Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Tổ chức Plan International để bắt đầu khảo sát tiền khả thi tại thành phố Hà Nội từ năm 2012. Trong giai đoạn 2014 -2016 Dự án đã thí điểm tại một số trường huyện Đông Anh và cùng phối hợp thực hiện với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Tiếp nối thành quả đến 2016-2020 Dự án đã được Vụ Bình Đẳng giới thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Liên hiệp hội phụ nữ thành phố Hà Nội triển khai những hợp phần quan trọng về truyền thông nâng cao nhận thức và định hướng chiến lược về thành phố an toàn và thân thiện cho em gái. Cho đến giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2023 Dự án đã tiếp tục được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Viện Phát Triển Sức Khỏe Cộng Đồng Ánh Sáng (LIGHT), Vụ Bình Đẳng giới, Liên hiệp Hội Phụ nữ Hà Nội và Chi hội Phụ nữ tại 6 quận huyện lựa chọn gồm Long Biên, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân và Đống Đa triển khai mở rộng tại tất cả các trường tại huyện Đông Anh, Đại học Giao thông vận tải tại thành phố Hà Nội. Mục tiêu tổng thể dự án nhằm hướng tới là các thành phố của Việt Nam an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với các em gái.
Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” đã khép lại với sự kiện Hội thảo Tổng kết dự án, do Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với đối tác Plan International Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện nhằm nhìn lại gần 10 năm của chuyến xe mang tên “Thành phố An toàn và thân thiện với em gái”.
Tại Hội thảo Tổng kết, BTC đã báo cáo những kết quả, tác động của Dự án, tổng hợp những phản hồi, kinh nghiệm từ phía người hưởng lợi, các bên tham gia triển khai Dự án, cũng rút kinh nghiệm và lan tỏa mô hình của Dự án.
Toàn cảnh Hội thảo Tổng kết Dự án “Thành phố An toàn, thân thiện với em gái”
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) nhấn mạnh “Dự án Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” như một chuyến xe buýt, kéo dài trong hành trình 10 năm. Có những người lên xe, vẫn song hành cùng các vòng xe tới mọi tuyến đường, cũng có những người xuống xe, nhưng tất cả đều là những người có mục đích chung là truyền cảm hứng và lan toả hành trình thông điệp, ý nghĩa của dự án. Một khi đã lên chuyến xe, dù là bên các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các chuyên gia, các soái ca, soái tỷ lái xe, phụ xe bus, các trường học và các em học sinh đều có cam kết trở thành các Thủ lĩnh của sự thay đổi để góp phần thúc đẩy một thành phố an toàn, thân thiện với em gái, với tất cả mọi người.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD Vietnam chia sẻ về hành trình đồng hành cùng Dự án
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình tác động và đối tác tại Plan International Vietnam đã chia sẻ “Plan là đơn vị có những sáng kiến, kết nối cho Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện cho em gái. Tuy nhiên, để có được thành công cho hành trình 10 năm như ngày hôm nay, chúng tôi rất cảm ơn sự cam kết, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, của Chính phủ, của các bên liên quan, của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh. Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” là một trong những mô hình chủ chốt trong Chương trình Ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới của Plan International. Trong tương lai, chúng tôi cam kết triển khai những dự án, mô hình mới, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, quyền trẻ em, cũng như hợp tác để tạo ra những sự thay đổi bền vững, tin tưởng vào khả năng tạo ra sự thay đổi của các em trai, em gái.”
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình tác động và đối tác tại Plan International Vietnam chia sẻ về những khó khăn và thử thách khi triển khai Dự án
Dự án đã tạo được ra rất nhiều sự thay đổi đối với các bên liên quan. Đầu tiên, Dự án đã xây dựng được một mạng lưới Thủ lĩnh của sự thay đổi. Các em được tập huấn những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, phòng ngừa/ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống quấy rối ở những nơi công cộng. Từ đó các em có thể lan toả thông tin nhằm nâng cao kiến thức cho trẻ em khác về cách nhận diện hành vi, phòng tránh bạo lực, quấy rối,và xâm phạm. Bên cạnh đó, Dự án cũng tạo cho các em một môi trường an toàn, thân thiện, mà ở đó, các em có thể bày tỏ các ý kiến, quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, những người có trách nhiệm. Đặc biệt, sau khi lắng nghe ý kiến của các em, các nhà lãnh đạo đã đưa ra những quyết định quan trọng, đáp ứng những mong muốn, bày tỏ chính đáng của các em.
