Tàu Hao Fan 6 chở hàng cấm cho Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc cấm ghé mọi cảng trên thế giới và phải chạy lòng vòng trên biển nhiều ngày.
Tàu Hao Fan 6 bị Liên Hợp Quốc cấm vận. Ảnh: CNN. |
Ngày 10/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm 4 tàu vận tải biển, trong đó có tàu Hao Fan 6, dài 140 m, vào bất cứ cảng nào trên toàn thế giới. Những tàu này bị cáo buộc chở than, hải sản và quặng sắt cho Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa.
Vào thời điểm lệnh cấm được ban bố, tàu Hao Fan 6 đang ở vùng biển phía nam Hàn Quốc, theo thông tin giám sát tàu biển từ MarineTraffic. Bộ phát tín hiệu định vị của nó vẫn hoạt động cho đến 23h17 ngày 10/10. Sau đó, Hao Fan 6 biến mất trên hệ thống giám sát, theo CNN.
Hành trình của Hao Fan 6 trong những tuần trước khi lệnh cấm từ Liên Hợp Quốc được đưa ra cho thấy chiếc tàu biển khổng lồ có sức chở 8.343 tấn hàng hóa này dường như đã đi qua cả đất liền, băng qua một dải đất rộng lớn ở Hàn Quốc. Tất nhiên, điều này không phải do trục trặc kỹ thuật. Tàu Hao Fan 6 nhiều khả năng đã tắt thiết bị phát tín hiệu định vị.
Hầu hết các tàu biển hiện đại đều có thể được giám sát thông qua bộ phát tín hiệu có tên gọi Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS). Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) quy định các tàu biển lớn bắt buộc phải trang bị AIS. Các tàu biển có thể che giấu hành tung của chúng bằng cách tắt AIS. Một khi nó được bật trở lại, dữ liệu giám sát sẽ cho thấy vị trí con tàu có sự thay đổi lớn, nằm cách xa rất nhiều so với lần cuối AIS hoạt động.
Hành trình của tàu Hao Fan 6 trong hai năm qua cho thấy nó chỉ hoạt động quanh quẩn ở vùng biển gần các nước Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga. Ảnh: CNN. |
“Chẳng thể làm gì để ngăn các thuyền trưởng bật tắt chúng”, Andrea Berger, học giả nghiên cứu về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và chương trình vũ khí Triều Tiên từ Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, Mỹ, cho hay.
Sau khi “biến mất” vào ngày 10/10, tàu Hao Fan 6 không bật bộ phát tín hiệu định vị trong những ngày còn lại của tháng đó. Theo Berger, các tàu dính líu đến những hoạt động bất hợp pháp liên quan đến Triều Tiên thường bật tắt bộ phát tín hiệu định vị nhiều lần trong hành trình. Giới chuyên gia cho biết các bộ phát tín hiệu thường chỉ được tắt nếu một tàu bị đe dọa, chẳng hạn liên quan đến cướp biển.
Ba chuyến tàu đến Triều Tiên
Dữ liệu lịch sử của Hao Fan 6 cho thấy con tàu ghé đến Triều Tiên ba lần vào năm ngoái và chạy trên các tuyến hàng hải chở than truyền thống. Vào mùa thu năm 2016, nó bị phát hiện ở gần thành phố cảng Nampo, Triều Tiên, hai lần. Lần đầu tiên vào ngày 27/9 và lần thứ hai vào ngày 17/10.
Lần này, nó ở vị trí gần Lam Sơn, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nơi có một cảng biển và kho tập kết than. Những dữ liệu giám sát sau đó cho thấy nó quay trở về Nampo. Đến ngày 20/10, nó xuất hiện ngoài bờ biển Triều Tiên một lần nữa rồi liên tục bật tắt tín hiệu định vị trong nhiều ngày.
Nếu tàu Hao Fan 6 vận chuyển than trong các hành trình kể trên, nó đã vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 3/2016.
Hugh Griffiths, điều phối viên từ Ủy ban Chuyên gia về Triều Tiên thuộc Liên Hợp Quốc, cơ quan giám sát việc thực thi và hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, không bình luận về nghi vấn tàu Hao Fan 6 chở than. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mọi thành viên phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Một phần trong nhiệm vụ đó là phải giám sát kỹ các tàu chở than”, ông Griffiths nói.
Than là phao cứu sinh kinh tế quan trọng đối với Bình Nhưỡng. Năm 2015, xuất khẩu than giúp Triều Tiên thu về gần một tỷ USD, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc. Các công ty Trung Quốc là những khách hàng lớn vì than Triều Tiên có giá rẻ lại nằm gần Trung Quốc.
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 9, Marshall Billingslea, trợ lý Bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống tài trợ khủng bố, đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và dữ liệu AIS để chứng minh rằng có ba tàu vận chuyển trái phép than của Triều Tiên bật tắt thiết bị AIS trong các hành trình vận chuyển giữa Trung Quốc và Nga.
Gần đây, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley kêu gọi cộng đồng quốc tế phải tăng cường hành động để ngăn chặn những hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên.
“Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm xuất khẩu than từ Triều Tiên nhưng chúng ta vẫn nghe thấy những báo cáo về việc Bình Nhưỡng tiếp tục chở lậu than sang các nước láng giềng châu Á bằng cách sử dụng những chiêu thức gian dối để che đậy nguồn gốc than”, bà Haley nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay sau khi Triều Tiên thử tên lửa hồi tháng 11.
