Theo bản dự thảo mà tờ The New York Times có được, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine mà không cần đảm bảo an ninh.
Ukraine ngày 22/2 đã nghiêm túc xem xét đề xuất sửa đổi trong bản dự thảo của Mỹ về việc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của nước này. Trong đó, bản dự thảo vẫn giữ nguyên những điều khoản mà trước đây Ukraine đã bác bỏ. Một số điều khoản thậm chí còn được xem là khó khăn hơn so với bản dự thảo trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump coi việc tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Ukraine là khoản hoàn trả cần thiết cho hàng tỷ USD mà Mỹ đã cung cấp cho Kyiv cho cuộc chiến chống lại Nga.

Thỏa thuận này có thể tước đi các khoản tiền của Ukraine hiện đang được đầu tư chủ yếu vào ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng của nước này, và có thể giúp tái thiết đất nước sau khi chiến sự kết thúc.
Theo bản dự thảo mới nhất mà The New York Times đã tiếp cận được, Mỹ kêu gọi Ukraine từ bỏ một nửa nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khoáng sản, khí đốt và dầu mỏ, cũng như thu nhập từ cảng và cơ sở hạ tầng khác.
Ukraine đã đưa ra triển vọng hợp tác với Mỹ về các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của mình như một cách để thuyết phục Tổng thống Trump cung cấp thêm hỗ trợ cho nỗ lực chiến sự của mình cũng như đảm bảo chống lại những xung đột tiềm tàng trong tương lai với Nga nếu một thỏa thuận hòa bình được đạt được.
Cụ thể, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tìm kiếm sự đảm bảo an ninh cho Ukraine, một điều kiện không có trong bản dự thảo thỏa thuận đầu tiên được trình để ông xem xét vào tuần trước, khiến ông từ chối ký thỏa thuận.
Tài liệu mới nêu rõ rằng doanh thu sẽ được chuyển vào một quỹ mà Mỹ nắm giữ 100% lợi ích tài chính, và Ukraine phải đóng góp vào quỹ cho đến khi đạt 500 tỷ USD, số tiền mà ông Trump yêu cầu Ukraine đổi lấy viện trợ của Mỹ.
Số tiền đó, gấp hơn 2 lần sản lượng kinh tế của Ukraine trước chiến sự. Không rõ liệu ông Trump có yêu cầu số tiền đó để đổi lấy viện trợ quân sự và tài chính trước đây của Mỹ hay không, hay liệu nó cũng sẽ áp dụng cho hỗ trợ trong tương lai.
Đề xuất sửa đổi nêu rõ rằng Mỹ có thể tái đầu tư một phần doanh thu vào công cuộc tái thiết sau chiến sự của Ukraine, bao gồm cả việc đầu tư vào phát triển tài sản và cơ sở hạ tầng của đất nước.
Dự thảo thỏa thuận mới cũng bao gồm các điều khoản về doanh thu từ các vùng lãnh thổ hiện do Nga chiếm đóng, trong trường hợp chúng được giải phóng. Theo đó, tỷ lệ doanh thu tài nguyên đóng góp vào quỹ từ các vùng được giải phóng sẽ là 6%. Nga hiện chiếm khoảng 1/5 lãnh thổ của Ukraine, bao gồm các phần đáng kể của khu vực Donbas giàu tài nguyên.

Thỏa thuận có thể bị trì hoãn do ông Zelensky trước đó đã phản đối các điều khoản của thỏa thuận.
Ông Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump tại Ukraine và Nga, đã đến thăm Ukraine từ ngày 19-21/2 để thảo luận về đề xuất mới với ông Zelensky.
Một thỏa thuận tiềm năng về các nguồn tài nguyên của Ukraine đã trở thành điểm tranh chấp chính trong mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa ông Zelensky và ông Trump. Các tương tác của họ trở nên gay gắt trong tuần qua khi tổng thống Mỹ đưa ra những nhận định chỉ trích ông Zelensky, gọi ông là “một nhà độc tài không được bầu”.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine nói rằng ông Trump đang sống trong một “mạng lưới thông tin sai lệch” sau khi ông Trump tuyên bố sai sự thật rằng Ukraine là bên khơi mào cho cuộc chiến chống lại Nga.
2 nguồn thạo tin của The New York Times cho hay một trong số ít thay đổi mà Mỹ thực hiện có thể làm hài lòng Ukraine là việc loại bỏ điều khoản đặt thỏa thuận này dưới quyền tài phán của tòa án New York. Điều khoản này đã gây ra mối lo ngại cho phía Ukraine, vì nó có thể làm suy yếu vị thế pháp lý của Ukraine trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (một tổ chức nghiên cứu tại Đức), Mỹ đã phân bổ 119 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Trump đã gợi ý rằng sự hiện diện đơn thuần của các lợi ích kinh tế của Mỹ tại Ukraine sẽ là sự đảm bảo an ninh cho Kyiv. Các thành viên nội các cấp cao của Mỹ đã gây sức ép buộc ông Zelensky ký thỏa thuận trong những ngày gần đây.
“Tổng thống Zelensky sẽ ký thỏa thuận đó, và bạn sẽ thấy điều đó trong thời gian rất ngắn. Và điều đó tốt cho Ukraine. Có gì tốt hơn cho Ukraine ngoài việc hợp tác kinh tế với Mỹ?”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Mike Waltz, cho biết vào ngày 21/2.
Theo The New York Times
Theo Vy Ba / Vietnamfinance.vn