Tổng thống Vladimir Putin có thể đang sốt ruột trước túi tiền cạn dần của nước Nga, cũng có thể sợ sa lầy ở Trung Đông, nhưng ông chứng minh rõ ràng: “nhiệm vụ đã hoàn thành”, đã đến lúc rút quân trong vị thế người chiến thắng.
Putin “xỏ mũi” Obama?
Tổng thống Putin đã làm cả thế giới bất ngờ với tuyên bố hôm 14.3 là sẽ bắt đầu rút quân khỏi Syria. Mỹ cũng chẳng khác gì phần còn lại của thế giới này, cũng giật mình với tuyên bố của ông Putin.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest đã phải lảng tránh các câu hỏi xung quanh đề tài này trong cuộc gặp gỡ báo chí thường nhật hôm 14.3, trong lúc giới chức Mỹ đang cố hết sức dò la thông tin và đoán già đoán non về một con người khó đoán như Putin. Báo Politico dẫn lời một quan chức cao cấp trong chính quyền Obama phát biểu chiều 14.3: “Chúng tôi đã xem các thông tin về việc Tổng thống Putin tuyên bố rút quân Nga theo kế hoạch khỏi Syria. Chúng tôi dự kiến sẽ hiểu thêm về điều này trong vài giờ tới”.
Thật ra thì trong suốt 2 năm qua, dù muốn hay không muốn, Mỹ cũng phải học cách làm quen với những nước cờ đầy bất ngờ của ông Putin. Tuyên bố bất ngờ rút quân chỉ xảy ra có 6 tháng khi ông Putin khiến cả thế giới phải giật mình với cú can thiệp quân sự thần tốc vào Syria.
Hay ván cờ hốt trọn: sát nhập lãnh thổ Crimea thuộc Ukaine (đồng minh của Mỹ) vào Nga hồi năm 2014 không làm Mỹ và phương Tây bất ngờ đến choáng váng đó sao?
Trong một cuộc họp báo hồi tháng trước, phóng viên của Bloomberg đã “làm khó” Tổng thống Mỹ Barack Obama với câu hỏi có phải ông đã bị Tổng thống Putin “xỏ mũi” ở Syria rồi hay không. Ông Obama lúc đó đã “đánh trống lảng” rằng cuộc không kích của Nga tại Syria cho thấy vị thế của chính quyền Syria đã yếu đi.
Chi tiêu 4 triệu USD/ngày
Một trong những nguyên nhân đầu tiên mà người ta có thể nghĩ tới khi Nga bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria là vì Nga… cạn tiền. Báo New York Daily News đưa tin ước tính mỗi ngày quân đội Nga “đốt” hết 4 triệu USD ở Syria.
Giá dầu rớt thảm hại suốt thời gian dài qua khiến một đất nước sống lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga phải điêu đứng. Nga gần đây đã tha thiết yêu cầu Ả Rập Xê Út – một ông cực bự khác trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ – giảm sản lượng và tăng giá dầu. Ả Rập Xê Út – một “ông bự” đứng ở chiến tuyến bên kia trong cuộc chiến Syria và là đồng minh với Mỹ – lắc đầu dứt khoát. Việc nước này yêu cầu vay gói “siêu” nợ từ 6-8 tỉ USD hồi tuần trước cho thấy quyết tâm của Riyadh trong việc đẩy Nga và Iran vào cảnh cơ hàn mạnh mẽ tới đâu. Rút quân khỏi Syria giúp Nga tiết kiệm tiền đáng kể trong bối cảnh túi tiền đang xẹp dần.
Tiếp đến, Nga đang ở trong một tình huống khó xử với đồng minh người Kurd – lực lượng đang “bắt cá hai tay” đầy thuận lợi ở Syria. Mỹ phải ve vãn người Kurd vì đây là lực lượng nổi dậy ở Syria giúp họ chống IS hiệu quả nhất. Nga o bế người Kurd vì họ gây rắc rối lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ – nước đã bắn rơi chiếc chiến đấu cơ của Nga ở Syria. Nhưng Tổng thống Syria, ông Bashar Assad – nguyên nhân chính khiến Nga điều quân sang Trung Đông – thì dứt khoát sẽ đối đầu lại với tất cả các lực lượng nổi dậy mà thu hết quyền lực về tay mình. Sự rút lui khỏi Syria vào lúc này sẽ giúp ông Putin thoát khỏi tình thế khó xử giữa 2 đồng minh quan trọng đang “choảng” nhau.