Hai văn phòng ở Hong Kong
Trên giấy tờ, Hao Fan 6 thuộc sở hữu một công ty đặt tại Hong Kong có tên gọi Trendy Sunshine. Địa chỉ công ty này nằm ở tầng 10 tòa nhà Billion Centre, theo Equasis, trang dữ liệu trực tuyến về thông tin hàng hải do Liên minh châu Âu (EU) và Cục Quản lý Hàng hải Pháp (FMA) xây dựng.
Khi ghé thăm văn phòng Trendy Sunshine, phóng viên không thể tìm thấy nó, thay vào đó là trụ sở SBC International, công ty đảm nhận chức năng văn phòng thư ký cho Trendy Sunshine.
Tại Hong Kong, các công ty có thể dùng chung địa chỉ với văn phòng thư ký. Luật yêu cầu các công ty phải có văn phòng giám đốc lẫn văn phòng thư ký. Các công ty bên ngoài Hong Kong có hoạt động kinh doanh tại đặc khu này thường sử dụng chung địa chỉ như vậy nhằm tiết kiệm chi phí thuê văn phòng.
Song đây cũng là một chiêu thức để các công ty né lệnh trừng phạt. Một cuộc điều tra do CNN thực hiện hồi tháng 10 cho thấy nhiều công ty bị cáo buộc giúp Triều Tiên né lệnh trừng phạt đã lập công ty bình phong ở Hong Kong để lợi dụng những quy định giám sát tương đối lỏng lẻo tại đây.
Những công ty như SBC International cung cấp các dịch vụ sáp nhập cho công ty nước ngoài. Đôi khi, họ làm việc cho hàng nghìn khách hàng cùng lúc. Trang web của SBC International cho biết đang cung cấp khoảng 400 dịch vụ cho hơn 400.000 khách hàng. Công ty này có các văn phòng ở Hong Kong, Singapore và nhiều thành phố Trung Quốc như Thượng Hải, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu và Nam Kinh.
Shen Zhong International Shipping, công ty trực tiếp vận hành Hao Fan 6, cũng dùng chung địa chỉ với 4 văn phòng khác thuộc SBC International ở Hong Kong. Công ty này không sở hữu Hao Fan 6 mà chỉ quản lý hoạt động hàng ngày của Hao Fan 6 cũng như đảm nhận nhiệm vụ thuê thuyền trưởng và thủy thủ cho tàu.
Việc SBC International sử dụng chung địa chỉ với Trendy Sunshine và Shen Zhong International Shipping không vi phạm pháp luật nhưng cũng không bình thường.
Trendy Sunshine có một cổ đông sở hữu duy nhất là Yue Diangang. Theo dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp Hong Kong, ông Diangang cư trú ở thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Jessica Knight, giám đốc công ty phân tích mối quan hệ doanh nghiệp Sayari Analytics ở Washington, cho biết các nhân viên của ông chỉ tìm thấy một người ở tỉnh Sơn Đông có tên giống như vậy và đó là một doanh nhân trong ngành xi măng.
Theo Knight, việc người này là một doanh nhân ngành xi măng, chứ không phải doanh nhân ngành kho vận hay hàng hải sở hữu tàu vận tải biển, là điều khó hiểu.
Trendy Sunshine mua lại tàu Hao Fan 6 từ công ty vận tải biển Zhejiang Haofan Shipping vào ngày 24/2/2017, theo dữ liệu của Equasis.
Cũng trong hôm đó, Zhejiang Haofan Shipping chuyển nhượng tàu Hao Fan 2 cho công ty Advance Superstar ở Hong Kong. Cũng giống như Trendy Sunshine, Advance Superstar sử dụng chung địa chỉ với một chi nhánh của SBC International. Theo dữ liệu Equasis, Zhejiang Haofan Shipping hiện lại chỉ sở hữu một tàu duy nhất: Hao Fan 3.
Giống Hao Fan 6, dữ liệu AIS từ Hao Fan 3 cho thấy hành trình của nó nhảy cóc một quãng rộng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, một dấu hiệu cho thấy thiết bị AIS trên tàu đã bị bật tắt.
Dù tàu Hao Fan 2 và Hao Fan 3 không bị phát hiện làm điều gì trái phép và không bị Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt, cả hai tàu cũng bật tắt thiết bị AIS và hoạt động trong cùng khu vực với tàu Hao Fan 6. Knight cho rằng điều bất thường trên đủ cơ sở để Liên Hợp Quốc thực hiện các biện pháp giám sát chúng.
Chạy lòng vòng trong hơn hai tuần
Tàu Hao Fan 6 chạy lòng vòng ở biển Hoa Đông gần Trung Quốc suốt hai tuần qua. Ảnh: CNN. |
Hơn một tháng sau khi tắt tín hiệu định vị vào ngày 10/10, thiết bị AIS của Hao Fan 6 được bật trở lại vào thời điểm nó đang ở biển Hoa Đông, cách vị trí thu được từ dữ liệu AIS gần nhất hàng trăm km.
Sau đó, Hao Fan 6 chạy lòng vòng tại một khu vực trong hơn hai tuần. Theo George Lopez, cựu thành viên Ủy ban Chuyên gia Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, đây có thể là cách để Hao Fan 6 đánh lạc hướng các nhà điều tra Liên Hợp Quốc. Lopez cho biết ông chưa từng thấy hành động chạy lòng vòng kỳ quặc như vậy của tàu này trước đây.
Nếu Hao Fan 6 xin cập một cảng, nhà chức trách có thể xem nhật trình và bản kê khai hàng hóa của nó. Dữ liệu hành trình không đầy đủ sẽ khiến nó gặp rắc rối với cơ quan hải quan. Không có nơi nào để đến và không có cảng nào tiếp nhận nên tàu Hao Fan 6 phải chạy lòng vòng ngoài biển.
Hồng Vân/VNE