Singapore có khu đèn đỏ với các nhà chứa hợp pháp, người bán dâm được cấp thẻ hành nghề, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Gái mại dâm đứng đường mời chào khách ở Geylang, Singapore. Ảnh: Asia One. |
Đêm nào cũng thế, Lisa Jaafar đều tới thẳng Geylang, khu đèn đỏ nổi tiếng ở Singapore, để chèo kéo khách mua dâm, dù thu nhập không còn được cao như 5 năm trước. Điều này phản ánh một thực tế gây tranh cãi ở Singapore, đó là tình trạng nở rộ của mại dâm, bất chấp những quy định khắt khe của luật pháp, theo SCMP.
Để quản lý mại dâm, Singapore cho phép các nhà chứa có giấy phép được hoạt động ở những khu vực nhất định. Quá trình cấp phép do cảnh sát kiểm soát, số lượng nhà chứa thường không được công bố công khai.
Vanessa Ho, giám đốc Project X, nhóm vận động vì quyền lợi người bán dâm, cho rằng chính sách trên không hiệu quả. “Nỗ lực xóa bỏ tệ nạn này tỏ ra không hiệu quả. Điều quan trọng hơn là cảnh sát tạo ra khu vực kinh doanh cho các hoạt động mại dâm”.
Ho ước tính số lượng nhà chứa có giấy phép ở Singapore vào khoảng 80 – 90 cơ sở. Phụ nữ hành nghề ở những cơ sở trên phải có giấy phép do cảnh sát cấp. Họ được cấp một thẻ màu vàng đề họ tên, ảnh, kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
“Mở nhà chứa ngoài khu vực cho phép, môi giới, quảng cáo mại dâm trực tuyến, tuyển mộ phụ nữ đều bất hợp pháp”, Ho cho biết. Chèo kéo mua dâm ở nơi công cộng cũng bị coi là bất hợp pháp ở Singapore.
Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn chặn các hoạt động mua bán dâm diễn ra. Những người hành nghề tự do như Jaafar vẫn mồi chài khách trên phố, quảng cáo mại dâm trên mạng và làm việc dưới sự che chở của các nhà chứa.
Tháp Orchard ở trung tâm Singapore, nơi mua sắm nhộn nhịp nhất thành phố, đầy rẫy quán rượu và câu lạc bộ, là nơi tụ tập của khách Tây và người hành nghề mại dâm trong một tổ hợp giải trí có tên “4 tầng trụy lạc”.
Scarlet, một sinh viên 21 tuổi, vào nghề mại dâm được ba năm, giải thích tính pháp lý và thực trạng của nghề này.
“Nếu không làm việc cho bất cứ cơ sở nào, người bán dâm sẽ hưởng 100% số tiền kiếm được”, Scarlet nói. “Còn ngược lại, nhà chứa sẽ cắt lại 20-70% số tiền cô ấy kiếm được. Có điều, ngay cả khi hành nghề độc lập như tôi, cũng vẫn mất món tiền kha khá chi vào quảng cáo”.
Thỉnh thoảng, giới chức Singapore vẫn thực hiện các chiến dịch trấn áp. Hồi tháng 5, Roderic Chen Hao Ren, 32 tuổi, bị kết án hai năm tù và phạt 61.200 USD tội mở “nhà chứa ảo”, một trang web quảng cáo mua dâm trực tuyến với phí môi giới 40%. Năm ngoái, Quek Choon Leong, 34 tuổi, bị kết án 33 tháng tù vì điều hành một đường dây 32 gái mại dâm.
Một cơ sở mát xa ở Geylang, khu đèn đỏ nổi tiếng Singapore. Ảnh: SCMP. |
Việc cấp phép cho nhà chứa ở Singapore cũng gây tranh cãi vì những cơ sở này hoạt động trong khu vực được gọi là phố đèn đỏ được chỉ định, nơi luật chống môi giới, chèo kéo không được thực thi, các nhà chỉ trích nói.
Họ viện dẫn hoạt động của các nhà chứa đi ngược lại Hiến chương Phụ nữ, một điều luật được thông qua năm 1961 cấm “sống ỷ lại toàn bộ hoặc một phần thu nhập kiếm được từ mại dâm” và có thể bị phạt tù tới 5 năm, phạt hành chính 7.400 USD.
“Những khu mại dâm đó không chỉ là khu vực xám, mà còn đi ngược với luật pháp”, Ho bày tỏ.
Nhu cầu mại dâm ở Singapore đang gia tăng, Ho khẳng định. Phụ nữ từ những nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc không ngừng đổ tới hành nghề. Nhóm Project X cho biết số gái mại dâm không chuyên rất nhiều, gây khó khăn cho việc ước tính.
Hai năm trước, cảnh sát Singapore đã bắt giữ hơn 5.000 người hành nghề mại dâm trái phép, đa số là phụ nữ nước ngoài tới theo thị thực du lịch.
Jaafar, một công dân Singapore, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Cô còn chưa tốt nghiệp tiểu học và rất khó kiếm việc.
“Tôi từng làm nghề chăm sóc sản phụ và trị liệu cơ thể, bán hàng qua điện thoại, công nhân nhà máy, thu ngân, bán hàng ở quầy”, cô kể lại. Jaafar bước chân vào nghề mại dâm 12 năm trước, khi cần kiếm tiền nuôi con sau khi ly hôn.
“Công việc này chắc chắn không hề dễ dàng, họ mắc kẹt trong hoàn cảnh khó khăn”, Nicholas Harrigan, một nhà xã hội học công tác ở Đại học Quản lý Singapore nhận xét. “Tôi cho rằng việc tử tế chúng ta nên làm là biến công việc của họ an toàn hơn, ít bấp bênh hơn”.
Hồng Hạnh/VNE