Dù chồng Pháp là kiến trúc sư, kinh tế dư dả lo cho gia đình, nhưng chị Phạm Thu vẫn miệt mài tìm việc. Chị không muốn sống dựa vào chồng.
Chị Phạm Thu, sinh năm 1982, quê Bình Định, kết hôn với anh Alexis Bris, kiến trúc sư người Pháp, hơn chị 20 tuổi, năm 2009. Năm 2011, hai vợ chồng chị về Pháp định cư sau khi có con trai một tuổi. Dưới đây là chia sẻ của chị về hành trình gần 6 năm sống tìm chỗ đứng nơi xứ người:
Tôi sang Pháp tháng 11/2011, tới bây giờ đã gần 6 năm. Những ngày đầu đến đây, tôi sống chung với mẹ chồng được 6 tháng. Tiếng Pháp không biết, mẹ chồng nói gì cũng chỉ biết “Oui”, hoặc “Non” (Có hoặc không), vì từ lúc quen chồng tới lúc sinh con ra ở Việt Nam tôi chỉ toàn nói tiếng Anh.
Khi ông xã tìm được việc làm, tôi mới bắt đầu đi học tiếng. Thời gian đầu rất khó khăn, học như vịt nghe sấm vì cô giáo toàn giải thích bằng tiếng Pháp. Nhưng càng học tôi càng thích thú, đăng ký học sáng chiều và ngày nào cũng học.
Sau 6 tháng học tiếng, tôi nộp CV nhiều nơi như siêu thị, phụ chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, phụ giúp người già… Nhưng ở đâu họ cũng lắc đầu từ chối, vì khi họ hỏi, tôi không hiểu hết những gì họ nói.
Có mấy chị người Việt lúc đó nói, nhìn tôi ốm yếu thế, cứ ở nhà sinh nhiều con để hưởng trợ cấp chứ đi làm gì cho mệt. Nhưng tôi vẫn muốn đi làm, tôi không muốn hàng tháng chỉ ung dung nhận tiền của chồng chuyển vào tài khoản.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Thu. |
Vùng tôi ở rất nhiều vườn cây ăn trái, nên vào mùa hè năm đó tôi đăng ký hái trái cây. Sáng sớm 4-5 giờ, tôi dậy nấu cơm để mang theo, buổi trưa ăn ngoài đồng. Buổi sáng sớm sương xuống lạnh căm căm, buổi trưa mùa hè nắng như đổ lửa, người tôi đen sạm đi. Tôi hái, rồi xách từng xô trái cây nặng trĩu từ đầu bên này sang bên kia mà đi cứ như chạy. Tay tôi chai sần và rộp lên.
Ngày đầu tiên về người đau ê ẩm khắp mình không ngủ được, hôm sau lại phải 4 giờ sáng lọ mọ dậy đi làm. Sau mấy tuần cầm vài trăm euro trên tay, những đồng tiền đầu tiên làm được trên xứ người khiến tôi vui chảy nước mắt.
Cuối năm đó, gần chỗ công ty chồng có một tiệm bánh pizza nhưng đóng cửa vì thỏa thuận bán cho người ta nhưng chưa xong. Chồng bảo: “Này, nếu người ta không mua, anh bán cho vợ tôi, vợ tôi biết nấu ăn biết làm bánh pizza luôn”.
Tôi đứng hình mấy giây, vì bản thân ở nhà luôn bị mang tiếng nấu ăn dở, sao mà làm nổi, nhưng cũng cảm thấy có hứng thú. Một tuần sau họ gọi điện bán tiệm đó cho vợ chồng tôi. Chồng quyết định nhanh chóng mua tiệm đó gần 20.000 euro trong vòng 2 ngày.
Một tháng sau khi làm xong giấy tờ, tôi mới bắt tay vào học làm bánh pizza Ý và một tháng sau nữa tôi chính thức mở tiệm bán. Những ngày đầu khách cũng khá đông vì muốn thử tay nghề mới của tôi, nhưng sau đó thì giảm rõ rệt, một phần do chất lượng bánh có thể không ngon, phần nữa vì tôi làm không đều tay, không làm đúng giờ hẹn khách lấy.
