Vị trí thực tập quốc tế với mức lương hoặc phí hỗ trợ lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng cùng chế độ đãi ngộ tốt là lựa chọn của nhiều sinh viên tài năng.
Cứ mỗi dịp hè đến, đa số sinh viên lại tìm việc làm thêm như bưng bê, bán hàng, dạy học… Số còn lại loay hoay với công việc thực tập trong nước không lương, hoặc có mức phí hỗ trợ trung bình 1.500.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên khác mạnh dạn “thử lửa” ở vị trí thực tập quốc tế, xách ba lô lên và đi nước ngoài làm việc với mức lương hàng chục triệu đồng.
Lương cao, tiếp cận văn hóa mới
Cô bạn Nguyễn Mỹ Linh (SV năm thứ tư ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương Hà Nội) đang thực tập tại phòng Sales và Marketing tại Công ty Khởi nghiệp về Phần mềm Quản lý Khách hàng ở Nhật Bản.
Mức lương của Linh là 30 triệu đồng/tháng, cùng phí hỗ trợ đi lại từ công ty.
“Đây không phải số tiền lớn ở một thành phố đắt đỏ như Tokyo, nhưng do tiết kiệm, nên mình sống khá thoải mái và còn để dành được tiền đi du lịch” – Linh chia sẻ.
Nữ sinh cho biết, để được thực tập ở Nhật, Linh phải trải qua gần 6 tháng ứng tuyển. Đầu tiên là nộp hồ sơ qua website của tổ chức AIESEC theo chương trình Global Talent (Nhân tài toàn cầu), phỏng vấn lần lượt với AIESEC ở Đại học Ngoại thương Hà Nội, đến AIESEC Nhật Bản và cuối cùng là đến công ty thực tập.
Với bảng CV nhiều thành tích và kinh nghiệm liên quan, đồng thời thể hiện được khả năng lãnh đạo của mình qua 3 đợt phỏng vấn, Linh được nhận thực tập trong 6 tháng.
Trước đó, cô bạn này cũng từng “đánh bại” hơn 2.000 ứng viên để trở thành thực tập sinh của tập đoàn đa quốc gia P&G.
Tương tự, Nguyễn Vĩnh Bảo (SN 1994, học thạc sĩ tại Đại học RMIT Hà Nội) là một trong chín ứng viên Việt Nam tham gia chương trình thực tập của tập đoàn đa quốc gia SCG năm 2015. Mỗi năm, chương trình chỉ nhận vài chục bạn trẻ đến từ các nước ASEAN, trong đó, 10-15 sinh viên Việt Nam được nhận thực tập tại Thái Lan.
Vĩnh Bảo ứng tuyển ở vị trí Marketing. Ngoài lương trong một tháng thực tập, phí hỗ trợ ăn ở, đi lại tại nước sở tại, bạn còn được tham gia các hoạt động vào cuối tuần, có cơ hội tương tác đa văn hóa với các bạn đến từ các nước ASEAN.
Chàng trai này không xa lạ với giới trẻ Hà Nội bởi anh từng tham gia rất nhiều chương trình giao lưu quốc tế và đạt nhiều học bổng học thuật.
Khác với Mỹ Linh và Vĩnh Bảo, Hồ Xuân Vinh (SV năm thứ tư, khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM) vừa kết thúc chuyến thực tập nghiên cứu 3 tháng tại viện KIT (Kyoto Institute of Technology, Nhật Bản. Trước đó, Vinh cũng thực tập tại viện JAIST của xứ sở hoa anh đào.
Chàng trai cho biết thực tập tại hai viện nghiên cứu không có lương nhưng ứng viên có thể nhận học bổng từ tổ chức JASSO trị giá 80.000 yên/tháng (khoảng 14,5 triệu đồng). Với số tiền này, các bạn có thể đủ chi trả sinh hoạt phí.
“Mỗi lần đi mình đều phải sử dụng thêm khoảng 15.000 yên để mua quà và vài sản phẩm theo sở thích. Còn nếu tiết kiệm, bạn có thể dư khoảng 10.000-30.000 yên đem về” – Vinh nói. Bạn cũng chia sẻ, có lần các thực tập sinh tham gia khảo sát nhận được phí hỗ trợ 7.500 yên/người, tuy việc này khá hiếm.
