop lâu nay kèn cựa kè kè bên cửa hàng Thegioididong.com sẽ xử lí ra sao, chuyển thành Dienmayxanh.com thì quá bé còn biến thành Bách Hóa Xanh thì có thể lại quá to và chưa cần thiết tới mức đó. Thứ ba, nếu chỉ để giải quyết vấn đề mặt bằng thì bản thân Thế Giới Di Động hoàn toàn có thể tự giải quyết như cả chục năm qua, có thể chỉ là mất nhiều thời gian hơn mà thôi.
Câu chuyện theo tôi có khi chỉ là lời trên môi thôi. Ông CEO Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh đề cập đến sáp nhập, các phóng viên nhanh nhẩu đẩy cái tên FPT Shop vào để khơi vấn đề. Thì ông Doanh có biến những cái tên nào đó thành “cơ hội” hay “khả năng” Thế Giới Di Động có thể mua lại thì bọ cũng chả mất gì ngoài… nước bọt, song có khi lại thêm được cái tiếng và mấy bài báo nhanh nhẩu.
Chắc gì FPT chịu bán?
Tôi thấy những phóng viên nhanh nhẩu nhưng hình như cũng nhanh nhẩu chưa tới để rắc thêm tiêu, muối, ớt…cho câu chuyện thêm gia vị đậm đà. Tại sao không “alố” một phát cho FPT Shop hỏi về vấn đề này… Mà nếu FPT có chịu bán, thì theo tôi thương vụ này khó mà khớp được.
FPT Shop đã phát triển khá nhanh. Họ bắt đầu có lãi từ năm 2014 và đến hết 2015 tổng doanh thu đạt gần 8.000 tỉ đồng, xấp xỉ bằng 32% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động. Trên thị trường hiện nay, về bán lẻ ĐTDĐ, FPT Shop đứng thứ hai. Họ đã không mấy khó khăn đẩy cái công ty gia đình trị Viễn Thông A xuống vị trí thứ 3 hoặc thậm chí còn thấp hơn. Như vậy FPT Shop đã có một vị thế rõ ràng và khá vững chắc trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ.
Cách đây hơn một năm, đích thân chủ tịch Trương Gia Bình của FPT cho biết tập đoàn này đang tìm kiếm đối tác để bán lại một phần cổ phần tại FPT Shop. Với ý của ông Bình là bán lại để tăng nguồn lực mà phát triển, mà thế thì hướng đến đối tác nước ngoài là các công ty, tập đoàn có tiềm lực, với giá bán thật hời. Chứ còn bán cho Thế Giới Di Động, dễ gì FPT lấy được cái giá thật sự hời, mà nếu không thì bán làm gì. Bán lẻ đang là vua trên thị trường với những hệ thống đã khẳng định được vị thế. Muốn rước được kiệu vua mà không bung ra giá sộp e rằng khó.
Thời Thế Giới Di Động tiên phong khai phá mở chuỗi phải mất nhiều thời gian hơn (khoảng 6-7 năm) mới mở được số lượng siêu thị như FPT Shop hiện nay (khoảng 300 shop, được thực hiện trong khoảng 3-4 năm). Với sự tăng trưởng nhanh như hiện nay, tôi không cho rằng khả năng FPT Shop chịu “bán mình” cho Thế Giới Di Động dù ở một mức giá chấp nhận được.
Tiềm lực mời gọi đối tác của FPT hoàn toàn có thể mời gọi được những tập đoàn nước ngoài với mức giá cao hơn. Tại sao không đưa ra khả năng nếu thực hiện hướng đi đó, về đường dài, FPT Shop hoàn toàn có thể nuôi tham vọng cạnh tranh một 9 một 10 với hệ thống Thegioididong.com?
Đã phát triển được như FPT Shop hiện nay, cũng chả phải sốt ruột bán nhanh cổ phần đi để làm gì. Ngược lại, FPT Shop có thể chủ động chờ đợi thương vụ tốt, mà đã thế thì khó có cơ hội cho Thế Giới Di Động mua lại. Vậy thì khả năng “cá ăn kiến” hay “kiến ăn cá” khó xảy ra, mà cả hai cùng tồn tại và phát triển ở tốp dẫn đầu.
Thẩm Hồng Thụy
Theo VnReview