Với việc Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump là những ứng cử viên với quan điểm tương phản, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 5/11 sẽ tác động thế nào tới tài chính châu Á?
Chiến thắng của bà Harris được kỳ vọng sẽ tiếp tục các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden về thương mại toàn cầu. Thị trường suy đoán rằng, việc ông Trump đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác và chính sách tài khóa mở rộng sẽ làm lạm phát của Mỹ trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến ít đợt cắt giảm lãi suất của Mỹ hơn và củng cố đồng đô la mạnh hơn.
Trong khi các cuộc thăm dò bầu cử cho thấy một cuộc đua đang sít sao, thị trường cá cược lại cho thấy khả năng ông Trump chiến thắng cao hơn. Nhiều nhà đầu tư đang xem xét cách thức mà chính quyền ông Trump sẽ diễn ra trong khu vực vì các kế hoạch áp dụng thuế quan toàn diện của ông có khả năng sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
“Trên khắp các thị trường ngoại hối, châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến thắng của ông Trump… Đối với các nhà đầu tư ngoại hối ở châu Á, mối quan tâm hàng đầu là nếu ông Trump vào cuộc và áp dụng thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia châu Á, vì các nền kinh tế này hướng đến xuất khẩu nhiều hơn”, Alex Loo, chiến lược gia ngoại hối và vĩ mô tại TD Securities cho biết.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể “dễ dàng quay trở lại mức khoảng 7,2 mỗi đô la từ mức 7,11 hiện tại nếu ông Trump thắng cử”, Peter Kinsella, Giám đốc chiến lược FX toàn cầu tại Union Bancaire Privee nhận định.
Trong cuộc chiến thương mại 2018-2019, Trung Quốc đã để đồng nhân dân tệ suy yếu để bù đắp tác động tiêu cực của thuế quan của Mỹ.
“Lần này, Trung Quốc sẽ không muốn chấp nhận đồng nhân dân tệ mất giá đáng kể so với đồng đô la, vì Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy đồng tiền của mình và ổn định thị trường bất động sản và thị trường tài chính”, báo cáo của Nomura Securities cho biết.
“Đồng yên Nhật là một trong những đồng tiền dễ bị ảnh hưởng nhất khi ông Trump đắc cử do chênh lệch lớn về lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản”, Alex Holmes, Giám đốc khu vực Châu Á tại Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định.
Theo báo cáo của Fitch Ratings công bố vào ngày 14/10, đồng đô la mạnh hơn dự kiến có thể gây căng thẳng cho hồ sơ tín dụng của một số quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương.
Báo cáo cho biết, hơn 80% nợ công của Mông Cổ là bằng ngoại tệ, đồng thời lưu ý ở Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan, Philippines, Indonesia là trên 20%.
Theo báo cáo, dưới thời Tổng thống Trump, “đồng đô la mạnh hơn so với mức cơ sở của chúng ta thường thấy sẽ làm tăng gánh nặng cho các tổ chức phát hành ở châu Á trong việc trả nợ bằng đô la Mỹ, cũng như khó khăn trong việc tái cấp vốn cho khoản nợ đó”.
Đối với cổ phiếu, các thị trường niêm yết các công ty liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện và các mặt hàng phần cứng có doanh thu cao tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan mà ông Trump đề xuất.
Theo dữ liệu của UBS Wealth Management, tính đến tháng 7/2024, các công ty niêm yết của Đài Loan (Trung Quốc) đã tạo ra 25% doanh thu tại Mỹ, trong khi của Hàn Quốc là 17%. Cùng dữ liệu này, doanh thu của các công ty Philippines và Malaysia tiếp xúc với Mỹ ở mức 2% và Trung Quốc đại lục ở mức 1%.
Trong khi đó, theo Hartmut Issel, Giám đốc đầu tư chính của cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương tại UBS Wealth Management, các công ty niêm yết lớn của Trung Quốc không xuất khẩu quá nhiều sản lượng của họ sang Mỹ, nên áp lực có thể xảy ra đối với cổ phiếu Trung Quốc sẽ đến một cách gián tiếp, thông qua nền kinh tế trong nước suy yếu hoặc đơn giản là sự thu hẹp của hệ số định giá.
Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đại lục đã giảm khoảng 30% và các chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng giảm vừa phải.
Nicholas Smith, chiến lược gia cổ phiếu Nhật Bản tại CLSA cho biết, các công ty Nhật Bản có vẻ ít bị ảnh hưởng bởi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump vì họ đã dành bốn thập kỷ qua để chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
“Nhiều tập đoàn của Nhật Bản cũng là các nhà sản xuất lớn tại Mỹ, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô… Điều đó thực sự trở nên quan trọng hơn từ đây trở đi, vì việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới sẽ trở thành vấn đề ngày càng gia tăng đối với các tập đoàn trên toàn cầu”, ông cho biết.
Trong khi chiến thắng của bà Harris được kỳ vọng sẽ duy trì nguyên trạng, cổ phiếu và tiền tệ châu Á cũng có thể phản ứng theo phản xạ của riêng mình.
Tim Murray, chiến lược gia thị trường vốn tại bộ phận đa tài sản tại T. Rowe Price tại Mỹ cho biết, các nhà đầu tư cổ phiếu châu Á có thể sẽ có phản ứng tích cực trong ngắn hạn. Trong khi đó, các nhà đầu tư Mỹ sẽ lo ngại hơn về khả năng áp dụng quy định đối với công nghệ lớn và thuế doanh nghiệp cao hơn dưới thời bà Harris.
Chiến thắng của bà Harris có thể làm suy yếu đồng đô la và mở ra khả năng Mỹ sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Theo các nhà phân tích, bà Harris dự kiến sẽ tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden đối với thương mại toàn cầu.
Theo Alex Holmes của EIU, chính quyền Tổng thống Biden đã thay đổi chính sách của Mỹ khá nhiều.
Vào tháng 6/2024, Mỹ đã áp thuế đối với một số sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc được sản xuất tại Đông Nam Á để hạn chế cạnh tranh. Khoảng hai năm trước, Mỹ đã đưa ra luật khí hậu mang tính biểu tượng của mình, đó là Đạo luật Giảm lạm phát để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo của Mỹ và Đạo luật Chip và Khoa học nhằm mục đích củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.
“Một điểm quan trọng cần lưu ý là xét về vấn đề thương mại, không phải ông Trump sẽ theo chủ nghĩa bảo hộ còn bà Harris thì không… Mỹ vẫn sẽ cố gắng bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược dưới thời bà Harris, chỉ là hiệu quả hơn ông Trump”, ông Alex Holmes cho biết.
Theo Hạc Hiên / Tinnhanhchungkhoan.vn