Roberto Canessa, nạn nhân vụ máy bay rơi ở dãy Andes năm 1972 cùng những người sống sót phải ăn thịt tử thi đã đông cứng để tồn tại và xuống núi tìm người trợ giúp.
Theo News, Canessa lúc đó 19 tuổi, là sinh viên y năm hai đầy triển vọng của trường cao đẳng Christian Brothers, Uruguay.
Phi cơ đâm vào núi Andes khi anh cùng đồng đội trong đội bóng bầu dục, gia đình và người hâm mộ bay sang Chile thi đấu hôm 13/10/1972.
Máy bay chở 45 người, chỉ 27 người sống sót sau vụ đâm. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt cùng tuyết lở khiến 72 ngày sau tai nạn, chỉ còn 16 người sống sót.
Ngày thứ 7 sau vụ tai nạn, đầu óc và cơ thể họ bắt đầu suy kiệt. Da dẻ Canessa tái xanh, ngón chân bắt đầu đen lại vì chứng hạ thân nhiệt.
“Tôi mơ về Lauri, người yêu đang ở Montevideo (thủ đô Uruguay). Liệu cô ấy có tìm bạn trai mới không? Làm thế nào để mẹ tôi vượt qua nỗi đau này”, anh nhớ lại.
Thực phẩm và nước uống còn lại trên máy bay cũng dần cạn kiệt, hy vọng được giải cứu mờ dần, Canessa và những người sống sót buộc phải ra quyết định đầy khó khăn, ăn thịt tử thi để sống sót.
“Thi thể của bạn bè và đồng đội vùi trong băng tuyết chứa protein quan trọng giúp chúng tôi sống sót, nhưng liệu chúng tôi có dám không?” Canessa nhớ lại.
“Chúng tôi đấu tranh tư tưởng trong thời gian dài. Tôi bước ra bên ngoài, giẫm chân xuống tuyết và xin Chúa chỉ đường. Nếu không được người cho phép, tôi cảm thấy mình đang xâm phạm vào ký ức của bạn bè, đánh cắp linh hồn họ”.
Canessa nhớ lại mình đã tự nhủ ngay sau khi máy bay rơi, nếu chết đi, những người còn sống được phép ăn thịt anh để sống sót.
“Đối với tôi, sẽ vinh dự sau khi tim tôi ngừng đập, cánh tay, cẳng chân, bắp thịt trên người tôi vẫn là một phần của sứ mệnh chung, đưa những người sống sót xuống núi. Tôi muốn mình làm tròn phận sự đó”, Canessa giờ đã là bác sĩ tóc bạc trắng, nhớ lại.
Ngày 12/12/1972, Canessa và Nando được giao sứ mệnh xuống núi tìm người giúp đỡ. Mặc thêm quần áo lấy từ những người đã chết, mang theo tất chứa thịt người đông lạnh, họ bắt đầu cuộc hành trình xuống núi mà không có bất kỳ kinh nghiệm leo núi nào.
Lang thang nhiều ngày, Canessa cuối cùng cũng nhìn thấy một con thằn lằn đang giương mắt nhìn anh. Sáng hôm sau, họ phát hiện thêm nhiều dấu vết của con người như dấu móng ngựa, một lon sắt gỉ, một con sông nhỏ chảy xiết, và hai con bò đang đứng bên lùm cây.
“Chúng ta thịt nó chứ?” Nando cười nói. Anh định leo lên cây ném đá vào đầu con bò, còn Canessa đề nghị tốt hơn là cắt gân chân nó, giống như những người cao bồi thường làm. Đang thảo luận thì Canessa nhìn ra phía sau Nando, phát hiện bóng người cưỡi ngựa.
Họ la hét, không dám vượt sông vì quá nguy hiểm. Người kia dừng lại nghe ngóng, ra hiệu và hét lên: “Ngày mai”.
Trước khi mặt trời mọc sáng hôm sau, người kia trở lại, mang theo giấy bút buộc vào hòn đá rồi quăng qua bên kia sông. “Nói cho tôi biết anh cần gì”, tờ giấy viết.
“Chúng tôi gặp tai nạn máy bay trên núi”, Nando viết, ném lại. “Chúng tôi đã đi bộ 10 ngày nay, còn 14 người sống sót trên máy bay. Chúng tôi không có thực phẩm, sức khỏe suy kiệt”.
“Tôi hiểu rồi”, người kia ra hiệu. Hai tiếng sau, một người đàn ông tới gần họ, mang theo hai con ngựa. Người này giới thiệu tên là Armando, và được Sergio Catalan, người đàn ông họ nhìn thấy hôm đầu tiên, cử đến.
Ba người cưỡi ngựa khoảng 8 tiếng đến đồn cảnh sát gần nhất. Sau đó, Nando ngồi trực thăng dẫn đội cứu hộ tìm kiếm những người ở lại máy bay. Ngày hôm sau, họ tìm thấy toàn bộ những người sống sót.
Canessa tiếp tục học y và trở thành bác sĩ, chuyên gia ghép tạng. Ông kể lại câu chuyện sống sót qua cuốn “Tôi phải sống: Máy bay rơi ở núi Andes thôi thúc tôi phải cứu người”, do nhà xuất bản Constable phát hành đầu tháng 3 tới.
Hồng Hạnh
Theo Vnexpress