Từng là “con gà đẻ trứng vàng” song ảnh hưởng bởi dịch bệnh ngành kinh doanh khách sạn trên phố cổ Hà Nội lao đao, nhiều cơ sở phải đóng cửa vĩnh viễn vì không có khách.
Mặc dù các lĩnh vực của nền kinh tế đã bắt đầu hoạt động ổn định trở lại khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tuy nhiên ngành kinh doanh khách sạn vẫn tiếp tục đóng băng, kinh doanh khó khăn do vắng khách quốc tế. Không ít khách sạn đã phải đóng cửa vĩnh viễn, rao bán hoặc sang nhượng lại.
Phố cổ Hà Nội trước kia luôn sầm uất khách du lịch, nhộn nhịp sôi động với hàng loạt các hoạt động kinh doanh thì nay trở nên vắng vẻ, đìu hiu.
Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, nhiều khách sạn trên các phố: Hàng Bông, Hàng Dầu, Hàng Gai… khóa trái cửa, bụi bẩn do lâu ngày không có khách ghé thăm. Một số khách sạn mở cửa treo biển giảm sâu giá phòng từ 50-70% nhưng lượng khách vẫn thưa thớt.
Toạ lạc trên phố Hàng Bông, khách sạn C.H cũng đã mở cửa trở lại xong người quản lý tại đây cho hay “mở cửa chủ yếu để khách sạn thoáng khí, đỡ bụi bẩn chứ không có khách”.
Chị Thu Tâm (Quản lý khách sạn C.H) tâm sự: “Ngay từ đợt dịch đầu tiên, khách sạn của chúng tôi đã phải đóng cửa hoàn toàn do các chính sách phòng tránh dịch rất gắt gao.
Tháng 5, 6 dịch bệnh kiểm soát tốt, du lịch cũng thực hiện chương trình kích cầu thế nhưng chưa kịp gắng gượng, làn sóng dịch bệnh thứ 2 lại ập đến. Đây là cú sốc rất lớn cho ngành du lịch và doanh nghiệp chúng tôi cũng không ngoại lệ”.
Do đặc thù của lĩnh vực khách sạn phố cổ, hầu hết các khách sạn được thuê lại từ nhà riêng, sau đó đầu tư cơ sở vật chất trị giá hàng tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng để kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Hai đợt “sóng” COVID-19 đi qua đã khiến cho hầu hết các khách sạn đóng băng hoàn toàn, không có nguồn thu, nhưng hàng tháng vẫn phải chi hàng trăm triệu đồng từ tiền mặt bằng, điện nước và nhân sự.
Chị Đặng Thuỳ Linh (Phòng kinh doanh- Khách sạn S.B.H) cho biết: “Doanh thu không có trong suốt khoảng thời gian dịch bệnh từ đầu năm đến giờ.
Tuy nhiên, bên tôi cũng cố gắng giúp đỡ các nhân sự trong 3 tháng đầu khi đóng cửa với mức lương 2 triệu đồng. Đến thời điểm này, nhiều nhân sự đã nghỉ hẳn chuyển sang làm công việc khác do không đảm bảo về thu nhập”, chị Linh nói.
Dù đối mặt với vô vàn khó khăn, song nhiều khách sạn trên phố cổ Hà Nội cũng đã tận dụng thời gian này để sửa sang cở sở vật chất, đào tạo nhân viên, tìm phương án kinh doanh hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Anh Hoàng Tấn Thịnh (Quản lý khách sạn V.S.H) quyết định sẽ mở cửa hoạt động khách sạn trong thời gian tới và cho biết đã chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho lần trở lại này.
“Tôi đã có những kế hoạch chi tiết và cụ thể để kích cầu tiêu dùng và phục vụ du khách tốt nhất. Một số chương trình tôi đang lên kế hoạch như khuyến mãi bữa ăn sáng, trưa hoặc tối.
Hay tổ chức các hoạt động online để quảng bá hình ảnh tốt hơn. Hi vọng dịch bệnh sẽ không quay trở lại để ngành khách sạn có thể gượng dậy”, anh Thịnh nói.
Trước đó, chia sẻ với PV Dân trí, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) thừa nhận, vắng khách quốc tế khiến cho ngành kinh doanh khách sạn đặc biệt là tại các khu phố tập trung đông khách du lịch như phố cổ Hà Nội chịu thiệt hại nặng nề.
Công suất phòng hiện nay của các đơn vị này chỉ duy trì ở mức dưới 10% – con số thấp kỷ lục, chưa đủ chi phí hoạt động chứ chưa nói đến việc thu lời.
Theo ông Thanh để phục hồi hoạt động kinh doanh như trước kia thì phải đợi đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
“Hiện nay, một số đường bay quốc tế đã được mở cửa trở lại song số lượng khách này chủ yếu là chuyên gia nước ngoài và họ chủ yếu đã đăng ký cách ly tại các cơ sở theo quy định”, ông Thanh nói.
Ngọc Linh / Dân Trí