Nguyễn Thế Quỳnh (chàng trai vàng của Olympic Vật lý Việt Nam) vừa trúng tuyển vào Viện công nghệ Massachusetts MIT – trường đại học số 1 thế giới.
Nguyễn Thế Quỳnh cùng các gương mặt khác của thế hệ vàng Olympic là Đinh Thị Hương Thảo (2 HCV Olympic Vật lý quốc tế), Đinh Quang Hiếu (2 HCV Olympic Hóa học quốc tế) lựa chọn Viện công nghệ Massachusetts là nơi học tập.
Không chỉ sở hữu thành tích khủng với 2 giải quốc gia, 2 giải châu Á, 2 giải quốc tế, Quỳnh còn là tấm gương sáng về ý chí vượt khó vươn lên trong học tập.
Nguyễn Thế Quỳnh lựa chọn Viện công nghệ Massachusetts. |
Sau khi đoạt HCV Olympic Vật lý quốc tế năm 2017, Quỳnh nộp hồ sơ vào Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Song song với việc học đại học, em không ngừng nâng cao trình độ tiếng Anh để thi các bài thi chuẩn hóa, hoàn thành hồ sơ để tìm học bổng du học.
Niềm vui đến với Quỳnh khi vừa qua em biết tin mình đã trúng tuyển vào Viện công nghệ Massachusetts, ngôi trường trong mơ của biết bao thế hệ học sinh đam mê khoa học trên toàn cầu.
Quỳnh cho biết: MIT là ngôi trường hàng đầu thế giới, là môi trường học tập rất tốt nên có tỉ lệ cạnh tranh rất cao. Ngoài những kiến thức khoa học, các thí sinh dự thi vào trường này phải có trình độ ngoại ngữ tốt để vượt qua các kì thi chuẩn hóa.
Khó khăn lớn nhất đối với Quỳnh là ở Quảng Bình không có điều kiện học ngoại ngữ như ở các thành phố lớn nên xuất phát điểm tiếng Anh của em không tốt. Nhưng sau 4 tháng học tập chăm chỉ, Quỳnh đã vượt qua kì thi chuẩn hóa với số điểm xuất sắc.
Để vượt qua các bài thi chuẩn hóa, Quỳnh đã phải viết những bài luận về tiếng Anh, trong đó bài nói về thiên tai ở các vùng quê miền biển nghèo ở Việt Nam.
Quỳnh kể: Vào năm 2016, ở Quảng Bình có trận lũ lịch sử. Lớn lên tại Quảng Bình và đã chứng kiến sự phá hoại của thiên tai, em viết về tình trạng của người dân vì vật liệu xây nhà sơ sài, không chống chọi được bão, tình trạng thiếu điện, thiếu nước sạch mỗi khi cơn bão lũ trôi qua. Em mong muốn góp phần tìm giải pháp công nghệ để giúp con người chống lại thiên tai tốt hơn.
Em đã cố gắng thể hiện con người, niềm đam mê, tính cách và ước mơ của mình trước hội đồng tuyển sinh qua các bài luận và phỏng vấn. Em nghĩ điều này là quan trọng tương đương với thành tích học thuật.
Quỳnh chia sẻ trong những năm tới, em sẽ cố gắng học tập thật tốt. Khi học xong, em mong muốn được về nước để làm việc trong một trung tâm hoặc viện nào đó về khoa học để có thể góp phần nghiên cứu, tạo ra những thành tựu cho khoa học và em muốn ghi được dấu ấn của riêng mình.
Vân Anh / Giáo Dục & Thời Đại