Năm nay, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vắng cảnh chen lấn xô đẩy hay những mâm cao cỗ đầy đến “trả nợ” như nhiều năm trước.
Quan niệm “đầu năm vay, cuối năm trả” nên cứ vào dịp cuối năm, những “con nợ” của Bà Chúa Kho lại kéo về hành lễ trả nợ. Tuy nhiên, năm nay, do kinh tế khó khăn, đền Bà Chúa Kho không còn cảnh hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy, dâng những mâm lễ tiền triệu như trước.
Đi lễ cùng gia đình, chị Hoàng Thị Thúy Hà (ở Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, do đầu năm đến vay Bà rồi nên cuối năm chị đi trả lễ, đầu năm vay bà bao nhiêu thì cuối năm trả lại ngần ấy hoặc có thể nhiều hơn. Tuy nhiên do năm nay kinh tế khó khăn, làm ăn không được nên chị chỉ sắm sửa lễ mọn, lòng thành dâng Bà.
“Lễ này của tôi là lễ bình dân chỉ khoảng 200.000 đồng, cái chính là phải thành tâm chứ không quan trọng nhiều hay ít, to hay nhỏ như trước”, chị Hà cho biết thêm.
Cũng giống như chị Hà, chị Phạm Thị Cúc (ở quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, hàng năm chị với công ty thường đi lễ Bà Chúa Kho vào dịp đầu năm để xin lộc và cuối năm thì lên “trả nợ”. Những năm trước, công ty sắm đủ lễ mặn, ngọt ở các ban để dâng.
“Tuy nhiên, do khó khăn chung về kinh tế nên năm nay cả công ty chỉ sắm một lễ chung (tiền vàng) để dâng lên Bà Chúa, còn các ban nhỏ khác thì mình thành tâm chứ không sắm lễ”, chị Cúc cho biết thêm.
Việc “con nợ” giảm chi tiêu, sắm sửa lễ tạ còn kéo theo nhiều dịch vụ như bán đồ lễ, viết sớ, sắp lễ ế ẩm theo.
Ông Nguyễn Văn Đại, chủ cửa hàng kinh doanh vàng mã, đồ lễ ở cổng đền Bà Chúa Kho cho biết, năm nay công việc làm ăn buôn bán của người dân không thuận nên người đến trả lễ ít hơn. Những người đi trả lễ cũng không cầu kỳ sắm sửa lễ to như mọi năm mà họ tự sắm lễ ở nhà mang đến hoặc chỉ mua lễ tượng trưng với chi phí rất thấp.
“Năm nay chúng tôi cũng không đặt những mâm lễ tiền triệu như trước. Hiện những mâm lễ to đẹp chỉ có giá khoảng 300.000- 400.000 đồng, những mâm lễ vừa chỉ từ 100.000 đến 150.000 đồng cho phù hợp với nhu cầu của người dân”, ông Đại cho biết thêm.
Cũng theo chia sẻ của các tiểu thương, trước kia cứ đến tháng Chạp là nơi đây tấp nập, nhiều gia đình, cửa hàng phải nhập 3, 4 chuyến hàng, nhưng năm nay, một chuyến hàng về bán cũng chưa hết.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh cho biết, lượng người năm nay đổ về “trả nợ” Bà Chúa Kho giảm mạnh so với những năm trước. Theo ghi nhận, mỗi ngày có khoảng 1.000 người đến lễ tạ, thứ Bảy hoặc Chủ nhật có thể tăng lên một chút.
“Chúng tôi tuyên truyền người dân đến đây lễ tạ không đốt vàng mã nhiều và hướng người dân về lễ tạ hay xin lộc không bày đặt đồ lễ xa hoa, cầu kỳ một cách thái quá. Những mâm lễ nhiều tiền đã giảm hẳn, không còn như trước, giờ chỉ còn những mâm lễ nhỏ tránh lãng phí không đáng cho người dân”, ông Quyết cho biết thêm.
Đền Bà Chúa Kho liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó, làng Cổ Mễ là nơi đặt kho lương thực của ta ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu).
Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm người phụ nữ đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ kháng chiến.
Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người rất đẹp. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Bà đã mở rộng khai hoang vào tận vùng Nghệ An.
Vào đời nhà Lý, bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077).
Nhà vua thương tiếc phong cho bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi bà với một niềm tôn kính là Bà Chúa Kho.
VĂN CHƯƠNG / VTC News