Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Hải Phòng chiều nay (8/9) liên quan đến tình hình thiệt hại và các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Hải Phòng là một trong 3 địa phương được xác định nằm trong tâm của siêu bão, chịu thiệt hại khá lớn, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Cụ thể, bão đã làm mất toàn bộ nguồn cung về điện ngay từ khi bão đổ bộ vào địa bàn, và đến 6h00 sáng nay (8/9) thì 90% phụ tải vẫn chưa được cấp lại. Công ty Xăng dầu B12 – đơn vị có vai trò cung cấp xăng dầu rất lớn cho không chỉ Hải Phòng mà cả khu vực – cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, được sự ủng hộ và giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này cả 10/10 nhà máy phát điện ở khu vực Đông Bắc Bộ, trong đó có 8 nhà máy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng, đã khởi động hoạt động trở lại và sẵn sàng cấp điện sau 6 – 12 tiếng nữa.
Riêng đối với Hải Phòng, được chính quyền Thành phố tạo điều kiện, ngành điện đã nỗ lực để trong vòng chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, đến 21h00 tối nay, toàn bộ phụ tải quan trọng của Thành phố và 80% khách hàng sẽ được cấp điện lại. Dự kiến, đến cuối giờ chiều mai (9/9) sẽ khắc phục hoàn toàn để cấp điện lại cho tất cả các khách hàng sử dụng điện của Thành phố.
Được sự quan tâm chỉ đạo hỗ trợ khắc phục, Công ty Xăng dầu B12 cũng đã khắc phục thiệt hại, đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối. Hệ thống bán lẻ đã duy trì hoạt động bình thường và bảo đảm cung ứng về xăng dầu cho sản xuất và đời sống người dân.
“Nhìn chung Hải Phòng lo lắng nhất là về điện và xăng dầu, thì đến giờ này hai vấn đề đều đã và đang được giải quyết”, Bộ trưởng cho biết.
Để có được kết quả này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tập trung cao độ, ứng trực để kịp thời xử lý nhiều sự cố và khẩn trương khắc phục sau khi bão tan. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo các đơn vị ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục hệ thống điện bị sự cố nhanh nhất, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống, điều độ điện khi có sự cố xảy ra.
Ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cung cấp vật tư hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất. Khắc phục sự cố đường dây, trạm biến áp gắn với đảm bảo an toàn sử dụng điện, cung cấp thông tin hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân.
Thảo My / Tạp chí Công Thương