Dự án cũng đã tạo được ra một đội ngũ dẫn trình viên, giáo viên nòng cốt, có đầy đủ kỹ năng và kiến thức để giúp đỡ các em học sinh xác định được những vấn đề, những nguy cơ, cung cấp các kiến thức để phòng chống, đối phó với các hành vi bạo lực, xâm hại. Thầy cô cũng là người đồng hành, hỗ trợ, lồng ghép các hoạt động trên trường, lớp để giúp đỡ, lan toả kiến thức đối với các em, cha mẹ các em cũng đã có những sự thay đổi, trở nên cởi mở hơn với các bạn có thể hiện giới khác biệt, cũng như có sự công bằng khi đối xử các bé trai, bé gái.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Uỷ viên Đảng Liên Đoàn Lao động thành phố, Nguyên Phó chủ tịch thường trực hội LHPN HN chia sẻ những ấn tượng về Dự án “Trong quá trình triển khai, khi vừa xây dựng các hoạt động trên điểm chính để triển khai, chúng tôi cũng trao đổi với nhau những vấn đề phát hiện theo năm, theo giai đoạn, theo vấn đề. Sau đó, chúng tôi đã điều chỉnh, bổ sung vào các hoạt động, học phần cho phù hợp. Từ đó, đối tượng tác động và đối tượng thụ hưởng của Dự án rất lớn. Bên cạnh đó, nhờ việc triển khai Dự án theo các cấp hộ, những hoạt động của Dự án đi sâu vào mỗi người dân, đi sâu vào cộng đồng, đồng thời, thu hút được sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền”.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Uỷ viên Đảng Liên Đoàn Lao động thành phố, Nguyên Phó chủ tịch thường trực hội LHPN HN đã chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện Dự án
Bà Đoàn Thị Kim Thuỷ, đại diện Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh rằng nhận thức của các bạn trẻ khi tham gia Dự án rất khác biệt so với những bạn không tham gia. Các bạn học sinh sau khi tham gia Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” rất năng động, nhận thức được rõ về bình đẳng giới. Các bạn cũng có những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân, nhận biết được những hành vi xâm hại, và biết nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đoàn Thị Kim Thuỷ, đại diện Vụ Bình đẳng giới chia sẻ về những tác động của Dự án đối với nhận thức của các em học sinh
Nguyễn Thanh Phương, Đại diện CLB COC – Thủ lĩnh của sự thay đổi tại trường THCS Cổ Loa, đã chia sẻ rằng “Trước khi tham gia CLB COC, chúng em là những học sinh nhút nhát, rụt rè, không có đủ tự tin để thể hiện tiếng nói trước đám đông, có những định kiến về giới. Chúng em luôn nghĩ rằng, việc học là việc quan trọng hơn, chúng em không muốn học thêm một kỹ năng nào khác. Nhưng trong quá trình tham gia CLB, chúng em được thụ hưởng những hoạt động của dự án mang lại. Chúng em tự tin hơn khi chia sẻ quan điểm của mình, có thể dám nói lên tiếng nói, chúng em còn biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi người. Quan trọng hơn, chúng em còn thấy được sự trưởng thành của mình trong suy nghĩ, và hành động. Từ đó, mà chúng em dám tham gia nhiều hơn những hoat động để có thể lan truyền đến tất cả mọi người.”
Em Nguyễn Thanh Phương, Đại diện CLB COC – Thủ lĩnh của sự thay đổi tại trường THCS Cổ Loa, đã chia sẻ về những tác động của Dự án tới bản thân
Trong phần toạ đàm tại Hội thảo Tổng kết Dự án, các đại biểu, đại diện các bên đối tác, người hưởng lợi đã chia sẻ những tác động, những bài học kinh nghiệm quý giá và cả những kỷ niệm khi đồng hành cùng Dự án.