Tôi bắt đầu lo lắng và stress kinh khủng. Trên đường lái xe đi làm về, tôi cứ nghĩ đủ câu hỏi tại sao bánh mình không ngon, do bỏ đồ ít, do giá cả… Tôi cãi lộn với chồng, thất vọng với bản thân, rồi ngồi khóc một mình. Tôi bắt đầu đi tham khảo xem các tiệm pizza khác thế nào, thay đổi đủ các loại sốt, phô mai, bột, thêm bớt thành phần đến khi cảm thấy ngon.
Chị Thu từng tối mặt tối mũi bán đồ ăn tại các hội chợ. |
Rồi thời gian khách cũng trở lại dần, và có những người khách thường xuyên. Có người ăn tối, xong qua sáng hôm sau quay lại khen bánh tuyệt vời quá, vỏ bánh rất ngon. Được đà, tôi làm thêm chả giò để bán. Cũng năm lần bảy lượt kinh nghiệm, tôi mới cho ra một công thức làm chả giò cho riêng mình.
Mỗi tuần trước cửa hàng tôi có phiên chợ, tôi làm kios bán cơm chiên, mì xào, kho thịt bán… Có ngày cuốn gần cả 1.000 cuốn gồm chả giò heo, gà, tôm, samosa, ravioli… đứng từ sáng tới tối khuya mới xong. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông lạnh cóng. Tôi nhớ có năm trời lạnh kinh khủng, đứng ngoài trời dưới cái lạnh -2 độ buổi sáng, chân tay tôi cứng ngắc, môi thì va vào nhau không nói nên lời.
Những ngày phiên chợ dậy từ sáng sớm, tôi làm không nghỉ tới 3-4 giờ chiều. Về tới nhà, tôi chỉ biết lia mình trên chiếc giường ngủ không biết trời đất gì. Vài tiếng sau lại phải dậy để làm order cho khách, rồi chuẩn bị cho ngày hôm sau. Tôi thuê người giúp việc nhưng chỉ thuê tạm thời và là người Tây nên họ cũng không thông thạo hết việc. Họ chỉ phụ rửa chén bát hoặc nhờ đâu làm đó.
Công việc nhiều đến nỗi, nhiều đêm về đến nhà một hai giờ sáng, chồng con đã đi ngủ. Nước mắt tôi cứ lăn dài trên má. Tôi tự hỏi sao đời mình khổ vậy. Ở Việt Nam tôi từng mở nhiều quán cà phê, shop bán đồ trang sức, làm chỗ nọ chỗ kia… nhưng không khổ thế bao giờ.
Công việc như thế kéo dài 3 năm liền, những chuyến đi chơi ít lại, đi đâu tôi cũng lo về, không dám ở lâu sợ mất khách. Cuối năm, tôi lại nhận hàng mỹ phẩm từ Pháp về cho khách ở Việt Nam. Vừa bán ở cửa hàng, vừa trả lời khách, tôi không có thời gian cho mình và gia đình. Nhiều lúc lái xe mà tôi như muốn ngủ gục. Mùa hè vừa rồi tôi sút tới 5 kg.
Chồng chị Thu luôn ủng hộ mọi quyết định của chị, và động viên an ủi mỗi khi chị mệt mỏi. |
Thế là tôi quyết định bán lại cửa hàng bánh, tập trung mua hàng và bán mỹ phẩm về Việt Nam. Trời thương nên tôi có thêm nhiều khách. Cái duyên đưa đẩy giúp tôi làm luôn vận chuyển hàng cho các bạn từ Pháp về Việt Nam và từ Pháp đi các nước trên thế giới. Thu nhập càng ngày càng khá. Hiện giờ, tôi có thể thoải mái lo cho bản thân và gia đình, không cần dùng tới tiền của chồng. Dù vẫn vất vả nhưng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Sau tất cả, tôi nhận ra rằng cuộc sống đôi khi có những thứ mình không thể nào biết trước. Nhưng luôn có những ngã rẽ ở đoạn cuối con đường, quan trọng là mình có dám bước đi và làm hay không.
Phạm Thu/Vnexpress