Sự yếu kém của thể chế khiến người dân đặt niềm tin vào bạo lực tự phát, khiến nhà nước rất khó có thể lấy lại niềm tin của cộng đồng vào nền pháp trị.
Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, chiến dịch diệt tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến hơn 1.800 người thiệt mạng. Giới phân tích cho rằng tình trạng bạo lực này có thể đẩy Philippines vào một “cơn say máu” không có hồi kết, đe dọa nền tảng của cả xã hội, theo NYTimes.
Chuyên gia luật Amanda Taub, giáo sư thỉnh giảng về luật quốc tế và nhân quyền tại Đại học Fordham, New York, Mỹ, nhận thấy đây không đơn giản là một cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu, mà bản chất thực sự của “cơn say máu” phức tạp hơn nhiều, trong đó chính người dân Philippines đã góp phần tạo ra bối cảnh cho làn sóng giết chóc đó.
Nguyên nhân
Hầu hết nạn nhân bị bắn chết trong các cuộc đọ súng với cảnh sát và những nhóm dân quân tự vũ trang mà chưa hề bị chứng minh là phạm tội trước một tòa án hợp pháp. Những vụ giết chóc kiểu này khiến Liên Hợp Quốc phản ứng, nhưng người dân Philippines lại nhiệt thành ủng hộ, và uy tín của Tổng thống Duterte cũng tăng vọt.
Theo các nghiên cứu xã hội học, làn sóng giết chóc kiểu này thường bắt đầu với một nhà nước yếu kém và dân chúng luôn có cảm giác bất an, mất niềm tin vào các thể chế của chính quyền. Trong bối cảnh đó, những sáng kiến ngắn hạn thường đẩy người ta tới những quyết định thiếu sáng suốt dẫn tới tình trạng bạo lực, và một khi nó đạt tới mức độ đẫm máu như ở Philippines, nó gần như không thể ngừng lại.
Bà Taub cho rằng cội rễ của vấn đề bắt nguồn từ thời kỳ cầm quyền của cựu tổng thống Benigno Aquino, người đã không thể cải thiện được hệ thống tư pháp đầy tham nhũng và thiếu hiệu quả của Philippines như những gì đã hứa khi đắc cử năm 2010. Chính quyền của ông đã phải đối mặt với một loạt bê bối liên quan đến an ninh, trong đó có vụ khủng hoảng con tin ở Manila 2010, khi cảnh sát bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp, kém cỏi khiến 8 nạn nhân thiệt mạng.
Trong mắt dân chúng, ông Aquino bị coi là một tổng thống mềm yếu, không cương quyết đưa ra những biện pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề của đất nước.
“Thực tế là hệ thống tư pháp, tòa án đã bị tê liệt ở Philippines”, Phelim Kine, phó giám đốc chi nhánh châu Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền, nhận định.
Theo ông Kine, những người có quyền thế ở Philippines dễ dàng “chạy án” trước hệ thống tư pháp. “Khi dân chúng cho rằng có những người có thể mua chuộc được cảnh sát, họ càng tin rằng chính phủ và hệ thống tư pháp là một phần của vấn đề đó, chứ không phải là giải pháp”, Kine nói.
Chính điều này khiến dân chúng cảm thấy không được bảo vệ trước tội phạm, thúc đẩy họ sẵn sàng ủng hộ các hình thức bạo lực kiểu tự phát, vốn được họ coi như biện pháp trừng phạt tốt nhất để vãn hồi trật tự và tự bảo vệ mình.
Nghiên cứu tại các quốc gia Mỹ Latin như Colombia, Mexico, Guatemala của giáo sư Gema Santamaria thuộc Viện Công nghệ Tự động Mexico và chuyên gia Jose Miguel Cruz tại Đại học Quốc tế Florida cho thấy những người thiếu niềm tin vào các thể chế của đất nước lại càng có xu hướng ủng hộ bạo lực tự phát. Ngược lại, ở những nước có thể chế nhà nước mạnh, xu hướng phản đối các cuộc giết người không qua xét xử rõ nét hơn.
“Người dân hướng tới bạo lực tự phát như một sự thay thế cho hệ thống tư pháp chính thống”, bà Santamaria nói. Bạo lực tự phát đó thể hiện dưới nhiều hình thức, từ những vụ hành hình trước đám đông ở Mexico, cho tới các lực lượng tự vệ bán quân sự ở Colombia, nhưng bản chất của chúng đều giống nhau.
Theo chuyên gia này, dù không tin tưởng vào cảnh sát, người dân các nước đó lại cổ vũ các vụ nổ súng giết nghi phạm vượt quá thẩm quyền của cảnh sát, bởi họ coi sự trừng phạt ngay lập tức đó hiệu quả hơn nhiều so với quy trình lê thê của hệ thống tư pháp tham nhũng.
