Cùng một ngân hàng, có người được thưởng tới nửa năm lương, nhưng có người lại không một đồng nào.
Hơn một tháng trở lại đây, câu chuyện về thưởng Tết trong các doanh nghiệp, đặc biệt là ở ngân hàng – vốn dĩ xưa nay vẫn được dư luận quan tâm vì nghề “buôn tiền” được xem là nghề “hot” nhất với thu nhập cao – được bàn tán xôn xao.
Cho đến thời điểm hiện tại, Vietcombank đang là nhà băng “bạo chi” nhất khi thưởng nhân viên tới 5 tháng lương, tương đương bình quân khoảng 90 triệu đồng/người. Các ngân hàng lớn như VietinBank hay MB có kế hoạch thưởng 2 tháng lương, những ngân hàng khác phổ biến cũng 1-2 tháng.
“Có tiếng mà không có miếng”
Những con số trên được công bố ra, hẳn ai cũng trầm trồ và ao ước. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, việc thưởng Tết trong ngành ngân hàng không đơn giản chỉ là đếm đầu người rồi chia tiền như trước kia. Thay vào đó, con số chỉ là con số, còn thực tế làm trong cùng một ngân hàng, có người được thưởng tới vài tháng lương nhưng có người lại không được thưởng một đồng!
Việt Linh, cán bộ của ngân hàng Vietcombank tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dù làm ở ngân hàng đã lâu, thuộc diện “có thâm niên”, nhưng thông tin ngân hàng thưởng cho nhân viên 90 triệu đồng dịp Tết Nguyên đán năm nay anh cũng chỉ mới biết qua…báo chí. Thực tế ở phòng giao dịch của anh, nhiều người đang mong mỏi có được 1 tháng lương đã là tốt, thậm chí còn tính đến phương án không có thưởng vì đơn vị anh trực thuộc chi nhánh đang dính nhiều nợ xấu liên quan đến bất động sản.
“Ngân hàng sẽ không thưởng theo đầu người mà tính theo hiệu quả công việc (KPI), cộng thêm cả nợ xấu nợ tốt. Từ hôm qua tới nay, bạn bè người thân liên tục nhắn tin chúc mừng vì được thưởng 90 triệu đồng, nhưng có tiếng mà chẳng được miếng”, Linh chia sẻ.
Đồng tình với anh Việt Linh, theo chị Phương Dung, một cán bộ tín dụng của HDBank, như năm ngoái mang tiếng ngân hàng thưởng Tết tới 4 tháng lương, nhưng thực tế không phải vậy. “Tết năm ngoái, ngân hàng tính theo hiệu quả hoạt động. Phòng ban nào xuất sắc thì được thưởng tới 4 tháng lương, nhưng con số này ít lắm. Có phòng ban được thưởng 1-2 tháng lương nhưng cũng có những phòng ban từ 0,8 – 1,2 tháng lương”, chị Dung chia sẻ.
Năm nay, chị Dung cho biết mức thưởng của ngân hàng vẫn chưa được công bố dù mới đây hội nghị tổng kết đã thông báo ngân hàng lãi tới 836 tỷ đồng, nhưng chị và các nhân viên khác vẫn hy vọng sẽ có một cái Tết “ấm no” hơn.
Nhiều người làm ở các nhà băng khác như MB, VPBank, Techcombank, ACB…cũng bức xúc rằng, nếu cứ nhìn vào con số bình quân lương, thưởng mà lãnh đạo công bố thì…oan quá. Nhân viên được thưởng 2 triệu, lãnh đạo được thưởng 100 triệu, rồi tính bình quân mỗi người được thưởng hơn 50 triệu đồng là không đúng.
Mang tiếng được thưởng cao và thực tế không được như vậy cũng còn hơn nhiều nhân viên ngân hàng phải ấm ức vì không được thưởng đồng nào mà vẫn “bị” cho rằng có. Chị Chung, một cán bộ của ngân hàng OceanBank cho biết, dịp Tết dương lịch vừa qua nhiều người nói rằng ngân hàng 0 đồng thưởng cho người lao động 2 triệu đồng để ăn Tết, nhưng thực tế không phải vậy. “Đó là tiền xăng xe hàng tháng, đổ vào tháng cuối năm, tính ra mỗi tháng được hỗ trợ chưa đến 200 nghìn đồng/tháng mà cứ tưởng thưởng Tết”, chị nói và cho biết thêm, ở ngân hàng phụ cấp xăng xe cũng chỉ dành cho nhân viên kinh doanh và có mức dao động từ 2 – 5 triệu đồng/năm.
Công bố thưởng lớn mang tính… kỹ thuật?
Phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, đúng là con số về thưởng Tết chỉ ở mức bình quân, còn thực tế phải căn cứ vào hiệu quả công việc. Như ngân hàng H. của ông, nếu chi nhánh, phòng giao dịch nào có nợ xấu lớn, kinh doanh không hiệu quả thì đừng “mơ” có thưởng, thậm chí còn bị cắt giảm lương hoặc thay thế nhân sự.
Ông cho biết thêm, hiện nay các ngân hàng đều thực hiện như vậy vì NHNN đã chỉ đạo không chia cổ tức, không tăng thưởng, thù lao, phải tiết kiệm chi phí để tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu và dự phòng rủi ro, vì thế không ai dại gì đi làm trái cơ quan quản lý.
Đề cập đến việc nhiều ngân hàng công bố thưởng lớn cho nhân viên, tới vài tháng lương, một chuyên gia nhìn nhận, đó chỉ là con số nổi, và thường là lấy số lớn, trong ngân hàng có người được thưởng 1 tháng, người được 5 tháng lương là chuyện bình thường. ” Ở doanh nghiệp hay cơ quan nào cũng vậy, anh làm tốt thì có thưởng, anh không làm tốt thì bị phạt chứ mong ngóng gì thưởng. Nhưng không ít ngân hàng thời nay họ dùng “chiêu” công bố thưởng Tết để hút người tài của nhà băng khác và chứng tỏ mình ở đẳng cấp tốt hơn, nên tội gì mà không đưa ra con số cao nhất”, ông nói.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