Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Dự án nhà ở thương mại nào sẽ được thoả thuận?
Theo dự thảo, DN có thể thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất với các loại đất gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, đất ở và đất khác trong cùng thửa.
Ngoài ra, việc thực hiện dự án nhà ở thương mại theo nghị quyết phải đáp ứng các điều kiện khác. Bao gồm phạm vi khu đất thực hiện dự án phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc nằm trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Các dự án này cũng phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, đồng thời được UBND cấp tỉnh chấp thuận về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.
Tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Dự thảo nghị quyết cũng quy định tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm, theo đó, dự án thí điểm được thực hiện tại khu vực đô thị, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị và không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai. Việc thí điểm dự kiến thực hiện trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025.
Đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thì ưu tiên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, giảm khiếu kiện
Tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ cho biết mục đích nhằm tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, tạo điều kiện để người sử dụng đất, chủ đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ, hạn chế việc Nhà nước thu hồi đất dễ dẫn đến khiếu kiện.
Theo dự thảo, quy định của Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2005 cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất như các dự án phát triển kinh tế – xã hội khác mà không quy định điều kiện riêng về loại đất.
Tuy vậy, Luật Nhà ở năm 2023 không quy định điều kiện về loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, mà dẫn chiếu sang quy định tại Luật Đất đai. Song theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp. Dự án đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn.
Với các quy định trên, việc triển khai dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý, điều kiện cho trường hợp nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở để thực hiện dự án. Vì vậy với các trường hợp này không được chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án.
Trên thực tế, phần lớn các dự án bất động sản phát triển mới, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở, nhiều trường hợp chỉ có đất nông nghiệp, trong khi chủ trương hiện nay của Việt Nam đang đẩy mạnh đô thị hóa, chỉnh trang sắp xếp lại các khu đô thị, khu dân cư nông thôn.
Đặc biệt, nguồn cung dự án bất động sản thời gian quan chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này dẫn đến giá bất động sản tăng cao, có nguyên nhân do việc tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại còn khó khăn.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cần mở rộng điều kiện được nhận chuyển nhượng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Nhằm thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho nhân dân. Song, thuận lợi cho nhà đầu tư, giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo nguồn cung cho thị trường.
Tiểu AN / Theo Vietnamfinance
https://vietnamfinance.vn/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-chinh-sach-thi-diem-thao-go-cho-nha-o-thuong-mai-d117439.html