Những phiên livestream của các KOL/KOC đã góp phần lan tỏa khát vọng khởi nghiệp xanh với những sản phẩm OCOP từ nhiều tỉnh, thành trong sự kiện “Kết nối sản phẩm OCOP” tại TP.HCM với chủ đề “Lễ hội nông sản” lần thứ I.
Sự kiện đã tạo nên một không gian phiên chợ quê thu nhỏ với các tiểu cảnh mang đậm sắc thái dân gian tại khu vực sân khấu, nơi khách tham quan có thể chụp hình lưu niệm và trải nghiệm với hơn 60 gian hàng trưng bày nông sản tiêu biểu.
Các doanh nghiệp đã trưng bày các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên toàn quốc bao gồm: trâu và thịt lợn gác bếp (Cao Bằng), nước mắm Hằng Nam – Ba Hàng (Thanh Hóa), ốc gác bếp Bavin (Vĩnh Long), trà Oolong Sen (Đồng Tháp), các sản phẩm chế biến từ gạo và khoai lang như bún, phở, nui Bông Lúa, các loại trái cây như măng cụt, mận, nhãn, mãng cầu (Vĩnh Long, Bến Tre), yến sào (Khánh Hòa), mật ong (Đắk Lắk)…
Không khí đặc sắc của Lễ hội được quảng bá bởi các KOL/KOC với sự điều phối của Th.S Lê Thanh Thảo, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số doanh nghiệp, Co-Founder D.Studio LiveHUB và Phó Trưởng Ban Thương mại điện tử Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM. Anh Thảo cùng với Cô Ba Edit (Nhà sáng tạo nội dung TikTok nổi tiếng với 2.4 triệu người theo dõi) đã chia sẻ kiến thức về livestream bán hàng trên TikTok cho những người mới bắt đầu.
Hơn nữa, Jang Jin Cook – KOC TikTok với hơn 30 video đạt triệu lượt xem trong năm 2024 về khởi nghiệp, Tasee Check – KOC TikTok với 375 nghìn người theo dõi cùng nhiều streamer khác đã tham gia, hỗ trợ các gian hàng livestream, quảng bá và bán sản phẩm xuyên suốt Lễ hội.
Có phiên livestream kéo dài liên tục hơn 6 tiếng đồng hồ, qua đó truyền tải sự đam mê trong việc phát triển nền nông nghiệp xanh của các doanh nghiệp và khát vọng khởi nghiệp của các startup. Thái Hoàng – diễn viên và nhà sản xuất kênh Youtube với nút kim cương và hàng tỷ lượt xem đã tham gia sản xuất kịch bản livestream và góp mặt trong các phiên livestream.
Cách các gian hàng không xa, nghệ nhân Lê Xuân Tùng thoăn thoắt nặn tò he, khéo léo tạo ra nhiều hình ảnh đa dạng, từ truyền thống cho đến hiện đại, thậm chí còn tạo ra tranh chân dung, phong cảnh và thư pháp. Đây là nghệ nhân từng mang nghệ thuật tò he lên sân khấu Vietnam’s Got Talent và đã lập kỷ lục Việt Nam khi là người đầu tiên sử dụng bột tò he kết hợp với ốc vít và mắt xích để tạo ra những bức tranh nghệ thuật trên sân khấu.
“Tham gia Lễ hội, tôi rất mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Những năm qua, tôi rất vinh dự khi đại diện Việt Nam mang nghệ thuật dân gian đến 11 quốc gia và khu vực,” nghệ nhân Lê Xuân Tùng phấn khởi chia sẻ.
Sự kiện “Kết nối sản phẩm OCOP” diễn ra từ ngày 20 đến 22/12/2024 tại TP.HCM, được tổ chức bởi Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ NN&PTNT tại TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp phía Nam và Công ty TNHH Sản xuất Quốc tế Bảo Ngọc Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Quốc tế Bảo Ngọc Sài Gòn cho biết Lễ hội không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn thổi luồng gió mới với các hoạt động sáng tạo nhằm phát huy tiềm năng và giá trị của ẩm thực và văn hóa vùng miền, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ và giao thương cho nông sản Việt.
Ông Lê Viết Bình chia sẻ: “Lễ hội sẽ mở đầu cho chuỗi các sự kiện diễn ra tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Mục tiêu là quảng bá sản phẩm OCOP khu vực phía Nam, cùng các sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; thúc đẩy giao lưu, kết nối sản xuất và thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh phía Nam; đồng thời nâng cao hình ảnh thương hiệu của sản phẩm OCOP đối với khách tham quan trong và ngoài nước.”
Đến cuối tháng 11/2024, cả nước có gần 14.650 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm OCOP đang ngày càng khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường nội địa, đồng thời tiếp cận các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc thương mại hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên.
Thạc sĩ Trần Quốc Duy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và Truyền thông quốc tế (IMRIC) nhận xét: “Doanh nghiệp cần biết cách kể những câu chuyện về giá trị đặc sắc của nông sản Việt Nam. Để đưa hàng Việt ‘xuất ngoại’, cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường quốc tế một cách bài bản, đặc biệt là nghiên cứu về văn hóa ẩm thực các quốc gia.”
Các gian hàng tại Lễ hội là nơi hội tụ những món ăn đặc sản, thức uống tiêu biểu của các vùng miền. Các tour trải nghiệm mua sắm đã giúp khách tham quan có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu sản phẩm trực tiếp từ các chủ gian hàng qua việc trò chuyện, thử sản phẩm và tìm hiểu quy trình sản xuất.
Chị Lâm Hoa Hậu, em gái của “nông dân tỉ đô” Lâm Ngọc Nhâm – người sáng lập giống tiêu Bầu Mây (Vũng Tàu) đã giới thiệu dòng tiêu Thần Kỳ Bầu Mây (6 cấp độ cay), sản phẩm đầu tiên trong ngành hồ tiêu đạt chuẩn GlobalGAP.
Chị Hậu chia sẻ: “Dòng tiêu này ngày càng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tiêu không hạt này có thể ăn trực tiếp, ăn khai vị hoặc ăn kèm món ăn, giúp kích thích vị giác và cải thiện sự ngon miệng. Nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và có thể mang theo như “tủ thuốc di động”.”
“Hơn 20 năm qua, anh Nhâm đã phát triển mô hình cộng sinh độc đáo giữa cây tiêu Bầu Mây và củ hoài sơn (củ mài), giúp cả hai tăng trưởng mạnh mẽ, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại giá trị bền vững,” chị Hậu giải thích.
Từ Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Nhiên Tâm Foods, tham gia Lễ hội với sản phẩm bưởi non giòn NGOON – sản phẩm được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội công nhận Top 4 Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng năm 2024.
Chị Tâm chia sẻ: “Bưởi non giòn NGOON đã thu hút sự chú ý của khách hàng nhờ được chế biến từ những trái bưởi non nguyên trái, thu hái từ nông trại tại Bình Thuận, theo phương pháp tự nhiên và tuân thủ tiêu chí 3 không: không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích tăng trưởng.”
“Quy trình sản xuất được chúng tôi thực hiện một cách cẩn thận qua 2 bước từ nông trại đến xưởng chế biến, đảm bảo chỉ những trái bưởi non tươi ngon và an lành nhất được chọn lọc,” chị Tâm giải thích thêm.
Tại sân khấu của Lễ hội, khách tham quan đã được thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ảo thuật và xiếc mỗi tối, đồng thời xem các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm OCOP.
Theo Trấn Thăng / Thị trường giao dịch