Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội (LĐ-TB&XH), nếu tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn cao thì một số địa phương có thể bị hạn chế đưa người sang nước này.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang.
Theo đó, nếu đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét không tuyển chọn lao động của các địa phương trên đi làm việc tại quốc gia này khi bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc được ký lại.
Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, 2.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Tuy nhiên, số lao động cư trú bất hợp pháp ở nước này vẫn ở mức cao.
Theo thống kê tại 15 tỉnh, thành phố, hiện tại, trên 9.000 người Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp chưa chịu về nước. Trong đó, dẫn đầu là Nghệ An với 1.454 người, tiếp đó là Hà Nội là 948 người…
Trước đó, đầu tháng 9/2015, theo nghị quyết của Chính phủ, lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại nước này trái phép sau khi hết hạn hợp đồng mà tự nguyện về nước trước 31/12/2015 thì không bị phạt tiền.
Theo chị Bùi Thị Oanh, một lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức đưa ra quyết định tăng mức lương tối thiểu đối với người lao động bắt đầu từ 1/1/2016. Theo đó, mức lương tối thiểu hiện tại là 6030 KRW/giờ làm việc (tương đương 115.200 đồng), tăng 8,1% so với năm 2015.
Quy định mức lương tối thiểu của 1 tháng là 1.260.270 KRW (khoảng 24 triệu đồng) tương ứng với 1 tuần làm việc 5 ngày, 1 ngày làm việc 8 tiếng, tổng 209 giờ làm việc 1 tháng.
Ngọc Lan
Theo Zing