Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua kiểm tra thực phẩm bẩn chiếm 7 – 8%, thực phẩm an toàn chiếm 90% nhưng người dân không biết cách phân biệt.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự tích cực của các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm qua. Đặc biệt là các biện pháp thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm đã mang lại hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là tình trạng sử dụng phụ gia chế biến thực phẩm, chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…
Theo Phó Thủ tướng, qua kiểm tra cho thấy hiện nay chỉ có khoảng 7-8% thực phẩm bẩn và hơn 90% thực phẩm an toàn nhưng người dân không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngoài việc thanh, kiểm tra xử lý vi phạm an toàn thực phẩm cần có biện phát tuyên truyền đề người dân biết cách phân biệt thực phẩm bẩn và thực phẩm an toàn.
Trong năm 2016, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nỗ lực thực hiện, từ hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư, tập huấn, nhằm hướng đến mục đích làm cho người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm bẩn.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần triển khai kiểm tra để loại bỏ thực phẩm không an toàn ở các chợ, đi đôi với việc vận động người dân không nuôi, trồng, sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn.
Đối với tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phụ gia thực phẩm, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, nòng cốt là lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phó Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới Ban Chỉ đạo sớm soạn thảo, hoàn chỉnh văn bản ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bởi đây là việc làm nguy hiểm, có thể gây hại cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Năm 2015, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực. Qua thanh tra, kiểm tra, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 37,2% năm 2014 lên 51,1%. Riêng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, với số tiền phạt hành chính trên 17 tỉ đồng. Tỷ lệ cơ sở bị đình chỉ hoạt động tăng từ 1,3% năm 2014, lên 5,2% năm 2015.
Tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, giảm nhiều về số vụ, số mắc, số tử vong so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt không để xảy ra các vụ ngộ độc tại các hội nghị, sự kiện lớn của đất nước và các đợt nghỉ lễ dài ngày.
Tính đến ngày 15/12/2015, toàn quốc ghi nhận trên 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người mắc, giảm số vụ, số mắc, số tử vong so với năm 2014.
Trong dịp Tết Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân năm 2016, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: thịt, các sản phẩm từ thịt, rượu, bia, bánh, mứt, kẹo, củ, quả… Trong đó, chú trọng xử lý cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Từ 20/12/2015 đến hết 25/3/2016 sẽ triển khai thực hiện việc kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn thực phẩm với mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm 2015.
Mai Anh
Theo Giáo Dục Việt Nam