Hàng loạt bất động sản của vợ chồng ông Phạm Công Danh vừa bị Sacombank thu hồi để xử lý nợ.
Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – Sacombank, nhà băng này vừa thu giữ toàn bộ bất động sản tại số 88-90, đường số 3, Cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11.
Đây là tài sản mà ông Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng và bà Quách Kim Chi đã thế chấp năm 2012 để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ xây dựng Phước Đại cho Ngân hàng Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank). Khoản vay này có giá trị 16 tỷ đồng.
Ngân hàng thu giữ hàng loạt tài sản của vợ chồng ông Phạm Công Danh. |
Hôm 18/1, nhà băng này cũng vừa thu hồi một tài sản tại số 26, đường 281 Lý Thường Kiệt, Phường 15, quận 11. Đây là tài sản mà ông Phạm Công Danh và bà Quách Kim Chi đã thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank) để đảm bảo cho khoản vay nợ 50 tỷ đồng được ký kết năm 2012.
Ngoài ra, hôm 16/1, Sacombank cũng đã thu giữ toàn bộ một bất động sản khác tại số 2 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM.
Tài sản này được vợ chồng ông Phạm Công Danh và bà Quách Kim Chi thế chấp cho hai khoản vay của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH Quốc tế Thiên Thanh tại Ngân hàng Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank) vào năm 2011. Theo đó, một khoản vay là 192 tỷ đồng và một khoản 400 tỷ đồng.
Trước đó ngày 4/1, Sacombank đã thu hồi 3 bất động sản của ông Phạm Công Danh và bà Quách Kim Chi tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ xây dựng Phú Nguyễn cho khoản vay 37 tỷ đồng.
Cùng với đó, tài sản của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đảm bảo cho khoản nợ vay 57 tỷ đồng nợ gốc của Công ty TNHH MTV Dịch vụ xây dựng Phú Nguyễn tại 495 Phan Chu Trinh, phường Phước Hòa, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cũng đã bị thu giữ vào ngày 5/1.
Ngoài động thái thu giữ tài sản rốt ráo này, mới đây Sacombank đã bán thành công ba tài sản “khủng” tại khu Công nghiệp Đức Hoà III – Long An, thu về 9.200 tỷ đồng, cao hơn 111 tỷ so với giá khởi điểm. Khoản thu về này đã đóng góp tỷ lệ lớn trong tổng số 19.000 tỷ đồng nợ xấu mà Sacombank đã xử lý được trong năm 2017.
Năm 2018, ngân hàng này đặt mục tiêu xử lý được giá trị nợ xấu ít nhất tương đương với số nợ đã xử lý trong năm 2017.
Các chuyên gia dự báo, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án theo tinh thần của Nghị quyết 42.
Nếu Nghị quyết này được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước
Trước đó, mở đầu cho “làn sóng” thu giữ tài sản để xử lý nợ theo Nghị quyết 42 phải kể đến động thái của VAMC thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM vào cuối tháng 8/2017.
Thanh Lê/VNE