Môi trường kinh doanh, áp lực tài chính hay những chính sách, cách quản lý của các cơ quan quản lý… Bao nhiêu vấn đề phải gồng gánh, vậy nhưng doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi nhiều trường hợp trớ trêu.
Sản xuất hàng thật bị nghi là hàng giả
Thông tin này được đưa ra trong một buổi hội thảo thông tin thị trường do Bộ Công thương tổ chức hồi giữa tháng 11/2015.
Tại hội thảo, ông Võ Khánh Toàn, đại diện doanh nghiệp sản xuất pin Hà Nội cho biết, khi tình trạng pin trong nước bị làm giả, doanh nghiệp này đã trình báo với các cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên ngược lại, sau quá trình rà soát, chính sản phẩm của công ty lại bị bắt.
Ông Toàn cho biết doanh nghiệp phải xuất trình giấy tờ xuất xứ nguồn gốc, điều này khiến công ty mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, hồi cuối tháng 10/2015, Pin Hà Nội bị Ấn Độ kiện chống bán phá giá với sản phẩm pin doanh nghiệp xuất khẩu sang. Tuy nhiên doanh nghiệp này hoàn toàn bơ vơ trong việc đối đầu với vụ kiện và không được hỗ trợ gì từ cơ quan chức năng.
Nộp thuế rồi vẫn bị bêu tên
Đây là cảnh “cười ra nước mắt” của nhiều doanh nghiệp bỗng dưng lọt vào danh sách nợ thuế của Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, ngày 20/7/2015, Bộ Tài chính công bố danh sách 60 doanh nghiệp nợ thuế thuộc 63 Cục thuế địa phương và cho biết sẽ tổ chức cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá bất ngờ khi bỗng dưng có tên trong danh sách này và khẳng định rằng doanh nghiệp đã thực hiện chấp hành đầy đủ và đúng luật về việc nộp thuế.
Thông tin từ Bộ Tài chính và cơ quan thuế cho biết, sau khi công bố danh sách trên, cơ quan chức năng nhận được 8 văn bản của 8 doanh nghiệp phản hồi về việc công bố sai thông tin nợ thuế.
Sau khi kiểm tra, cơ quan thuế đã chính thức xin lỗi 6 đơn vị vì lỗi chủ quan từ cơ quan thuế, 2 trường hợp khác bị sai số nợ thuế là do lỗi của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đi đòi nợ Bộ Tài chính
Đầu tháng 11/2015, hơn 500 doanh nghiệp đã có một buổi đối thoại với Bộ Tài chính về vấn đề thuế và Hải quan. Đáng chú ý, trong giờ giải lao, và Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Tân Nhất Hương đã đến bàn Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn để đòi lại 21 tỷ đồng tiền hoàn thuế.
Nguyên do là doanh nghiệp này nộp hồ sơ hoàn thuế và đã có quyết định được hoàn thuế những mãi chưa thấy có tiền về. Doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh trực tiếp ở các cuộc đối thoại cấp TP.HCM trước đó nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp khi hồ sơ hoàn thuế đã nộp khá lâu song không được giải quyết do cơ quan thuế viện dẫn hết lý do này đến lý do khác.
Bi hài cảnh bán vốn ở Du lịch Đồ Sơn
Chỉ 450.490 cổ phần của CTCP Du lịch Đồ Sơn do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ nhưng sau tới 5 lần chào bán, số cổ phần này vẫn chưa có chủ nhân mới.
Đáng chú ý là mức giá mở hàng “không tưởng” của số cổ phần này.
Vào những ngày cuối tháng 8/2015 Du lịch Đồ Sơn gây chú ý đặc biệt khi có giá đặt mua cao nhất cho toàn bộ 450.490 cổ phần của SCIC tại công ty này là hơn 58,56 tỷ đồng/cp. Tuy nhiên mức giá này là do nhà đầu tư đã “đặt giá nhầm”. Đợt đấu giá lần đầu thất bại.
Gần 1 tháng sau đó, phiên bán thứ 2 mở ra, giá khởi điểm hơn 58,56 tỷ đồng/cp. Tuy nhiên, không có nhà đầu tư nào tham gia phiên bán thỏa thuận này.
Các phiên đấu giá tiếp theo lần 2, lần 3 và thỏa thuận lần 2, lần 3 với mức giá lần lượt 51 tỷ đồng/cp và hơn 40,5 tỷ đồng/cp được thông báo. Nhưng cũng giống như phiên bán thỏa thuận lần đầu, không có nhà đầu tư tham gia cho cả phiên đấu giá lẫn phiên bán thỏa thuận. Đợt đấu giá lần 2 và lần 3 bị hủy do không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá.
SCIC tiếp tục chuyển sang bán thỏa thuận số cổ phần trên trong lần 4 và lần 5, với mức giá 336.600 đồng/cổ phần.
Bảo Vy
Theo Bizlive