Theo bà Taub, nỗi bức xúc trước sự bất lực của chính phủ trong việc đảm bảo an ninh cơ bản cho người dân đã khiến họ khao khát một lãnh đạo mới, có thể thực hiện những hành động quyết liệt hơn để đem lại an toàn cho dân chúng.
Những nhà lãnh đạo như ông Duterte đã biết cách khai thác tâm lý này của dân chúng, đề xuất ra những biện pháp ngắn hạn nhằm mục tiêu “giải quyết vấn nạn của đất nước”. Ông Duterte đã đắc cử với lời hứa sẽ quét sạch tội phạm ma túy ở Philippines chỉ trong 6 tháng.
Hậu quả
Theo chuyên gia James Robinson, giáo sư chính sách công tại Đại học Chicago, trong xã hội kém an toàn, những chính trị gia cổ vũ cho hình thức bạo lực này sẽ được dân chúng ủng hộ, còn những người phản đối sẽ bị gắn mác là “yếu đuối, bất lực”.
Chính điều này càng khiến các lãnh đạo như ông Duterte khuyến khích bạo lực tự phát nhiều hơn, ngay cả khi tình trạng đổ máu chỉ càng làm trầm trọng thêm bầu không khí bất ổn, và mục tiêu của các cuộc lùng diệt nhiều khi là người vô tội.
Chuyên gia này cho rằng các biện pháp kiểu “tìm và diệt” của ông Duterte không nhắm đến vấn đề cốt lõi hiện nay của Philippines, đó chính là cải cách thể chế để lấy lại lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp. Có vẻ như biện pháp truy tìm các băng đảng tội phạm và tiêu diệt chúng dễ dàng hơn rất nhiều so với cuộc cải cách chính trị đầy chông gai.
Theo bà Taub, với việc tuyên bố tiêu diệt hàng nghìn tội phạm trong hai tháng, ông Duterte có thể giúp người dân có cảm giác rằng tình hình đang cải thiện. Thế nhưng các vụ giết chóc bừa bãi trên đường phố sẽ lại càng gây ra tâm lý bất an trong một bộ phận dân chúng, khiến họ phải dựa vào các biện pháp bạo lực hơn, và cái vòng luẩn quẩn tiếp tục không bao giờ kết thúc.
“Một khi chính quyền nói rõ rằng không ai bị trừng phạt vì các vụ giết người không qua xét xử, bất cứ ai mang súng và nỗi thù hận trong lòng cũng đều có thể trừng phạt người khác mà không lo sợ về hậu quả”, ông Kine nói.
Dư luận lúc đó sẽ đòi hỏi phải có thêm các vụ giết người nơi công cộng để đảm bảo an ninh cho họ. Rốt cuộc, tình hình sẽ sớm vượt ra khỏi vòng kiểm soát.
Chẳng hạn như ở thành phố Tagum trên đảo Mindanao, nơi chính quyền khuyến khích cảnh sát mặc thường phục và các đồng sự sát hại những người vi phạm pháp luật dù là nhỏ nhất, kể cả trẻ em, nhân danh cuộc chiến chống tội phạm.
Ông Kine cho biết, sau khi thực hiện những vụ giết người mà không bị trừng phạt, các biệt đội tử thần này bắt đầu quay sang thực hiện những vụ ám sát theo hợp đồng để kiếm tiền. Những người chống lại họ, kể cả sĩ quan cảnh sát, đều bị coi là kẻ thù và thường bị mưu sát. Thành phố trở nên nguy hiểm và bất ổn hơn, nơi dân thường là những người hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.
Một khi bạo lực trở thành phương tiện chấp nhận được để giải quyết bất đồng, người dân sẽ rất khó có thể tin tưởng vào bất cứ hệ thống nào khác, bà Santamaria nhận định. Khi nhà nước tìm cách vãn hồi trật tự, họ sẽ đối mặt với với đám đông không còn tin tưởng vào “thượng tôn pháp luật”, bởi họ đã từng được nhà nước khuyến khích sử dụng bạo lực tự phát.
Hàng thập kỷ sau khi bùng phát làn sóng bạo lực tự phát, Guatemala và Colombia đến nay vẫn chưa thể thiết lập lại được trật tự do nhà nước kiểm soát, khi các nhóm dân quân bán vũ trang vẫn tung hoành và có ảnh hưởng nhất định trong nền chính trị đất nước.
“Đây có lẽ là bài học đáng lo ngại nhất, khi khao khát được an toàn của người dân bình thường, kết hợp với các thể chế yếu kém và tư duy ngắn hạn, có thể đẩy đất nước tới thảm họa ngày càng lớn”, bà Taub nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo Vnexpress