Dự án đã được khép lại thành công với thông điệp được lan toả: Thành phố An toàn và Thân thiện với em gái. Để An toàn cho em gái = An toàn cho tất cả mọi người.
THÔNG TIN CƠ BẢN
Thông tin 1: Giới thiệu dự án và các cơ quan triển khai thực hiện dự án
Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Tổ chức Plan International Việt Nam để bắt đầu khảo sát tiền khả thi tại thành phố Hà Nội từ năm 2012, đến 2014 Dự án đã được thí điểm tại một số trường huyện Đông Anh, và cùng phối hợp với Vụ Bình Đẳng Giới, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội HPTC, Hội Phụ nữ thành phố và Chi hội Phụ nữ tại 6 quận huyện lựa chọn gồm Long Biên, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân và Đống Đa. Trong giai đoạn 3 từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2023 Dự án đã tiếp tục được mở rộng và triển khai bởi Vụ Bình Đẳng giới thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên hiệp Hội Phụ nữ Hà Nội, Viện Phát Triển Sức Khỏe Cộng Đồng Ánh Sáng (LIGHT), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện tại thành phố Hà Nội với 6 huyện lựa chọn. Mục tiêu tổng thể dự án là các thành phố của Việt Nam an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với các em gái
. Là một trong nhưng đơn vị chính, Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) đã tham gia triển khai Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” từ tháng 9.2020 đến tháng 12.2023 tại Hà Nội.
Giới thiệu về Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD)
Viện Nghiên Cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận, được thành lập vào ngày 5 tháng 3 năm 2008. Trong gần 15 năm qua, MSD đã và luôn nỗ lực để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của các cộng đồng khác nhau tại Việt Nam. Là một tổ chức hàng đầu, MSD là một phần của các mạng lưới và diễn đàn trong khu vực và toàn cầu, đồng thời được các đối tác trong nước và quốc tế công nhận là một đơn vị phát triển chuyên nghiệp. Từ năm 2021, MSD chính thức trở thành United Way Việt Nam – thành viên của United Way Worldwide – Mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất toàn cầu.
Giới thiệu về tổ chức Plan International Việt Nam
Plan International là tổ chức quốc tế, phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi tôn giáo hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái với mục đích xóa bỏ đói nghèo và vì sự phát triển toàn diện của các em.
Tại Việt Nam, Plan International bắt đầu hoạt động từ năm 1993. Sứ mệnh của Plan International là hỗ trợ trẻ em, thanh niên và đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh và cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp các em có thể chủ động quyết định tương lai của chính mình. Plan international tin tưởng rằng trẻ em gái có khả năng thay đổi thế giới. Hợp tác chặt chẽ với cộng đồng, phối hợp hiệu quả với các tổ chức và cơ quan chính quyền các cấp là phương châm hành động của chúng tôi. Trong 5 năm từ năm 2021 đến 2025, mục tiêu của Plan International là hỗ trợ cho 2 triệu trẻ em gái tại Viêt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển toàn diện.
Thông tin 2: Các kết quả của dự án đã triển khai tới thời điểm hiện tại
Trong khuôn khổ Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái”, quá trình thúc đẩy sự tham gia của TTN vào việc xây dựng và thực thi chính sách có liên quan tới thanh thiếu niên (TTN) được thực hiện qua 4 giai đoạn tương ứng với 4 nhóm hoạt động chính như sau:
Kết quả của Mục tiêu số 1 – Nâng cao năng lực cho thanh thiếu niên và các bên liên quan
Mục tiêu số 1 bao gồm 4 hoạt động chính: Thành lập và vận hành CLC COC (Champions of Change – Thủ lĩnh của sự thay đổi); Gặp mặt định kỳ CLB COC em trai và em gái; Tập huấn cho thành viên các CLB COC; Tập huấn cho giáo viên, dẫn trình viên các CLB COC.
