Nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán trong giai đoạn 5 năm tới (2016 – 2020) là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi.
3 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành chứng khoán
Sáng ngày 15/2, hai Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HOSE) đã khai xuân phiên giao dịch đầu năm Xuân Bính Thân 2016. Đứng trước thế và vận mới trong năm nay cũng như nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán trong 5 năm tới đưa thị trường chứng khoán Việt trở thành thị trường mới nổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giao 3 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành.
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch trái phiếu Chính phủ nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách và cho đầu tư phát triển; Kết hợp với việc cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng kéo dài kỳ hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ; Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành.
Thứ hai, tiếp tục triển khai công tác đấu giá cổ phần hóa hiệu quả nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước; Triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; Tiếp tục chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về cổ phần hóa, tái cơ cấu và phát triển thị trường chứng khoán.
Thứ ba, triển khai thống nhất, đồng bộ và toàn diện các giải pháp nhằm phát triển thị trường chứng khoán ổn định, lành mạnh, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thích ứng với giai đoạn phát triển mới của thị trường; Xây dựng, vận hành và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp;…
Chuẩn bị các điều kiện cần và đủ nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi.
Sẽ là kênh huy động vốn quan trọng
Để chuẩn bị nâng hạng cho nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong năm 2015 Chính phủ và các cơ quan liên quan đã ban hành các văn bản pháp luật về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian giao dịch còn T+2, chuẩn bị thực hiện giao dịch trong ngày, các sản phẩm chứng khoán phái sinh…
Theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE, mục tiêu mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần đạt được trong 5 năm tới là trở thành kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng về vốn cho các ngân hàng.
Đối với một thành phố năng động như TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM kỳ vọng HOSE và HXN sẽ trở thành những Sở giao dịch chứng khoán đẳng cấp quốc tế, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lớn mạnh hơn và mang tầm khu vực.Thị trường chứng khoán phải là kênh huy động vốn chủ đạo, hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập đang sâu rộng. Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn sẽ phát triển thực lực, hiệu quả hơn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2015 đã qua, nền kinh tế thế giới diễn biến bất lợi và kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những khởi sắc và đạt được những kết quả rất quan trọng: Tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường tăng trưởng 17% so với năm 2014, đạt mức tương đương 34,5% GDP. Thị trường chứng khoán đã huy động được gần 300 nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước và cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô 2015.
Bộ trưởng Tài chính Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2016 là năm bản lề trong triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 – 2020, với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, những định hướng đổi mới từ Đại hội Đảng và những giải pháp quan trọng của Chính phủ, nền kinh tế vĩ mô sẽ vẫn có thể phát triển ổn định và đạt được những chỉ tiêu phát triển mà Quốc hội đã đề ra.
Linh Lan
Theo Người Đồng Hành