Cuối cùng, chỉ mới gần đây, trong cuộc phỏng vấn với báo Atlantic, Tổng thống Mỹ Obama đã cười nhạo rằng ông Putin đã nhúng chân vào vũng lầy nội chiến ở Syria và sẽ phải hối tiếc. Ông Obama cũng cho rằng Nga đang với xa quá mức và đang “chảy máu” ở Syria.
Hẳn trước khi đưa quân quay lại “vũng lầy Trung Đông”, ông Putin đã phải vạch rõ chiến lược để không lặp lại sai lầm như cuộc sa lầy thật sự của quân đội Liên Xô ở Afghanistan hồi năm 1979 – một nỗi ám ảnh khó phai trong đầu người Nga, không cần ông Obama phải nhắc. Ông Putin chắc chắn rất sợ sa lầy ở một nơi rất dễ sa lầy như Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.
“Nhiệm vụ đã hoàn thành”
Khi đưa quân sang Syria, ông Putin có nói đến mục đích chống IS, nhưng Mỹ chưa bao giờ tin. Và Mỹ hay bất kỳ ai cũng không có lý do nào để tin rằng Nga đã hoàn thành mục tiêu chống IS mà rút quân khỏi Syria.
Ông Evelyn Farkas, một cựu quan chức hàng đầu về Nga tại Lầu Năm Góc cay đắng: “Nếu mục tiêu của ông ta đã hoàn thành gần hết, vậy rõ ràng ông ta không định đánh IS”.
IS vẫn đang chiếm giữ một phần rộng lớn lãnh thổ Syria, vẫn đang làm mưa làm gió không chỉ ở Syria hay Iraq – đất nước thứ 2 mà IS đặt thành trì – mà là ở nhiều nơi trên thế giới bằng các cuộc tấn công khủng bố. Làn sóng tị nạn là nạn nhân của IS đang tràn qua khắp châu Âu. Nhưng đó không phải là rắc rối của ông Putin.
Mục tiêu quan trọng nhất của ông Putin ở Syria mà ai cũng biết và bản thân ông Putin cũng nhiều lần nhấn mạnh là củng cố quyền lực của ông Assad. Và rõ ràng, ở khía cạnh này, tổng thống Putin có thể thản nhiên tuyên bố “nhiệm vụ đã hoàn thành”.
Nếu như trước khi Nga đem quân sang Syria, chính quyền của ông Assad – đồng minh quan trọng nhất của Nga ở Trung Đông – đang tơi bời bởi các đợt tấn công của hàng loạt lực lượng nổi dậy khác nhau được Mỹ chống lưng mạnh mẽ, đến nay những lực lượng đó bị máy bay Nga ném bom tơi bời. Quân đội Nga cùng Iran và lực lượng Hezbollah đã giúp chính quyền Syria chiếm lại một loạt thành trì từ tay các lực lượng nổi dậy, nhất là ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như trước đây Mỹ liên tục khăng khăng Assad phải ra đi thì nay không còn nghe Mỹ nhắc đến điều đó nữa. Các cuộc đàm phán hòa bình Syria, dù có tiếp tục được hay không và có mang lại kết quả gì chăng nữa thì Assad sẽ vẫn còn ngồi đó, trên chiếc ghế quyền lực cao nhất. Và Syria sẽ vẫn tiếp tục là đồng minh của Nga một cách vững chắc.
Với bản thân ông Putin, đem quân về nước trong hoàn cảnh đó, trong vị thế của người chiến thắng, sẽ càng giúp tăng cao sự ủng hộ của người dân Nga.
Về vị thế của nước Nga trên trường quốc tế, nếu như một đất nước nào đó ở Trung Đông hay ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới có thể hoàn thành được mục tiêu của họ nhờ vào sự giúp đỡ của quân đội Nga, đây sẽ là một ví dụ điển hình để những nước khác cũng sẽ nhờ vả đến Nga.
Mỹ chắc chắn không muốn điều đó, nhất là tại một khu vực đầy phức tạp và cũng đầy dầu mỏ mà Mỹ đã cố gắng xây dựng sự ảnh hưởng suốt bao thập niên qua.
Kiều Oanh