Trong 3 năm triển khai dự án, đã có 6 CLB COC được thành lập, trong đó có 54 CLB ở 26 trường THCS, 01 trường THPT trên địa bàn huyện Đông Anh và 02 CLB tại trường Đại học GTVT (mỗi trường có 01 CLB em gái và 1 CLB em trai). Số lượng thành viên tham gia vào các CLB là 880 TTN, bao gồm 420 nam và 420 nữ, độ tuổi từ 10-22. Các CLB thường xuyên sinh hoạt, với tuần suất 1-2 buổi/tháng theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trong các buổi sinh hoạt, TTN được biết thêm những kiến thức về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới cũng như các kỹ năng mềm để các em có thể tự bảo vệ, tự phát triển bản thân. Tác động của hoạt động sinh hoạt CLB tới việc nâng cao năng lực tham gia cho TTN là vô cùng to lớn. TTN được trang bị các kiến thức cơ bản về BĐG, phân biệt đối xử về giới, phòng chống XHTDTE, phòng chống bạo lực gia đình; các biện pháp ứng xử, đối phó trước những tình huống bị xâm hại, quấy rối; TTN được trang bị và rèn luyện các kỹ năng tham gia như: quan sát, thuyết trình, lắng nghe, phản biện, đối thoại, thu thập thông tin,… Từ đó, các em được nâng cao sự tự tin và khả năng thể hiện bản thân trước đám đông; TTN có được môi trường an toàn để trao đổi, gặp gỡ, giao lưu với các bạn cùng trang lứa; được thoải mái nói ra quan điểm của bản thân, được đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề mà các em quan tâm.
Trong hoạt động 2: Gặp mặt định kỳ giữa CLB em gái em trai, các em được thảo luận/tranh luận với nhau về các vấn đề liên quan tới chủ đề BĐG, phòng chống BLG như: an toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng, việc thay đổi chuẩn mực giới về quấy rối tình dục, vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân và cách tiếp cận không gian công cộng và phương tiện giao thông công cộng của người khuyết tật; thảo luận để cùng nhau xây dựng kế hoạch truyền thông, xây dựng các khuyến nghị, đề xuất cải thiện tình hình. Sau các buổi gặp mặt, các em hiểu rõ hơn về các vấn đề mà các em quan tâm, từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề và khuyến nghị với các bên liên quan; TTN được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, lắng nghe, phản biện, tranh luận, đối thoại, làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch, ra quyết định, giải quyết vấn đề,…; các em cũng được tự mình đưa ra các ý tưởng và cùng nhau bàn bạc, xây dựng các kế hoạch truyền thông để lan tỏa các kiến thức mà các em đã học được cho bạn bè, gia đình, cộng đồng.
Bên cạnh đó, các 810 thành viên (405 em gái và 405 em trai) của các CLB COC được tham gia vào 219 khóa tập huấn (110 khóa cho các CLB em gái và 109 khóa cho các CLB em trai) trong 3 năm từ 2020 – 2023. Các em được tập huấn những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới; kỹ năng tham gia, kỹ năng lãnh đạo và đối thoại chính sách; kỹ năng truyền thông qua mạng xã hội Facebook và Tiktok. Sau các khóa tập huấn, TTN được nâng cao hiểu biết về giới và giới tính, sự đa dạng giới, hiểu về các xu hướng tính dục, bản dạng giới, từ đó không kỳ thị, phân biệt đối xử và tôn trọng sự đa dạng; TTN được cung cấp kiến thức và kỹ năng về truyền thông, truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng ý tưởng, kế hoạch để truyền thông về thúc đẩy BĐG và phòng ngừa BLG trên các trang mạng xã hội như Facebook và Tiktok; TTN tự tin trở thành nhân tố tích cực tại các hoạt động truyền thông tại nhà trường, cộng đồng và các hoạt động đối thoại với lãnh đạo chính quyền địa phương.
