Tang lễ nhạc sĩ Thanh Tùng được cử hành từ 8h đến 10h30 sáng 22.3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu nhạc sĩ diễn ra lúc 10h10. Lễ an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhạc sĩ Thanh Tùng đã từ giã cuộc đời vào lúc 5h45 phút ngày 15.3 tại bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 69 tuổi.
Từ năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, tác giả ‘Lối cũ ta về’ đã không còn đi lại được. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông còn bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông ba lần tới chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai.
Từ sáng sớm 22.3, các nghệ sĩ đã có mặt ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để tiễn đưa nhạc sĩ Thanh Tùng về cõi vĩnh hằng. Đúng 8h sáng, lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng bắt đầu. Mở đầu là đoàn gia tộc bên nội, bên ngoại của nhạc sĩ Thanh Tùng vào viếng nhạc sĩ. Tiếp sau đó là đoàn viếng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN dẫn đầu vào viếng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, dù bận họp Quốc hội nhưng có mặt từ sớm để viếng nhạc sĩ Thanh Tùng: Sự ra đi về mặt sinh học là điều hết sức bình thường, vì nhạc sĩ cũng sắp bước vào tuổi 70, tôi cho cũng là bình thường, nhưng sự ra đi của nhạc sĩ chắc chắn để lại sự tiếc thương rất lớn đối với công chúng. Bởi những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng đã đi vào lòng người nhiều thế hệ.
Tôi nhớ đến một câu Phạm Duy nói rằng, con người chết đi nhưng nếu bài hát còn đọng lại trên môi của những thế hệ sau thì có nghĩa là con người vẫn còn đang sống. Tôi không phải là nhà phân tích phê bình âm nhạc, nhưng theo cảm nhận của tôi thì những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn còn sống mãi. Những bài hát ấy nói nên tâm trạng của tôi, của thế hệ chúng tôi, và chắc là tâm trạng ấy còn mãi mãi trong đời sống xã hội. Đó là niềm an ủi, mang lại cho người ta niềm tin vào cuộc sống.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nhạc sĩ Thanh Tùng là người nhạc sĩ tài năng, anh được học hành rất bài bản ở học viện âm nhạc Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Sau đó khi về nước anh đã bắt tay ngay vào việc sáng tác âm nhạc. Với tuổi trẻ và năng khiếu âm nhạc, ngay từ đầu anh Thanh Tùng đã chứng tỏ mình là người rất nhạy cảm với đời sống âm nhạc. Ngay từ đầu, anh đã chủ động chuyển thể ca khúc nổi tiếng như Con kênh xanh xanh… các bài hát có xu hướng nhạc nhẹ thành nhạc không lời. Những bản nhạc đó trên đài tiếng nói VN giúp khán giả rất thích, và thấy được sự mới mẻ. Sau năm 1975, anh vào Sài Gòn, tham gia nhóm Những người bạn, và có những đóng góp rất tích cực cho nền âm nhạc VN. Sự nghiệp sáng tác của anh ấy được đánh giá rất cao khi anh ấy viết chùm ca khúc về biển như Hoa tím ngoài sân, Phố biển…
Năm 1990, vợ anh ấy mất, và đó có thể coi là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tạo của nhạc sĩ Thanh Tùng. Anh viết Một mình, trước đó thì viết Lối cũ ta về… là những tác phẩm độc đáo. Thanh Tùng như là người tiên phong trong việc đưa âm nhạc đến gần với công chúng, đó là nhạc nhẹ, để công chúng dễ hiểu hơn, dễ gần hơn, dễ chia sẻ cảm thông hơn. Trong mạch chảy của âm nhạc VN, những năm 1980-1990, thì công của nhạc sĩ Thanh Tùng đóng góp cho nền âm nhạc VN là ở chỗ đó. Anh cũng là đồng nghiệp đáng kính trọng, có mối quan hệ rộng và luôn với tư cách là người anh, quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Gần cuối đời bị bệnh nặng nhưng anh vẫn quan tâm thăm hỏi mọi người.
Với kho tàng âm nhạc của anh ấy để lại, thì chúng ta rất may mắn có được nhiều tác phẩm của thế hệ các nhạc sĩ trường thành sau 1975 và Thanh Tùng là ngọn cờ tiên phong. Nhạc sĩ Thanh Tùng đã ngừng viết nhạc từ lâu, nhưng những tác phẩm anh để lại thì còn giá trị rất lâu bền. Sự nghiệp của nhạc sĩ Thanh Tùng tôi tin rằng sẽ được bảo tồn và phát huy.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chia sẻ trong sổ tang: “Tôi tiếc cho một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam, anh ấy tuy không thuộc lứa những viên gạch đầu tiên của của nền âm nhạc Việt Nam nhưng những tác phẩm của anh được công chúng vô cùng yêu thích. Nhưng ca khúc tràn đầy tình cảm, tinh yêu thương. Vì thế sự ra đi của nhạc sĩ là sự mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Xuân Thuỷ – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hoá nghệ thuật Quân đội ghi trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Thanh Tùng. Em là thế hệ nhạc sĩ sau này nhưng đã học hỏi ở anh rất nhiều qua các ca khúc của anh về cấu trúc, lời, thanh, phối khí… và đặc biệt là ca từ rất tình tứ, gần gũi nhưng sang trọng. Kính mong anh thanh thản an nghỉ nơi chin suối. Vĩnh biệt anh”.
Nhiều nghệ sĩ như Bằng Kiều, Mỹ Tâm, Thu Minh, Lệ Quyên… đã gửi vòng hoa đến viếng nhạc sĩ Thanh Tùng.
Nhạc sĩ Đức Trịnh – Trường ĐH Văn hoá nghệ thuật Quân đội ghi lại những kỷ niệm với nhạc sĩ Thanh Tùng: “Vĩnh biệt anh, nhạc sĩ tài hoa. Em nhạc sĩ Đức Trịnh đã học hỏi ở anh bao điều, sẽ nhớ mãi lần cuối anh em mình ngồi quán Bình Nhưỡng, em đã nhìn thấy anh rất vui. Mãi mãi nhớ anh”.
NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát nghệ thuật đương đại VN ghi: “Thế là anh đi thật rồi. Còn đâu những ngày gặp gỡ, vui cười bên ly rượu, cùng những dự định về sang tác và lưu diễn… Anh Tùng ơi! Mong anh được thanh thản nơi chân trời mới… Mọi người nhớ anh lắm.
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Khôi: “Vô cùng thương tiếc anh nhạc sĩ Thanh Tùng, một người anh, một người đồng nghiệp vô cùng kính mến, một tài năng của âm nhạc VN. Xin chia sẻ cùng gia đình về sự mất mát lớn lao. Cầu chúc anh siêu thoát nơi vĩnh hằng”.
Cô Phạm Thị Quý – em vợ nhạc sĩ Thanh Tùng nghẹn ngào chia sẻ: “Vợ mất sớm nhưng anh không đi bước nữa, mà ở vậy nuôi con khôn lớn thành người. Anh ra đi sẽ để lại cho đất nước một tài sản tinh thần to lớn, những tác phẩm âm nhạc sẽ còn vang mãi trong lòng người yêu nhạc Việt Nam”.
Ca khúc Hoa cúc vàng của cố nhạc sĩ đã vang lên trong lễ truy điệu, như một lần nữa nhắc rằng, Thanh Tùng ra đi nhưng những cống hiến ông với âm nhạc Việt vẫn còn mãi trong lòng công chúng hôm nay và mai sau.
Dương Hòa – Phạm Xâm
Theo Lao Động