Theo Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. HCM phấn đấu đến năm 2030 hình thành các trục cơ bản của đường sắt đô thị, đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị với 12 tuyến metro.
Metro và các khu đô thị theo mô hình TOD
Quy hoạch TP. HCM 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 đã xác định mạng lưới đường sắt đô thị (metro) gắn với việc hình thành và phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển các khu đô thị dựa trên giao thông công cộng) và có tính liên kết vùng Đông Nam Bộ.
Trong đó, thành phố chú trọng phát triển các tuyến metro hiện đại kết nối các trung tâm tổng hợp, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp; phát triển công nghiệp đường sắt đô thị kết hợp các cơ sở công nghiệp đường sắt, phụ trợ cho đường sắt đô thị.
![](https://vietdaily.vn/wp-content/uploads/2025/02/unnamed-file-6.jpg)
Năm 2025, TP.HCM có nhiều dự án giao thông và chỉnh trang đô thị quy mô lớn. Trong đó, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đã hoàn tất thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 100%, với 99% mặt bằng sạch sẵn sàng thi công. Đồng thời, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga đã đạt hơn 30% kế hoạch, dự kiến hoàn tất toàn bộ vào quý II/2025.
Dù vậy, do dự án được thay đổi nguồn vốn thực hiện từ vốn ODA sang vốn ngân sách Nhà nước và gặp vướng mắc liên quan đến đơn giá các gói thầu, thời gian gói thầu chính xây dựng nhà ga ngầm, đường hầm và đoạn trên cao nên dự kiến dự án khởi công sớm nhất vào năm 2026.
Toàn tuyến metro số 2 dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (quận 12). Dự án có 9 ga ngầm, một ga trên cao. Công trình khi hoàn thành sẽ kết nối metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tại ga Bến Thành (quận 1) và nhiều tuyến khác trong tương lai, thuận lợi cho người dân di chuyển theo trục Đông – Tây vào trung tâm TP. HCM.
Quy hoạch trước đây, các tuyến metro đi qua khu dân cư đông đúc, khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao. Nay quy hoạch mới ưu tiên đặt nhà ga tại các khu đất công, vừa giảm áp lực chi phí, vừa tạo không gian phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).
Việc mở rộng phạm vi metro cũng giúp hình thành các khu đô thị mới dọc theo tuyến. Chẳng hạn, tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tuyến số 4 (Thạnh Xuân – Khu đô thị Hiệp Phước) và tuyến số 5 (Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn) trước đây chỉ tập trung trong nội đô, kéo theo chi phí bồi thường lớn.
Việc kéo dài các tuyến này đến Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn mở ra cơ hội phát triển đô thị vùng ven, giãn dân hợp lý.
Mạng lưới metro dài hơn 600 km
Theo Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, mạng lưới metro dài hơn 600 km, với 8 tuyến xuyên tâm, 2 tuyến vành đai, 1 tuyến ven sông và 1 tuyến nối Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
So với quy hoạch năm 2013 với 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện dài 220 km, quy hoạch mới đã tăng gần gấp ba lần chiều dài.
Cụ thể, TP. HCM sẽ xây dựng thêm 7 tuyến metro xuyên tâm và 2 tuyến metro vành đai, 1 tuyến LRT/tramway ven sông và 1 tuyến MRT/LRT kết nối đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Một số tuyến metro được điều chỉnh để tối ưu hóa vận hành và mở rộng phạm vi phục vụ. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hiện dài 19,7 km sẽ kéo dài đến An Hạ (huyện Bình Chánh), nâng tổng chiều dài lên 40,8 km.
Tuyến số 4 gộp từ tuyến số 4 và 4B (theo quy hoạch cũ), nối Đông Thạnh (Hóc Môn) đến Khu đô thị Hiệp Phước, đồng thời được điều chỉnh để đi qua sân bay Tân Sơn Nhất.
TP. HCM cũng chú trọng kết nối metro với hệ thống giao thông lớn như đường sắt quốc gia, ga Bình Triệu, Dĩ An, sân bay Long Thành và ga Tân Kiên (trên tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ).
Ngoài ra, các tuyến metro tại TP. HCM cũng sẽ kết nối với một số tuyến metro thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tại các tỉnh lân cận.
Việc TP. HCM bổ sung tuyến mới, đảm bảo khoảng cách từ khu dân cư đến ga metro chỉ từ 800 m – 1 km, tương tự các hệ thống metro tiên tiến tại Nhật Bản, Singapore.
Bên cạnh quy hoạch dài hạn đến 2050, TP. HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến metro (từ số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355 km.
Như vậy, ngoài kéo dài tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đến Bình Chánh, thành phố sẽ xây dựng thêm 11 tuyến Metro khác, kết nối đến Cần Giờ, Củ Chi.
12 tuyến metro
Tuyến metro số 1: An Hạ (huyện Bình Chánh) – Depot Long Bình (TP Thủ Đức) dài 40,8km (hiện đã đưa vào sử dụng 17,1 km từ Depot Long Bình tới chợ Bến Thành).
Tuyến metro số 2: Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) – Depot Bình Mỹ (huyện Củ Chi) dài 62,2km.
Tuyến metro số 3: An Hạ (huyện Bình Chánh) – Depot Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức) dài 45,8km.
Tuyến metro số 4: Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) – Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) dài 47,3km.
Tuyến metro số 5: Đô thị Đại học Hưng Long (huyện Bình Chánh) – Vinhomes Grand Park/Bến xe Sông Tắc (TP Thủ Đức) dài 53,9km.
Tuyến metro số 6 (vành đai trong): Chủ yếu đi qua TP Thủ Đức, quận 7, Bình Chánh, các quận nội thành với tổng chiều dài 53,8km.
Tuyến metro số 7: Ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh) – Depot Long Bình (TP Thủ Đức) dài 51,2km.
Tuyến metro số 8: Đa Phước (huyện Bình Chánh) – Bình Mỹ (huyện Củ Chi) dài 42,8km.
Tuyến metro số 9: Ga Bình Triệu (TP Thủ Đức) – Depot An Hạ (huyện Bình Chánh) dài 28,3km.
Tuyến metro số 10 (vành đai ngoài): Đi qua chủ yếu TP Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn dài 83,9km.
Tuyến số 11 (tuyến ven sông) nhằm kết hợp phát triển du lịch kết nối từ quận Bình Tân đi Củ Chi dài 48,7km.
Tuyến số 12 là tuyến kết nối huyện Cần Giờ được xác định phục vụ nhu cầu phát triển khu đô thị lấn biển Cần Giờ và phát triển du lịch. Tuyến có điểm kết nối từ quận 7 đi Khu đô thị lấn biển Cần Giờ dài 48,7km.
Theo Trần Lê / Vietnamfinance.vn