Sau gần 9 tháng với nhiều lần được giáo viên chỉnh sửa, bài báo nghiên cứu với đề tài Game Refinement Theory của Vinh và giáo viên hướng dẫn tại JAIST đã được công bố trên tạp chí quốc tế.
Ngoài xuất phát điểm là sinh viên khoa học, chàng trai này còn gây ấn tượng với giáo sư ở các viện khoa học khi là một trong 20 sinh viên của trường tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Singapore trong bốn tuần, từng có những bài báo tham dự hội nghị và từng cộng tác viết báo cáo nghiên cứu tại trường.
“Chinh phục” nhà tuyển dụng bằng CV
Một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng khiến sinh viên được chọn ra nước ngoài thực tập là CV. Theo Nguyễn Mỹ Linh, CV của cô chỉ vọn vẻn một trang, với thông tin cơ bản và kinh nghiệm làm việc.
“Tuy ngắn nhưng phải thuyết phục, mọi kinh nghiệm mình đều diễn giải bằng số liệu cụ thể, thể hiện kỹ năng mà mình có thế mạnh, cũng như nhà tuyển dụng quan tâm” – Linh nói.
Ngoài việc từng là thực tập sinh Phòng phát triển khách hàng (sales) của P&G, tại trường đại học, Linh còn là cố vấn ban Đối ngoại FBA Elite, Hội sinh viên tài năng khoa Quản trị kinh doanh, từng đoạt giải nhất cuộc thi Bản lĩnh Marketer, Nielsen Case Competition. Đây là ba điểm nhấn trong CV của nữ sinh và có liên quan mật thiết vị trí thực tập tại Nhật Bản.
Linh chia sẻ, bất kỳ cuộc phỏng vấn nào cũng sẽ có phần giới thiệu bản thân. “Họ không bao giờ hướng dẫn bạn nên nói gì trong 1 phút này, nhưng cơ bản, bạn phải giới thiệu được bản thân và làm bật những thế mạnh, kinh nghiệm một cách súc tích. Tránh đưa vào những chi tiết không liên quan công việc mình đang ứng tuyển” – nữ sinh viên nói.
Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng hỏi những câu bám sát vào CV mà Linh đã nộp, đồng thời quan tâm những câu về phát triển con người.
Còn Nguyễn Vĩnh Bảo cho rằng điểm mạnh của anh nằm ở sự tổng hòa giữa điểm số và hoạt động ngoại khóa.
Theo Bảo, hai điều quan trọng trong đơn nộp ứng tuyển là kiến thức/điểm số và hoạt động ngoại khóa/kinh nghiệm làm việc. “Dù nhiều công ty không đặt nặng về điểm số nhưng đây là yếu tố điển hình khi đánh giá một sinh viên” – chàng trai cho biết. Bên cạnh đó, bạn cũng góp ý rằng kiến thức còn có thể tự trau dồi qua các khóa học trực tuyến cung cấp chứng chỉ.
Còn hoạt động ngoại khóa và kinh nghiệm làm việc vừa giúp các bạn trẻ có thêm trải nghiệm thực tế vừa khiến nhà tuyển dụng chú ý.
Bản thân Bảo được biết đến với những chuyến “xách balô” đi đến nhiều nước, là một trong số ít những đại biểu Việt Nam tham gia hội thảo quốc tế. Chàng trai này còn là thủ khoa tốt nghiệp nghiệp Đại học RMIT Hà Nội (lựa chọn trên tiêu chí điểm trung bình và khả năng lãnh đạo), đạt học bổng theo học khóa thạc sĩ tại trường.
Tham gia chương trình thực tập khác với Vĩnh Bảo và Mỹ Linh, thế mạnh trong hồ sơ của Hồ Xuân Vinh liên quan nhiều hơn đến học thuật.
Nhìn chung, ứng viên cần có kiến thức học thuật tốt, vững vàng và yêu thích, dành nhiều thời gian tìm hiểu về đề tài nghiên cứu, không ngại thất bại khi tham gia thực hiện, và có khả năng ngoại ngữ tốt.
Diệp Uyên
Theo Zing