Việt Nam đang đứng trước đợt đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 trong lịch sử sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cơ hội mới về dòng vốn FDI từ Mỹ
Trong chuyến thăm trụ sở của công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới Nvidia tại San Francisco vào ngày 19/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi công ty này thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam, biến nơi đây thành trung tâm sản xuất ở khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi gặp gỡ với các giám đốc điều hành cấp cao của Meta, SpaceX, Microsoft.
Trước đó, chuyến thăm đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ đã mang đến những thương vụ hợp tác lớn, trong đó có thể kể đến như thỏa thuận trị giá khoảng 10 tỷ USD giữa Vietnam Airlines và Boeing, hợp tác chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn giữa FPT Software và công ty khởi nghiệp Landing AI.
Nikkei Asia đưa tin, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
Trong quá khứ, Việt Nam đã từng trải qua 3 đợt bùng nổ về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Lần đầu tiên là khi hãng Honda Motor bắt đầu sản xuất xe máy tại nước ta vào năm 1997. Lần thứ hai diễn ra trong giai đoạn từ những năm 2000 – 2008 khi Samsung Electronics của Hàn Quốc đầu tư vào cơ sở sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh.
Lần bùng nổ thứ ba của dòng vốn FDI vào Việt Nam là vào giữa thập niên 2010 khi nước ta trở thành thị trường hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài, điển hình là AEON.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden Việt Nam có thể sắp đón nhận một làn sóng đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 trong lịch sử, Nikkei Asia nhận định.
Sức nóng của làn sóng FDI tại Việt Nam
Trong những năm qua, dòng vốn FDI đổ vào thị trường Việt đã có những bước tiến rõ rệt. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, mức cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Singapore đứng đầu trong danh sách các quốc gia rót vốn vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, chiếm hơn 19,7% tổng vốn đầu tư FDI của nước ta. Tiếp theo đó là Trung Quốc với 2,92 tỷ USD và Nhật Bản với gần 2,9 tỷ USD.
Mặc dù vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng nhưng với sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia được kỳ vọng sẽ sớm đạt bước tiến mới.
Từ những doanh nghiệp đã tạo ra giá trị hàng tỷ USD khi hoạt động tại Việt Nam như Tập đoàn General Electric (GE), hãng Intel, Nike Exxon Mobile, Amazon, Cocacola, Google, Facebook, Paypal, Visa… cho đến các tập đoàn lớn như Intel, Apple, Google, Boeing, Meta…, tất cả đều đang cho thấy sức nóng của làn sóng đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
Nếu như trước đây Việt Nam chủ yếu hợp tác với các công ty Mỹ trong các ngành thâm dụng lao động như may mặc, giày dép hay lắp ráp thì giờ đây, nước ta đang đứng trước cơ hội chuyển sang các ngành công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn.
Nhờ sở hữu lợi thế về đất hiếm cùng tình hình chính trị ổn định và vị trí địa lý thuận lợi, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp bán dẫn Mỹ đánh giá cao và cân nhắc đến việc đặt nhà máy sản xuất chip tại nước ta.
Cadence Design Systems và Intel, hai tập đoàn lớn của Mỹ cùng Đại học bang Arizona, cũng đã cam kết giúp Việt Nam tăng năng lực thiết kế chip bán dẫn, đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao. Với sự hợp tác của các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm khẳng định được vị thế trên thị trường bán dẫn toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đang mở rộng hoạt động tại thị trường Việt trong nỗ lực đa dạng chuỗi cung ứng trên toàn cầu của mình. Đơn cử như Tập đoàn Apple đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam hay Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá 4 tỷ USD.
Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng đang là thị trường được nhiều doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore,… ưu ái. Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỷ USD trong khi Tập đoàn Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại về Việt Nam và Ấn Độ.
Nhà máy chất bán dẫn lớn nhất Việt Nam trị giá 1,6 tỷ USD của Tập đoàn Amkor, Hàn Quốc cũng chuẩn bị đi vào hoạt động.
Mặc dù đứng trước cơ hội lớn nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức trước làn sóng đầu tư nước ngoài như thiếu lực lượng lao động trình độ cao và cơ sở hạ tầng cần cải thiện hơn.
“Việt Nam đang xem xét nhiều chính sách mới để thu hút các công ty đa quốc gia. Dù sở hữu nhiều tiềm năng nhưng vẫn cần phải chờ thêm thời gian xem liệu rằng đợt bùng nổ FDI lần thứ tư tại Việt Nam có trở thành hiện thực hay không”, Nikkei Asia cho hay.
Khánh Tú / Vietnamfinance