Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi việc Nga không thể vận chuyển khí đốt qua đất nước ông là một “thất bại” đáng kể đối với Moscow khi chiến sự giữa hai nước đã kèo dài 3 năm. Trong khi đó, nhiều nước thuộc khu vực Đông Âu đã mạnh mẽ lên án quyết định này.
Dòng khí đốt của Nga tới châu Âu qua Ukraine đã dừng lại vào sáng 1/1 sau khi ông Zelensky quyết định chấm dứt nhiều thập kỷ hợp tác đã mang lại hàng tỷ USD cho cả Moscow và Kyiv.
Ukraine đã chỉ trích các quốc gia vẫn mua năng lượng của Nga vì cho rằng đây là nguồn cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy chiến sự của Moscow, nhưng quyết định này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều ở châu Âu, khách hàng mua khí đốt hàng đầu của Nga trước khi chiến sự nổ ra vào tháng 2/2022.
Moscow cho biết Ukraine đang “tự bắn vào chân mình” và gây thất vọng cho các đối tác ở Đông Âu vốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga.
Khí đốt của Nga chỉ chiếm chưa đến 10% lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu vào năm 2023, giảm so với mức hơn 40% trước năm 2022. Nhưng một số thành viên phía đông của khối vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu của Nga.
“Một trong những thất bại lớn nhất của Nga”
Tổng thống Ukraine Zelensky đổ lỗi trực tiếp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự đổ vỡ trong quan hệ khí đốt.
“Khi ông Putin lên nắm quyền ở Nga cách đây hơn 25 năm, lượng khí đốt hàng năm được bơm qua Ukraine đến châu Âu là hơn 130 tỷ m3. Ngày nay, lượng khí đốt quá cảnh của Nga là 0”, ông nói trên phương tiện truyền thông xã hội.
“Đây là một trong những thất bại lớn nhất của Moscow. Do Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí và dùng đến biện pháp tống tiền đối tác một cách trắng trợn, Moscow đã mất đi một trong những thị trường có lợi nhuận cao nhất và dễ tiếp cận nhất về mặt địa lý”, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh thêm.
Ông Zelensky thúc giục Mỹ tăng nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu, nói rằng việc tăng lượng nhập khẩu từ các đồng minh sẽ có nghĩa là “sớm khắc phục được những tác động tiêu cực cuối cùng của sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga”.
Động thái này được Ba Lan, đồng minh thân cận của Ukraine, hoan nghênh và gọi đây là “chiến thắng mới” cho phương Tây sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO.
Nhưng Slovakia, quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã chỉ trích động thái này.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người đã thúc đẩy nước này xích lại gần Moscow hơn kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2023, cho biết: “Việc dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ có tác động mạnh mẽ đến tất cả chúng ta ở EU nhưng không phải Liên bang Nga”.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng lên trên 50 euro (51,78 USD) cho mỗi megawatt giờ lần đầu tiên sau hơn một năm vào ngày 31/12/2024 khi người mua ở Đông Âu chuẩn bị cho việc dừng cung cấp đã được dự đoán từ lâu.
Hungary, quốc gia cũng mua một lượng lớn khí đốt của Nga, sẽ phần lớn không bị ảnh hưởng bởi động thái này vì nước này nhận khí đốt của Nga thông qua đường ống Biển Đen, một tuyến đường thay thế bỏ qua Ukraine bằng cách chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và qua vùng Balkan.
Brussels đã hạ thấp tác động của việc mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đối với toàn bộ khối 27 thành viên.
“Ủy ban châu Âu đã làm việc hơn một năm cụ thể để chuẩn bị cho kịch bản không có khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine”, ủy ban nói với AFP ngày 31/12/2014.
Tình trạng khẩn cấp ở Moldova
Doanh thu từ năng lượng đóng vai trò quan trọng đối với tài chính của chính phủ Nga.
Trong bối cảnh chiến sự và lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow đã định hướng lại phần lớn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ béo bở của mình sang châu Á.
Nhưng việc bán khí đốt khó có thể thay đổi do cơ sở hạ tầng đường ống rộng lớn được xây dựng trong nhiều thập kỷ để phục vụ thị trường châu Âu.
Trong khi châu Âu không bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi việc ngừng cung cấp năng lượng, thì khu vực ly khai Transnistria của Moldova đã rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng vào ngày 1/1.
“Năm nay khởi đầu khômg thuận lợi. Có một vấn đề. Người tiêu dùng ở Transnistria không có khí đốt” nhà lãnh đạo thân Moscow của khu vực Vadim Krasnoselsky cho biết trong một cuộc họp chính phủ được truyền hình trực tiếp, mà không giải thích thêm về mức độ của vấn đề.
Vào tháng 12, Gazprom đã cảnh báo rằng họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova do tranh chấp thanh toán riêng biệt với chính phủ ở Chisinau.
Phương tiện truyền thông địa phương ở Transnistria đưa tin về tình trạng mất điện sưởi ấm, trong khi một nhà cung cấp năng lượng kêu gọi người dân “mặc ấm”, tập trung trong một phòng riêng và bịt kín cửa ra vào và cửa sổ bằng rèm và chăn.
Truyền thông nhà nước Nga dẫn lời các quan chức địa phương cho biết hơn 130 trường học không có hệ thống sưởi ấm.
Chisinau, nơi đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì khả năng mất điện vào tháng trước, đã cáo buộc Nga có hành vi “tống tiền”.
Phần còn lại của Moldova hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng, có thể đảm bảo nhập khẩu điện từ nước láng giềng Romania.
Nước này đã bị cắt nguồn khí đốt trực tiếp từ Nga, nhưng vẫn phải dựa vào một nhà máy điện lớn do Nga cung cấp ở Transnistria để sản xuất điện.
Theo Fortune
Theo Thanh Tú / Vietnamfinance.vn