Dự án cũng đã tổ chức 61 khóa cho giáo viên/dẫn trình viên (DTV) các Trường THCS và THPT, trong đó có 3 khóa cho TOT cho 81 DTV, 1 khóa tập huấn cho 21 DTV mới (gồm 16 nam và 5 nữ), 2 khóa tập huấn về sơ cứu tâm lý ban đầu cho 66 DTV, 55 khóa tập huấn cho giáo viên (508 DTV nữ và 108 DTV nam). Sau chuỗi tập huấn, Dự án đã xây dựng được 01 đội ngũ DTV ở các trường (mỗi trường 4 – 5 người) có đủ năng lực để dẫn dắt các buổi sinh hoạt CLB COC tại trường, tổ chức các hoạt động truyền thông trong trường học về thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực giới; Các DTV được trang bị kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực giới, kỹ năng điều hành sinh hoạt CLB và phương pháp thúc đẩy sự tham gia tích cực của học sinh; tạo được môi trường thuận lợi cho các trường học và Phòng GD-ĐT Đông Anh duy trì các CLB COC để dẫn dắt và nhân rộng các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới.
Kết quả của Mục tiêu số 2 – Hướng dẫn, hỗ trợ TTN thu thập thông tin và bằng chứng để đưa ra khuyến nghị
Để đạt được mục tiêu này, 3 hoạt động chính đã được triển khai: Đánh giá an toàn của trẻ em gái nơi công cộng; Thu thập phản hồi của trẻ em về công tác trẻ em và bình đẳng giới; Khảo sát về an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái và người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Mỗi năm một lần, tại 24 xã của huyện Đông Anh, Hà Nội, 720 thành viên CLB COC (360 em gái và 360 em trai) và gần 110 lãnh đạo cộng đồng đã tham gia vào hoạt động đánh giá an toàn của trẻ em gái ở nơi công cộng bằng mẫu Bảng kiểm “Đi bộ an toàn”. Các phát hiện và quan tâm về an toàn của em gái trên đường phố và không gian công cộng sau đó được trình bày trong các cuộc họp với đại diện lãnh đạo cộng đồng (Chủ tịch/ Phó Chủ tịch UBND, HĐND và các tổ chức đoàn thể). Các đề xuất thay đổi cũng được đề xuất với các nhà lãnh đạo cộng đồng để cải thiện tình hình, nhằm tạo ra một cộng đồng và môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em và phụ nữ trên địa bàn. Hoạt động này giúp trẻ quan sát và phát hiện được những địa điểm thiếu an toàn và những vấn đề ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ em gái ở nơi các em sinh sống, từ đó đề xuất ra các giải pháp để cải thiện tình tình; trẻ được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quan sát, phát hiện vấn đề, phân tích vấn đề và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị với các bên liên quanvề một số vấn đề ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ em gái từ góc nhìn của chính các em. Bên cạnh đó các khuyến nghị, đề xuất của các em đã được Lãnh đạo địa phương lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng thành các đề án để cải thiện và khắc phục các vấn đề ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ em trên địa bàn toàn huyện.
Hoạt động thu thập phản hồi của trẻ em về công tác trẻ em và bình đẳng giới được triển khai trên Thị trấn Đông Anh và 23 xã trên địa bàn huyện Đông Anh từ tháng 4-5/2022. Mục tiêu của hoạt động là: Thu nhận ý kiến phản hồi của trẻ em về tiến trình và tác động của việc thực thi các chương trình, chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm an toàn cho trẻ em gái tại nơi công cộng trên địa bàn huyện Đông Anh trong năm 2021; Tiếp thu các đề xuất, khuyến nghị của trẻ em để triển khai hiệu quả công tác trẻ em và BĐG trên địa bàn huyện Đông Anh trong các năm tiếp theo. Đề xuất, vận động chính quyền địa phương cải thiện/thiết lập cơ chế thu thập ý kiến của trẻ em đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em. Các phản hồi được thu thập dưới hai hình thức: khảo sát bằng bảng hỏi đối với 1.363 trẻ em là thành viên các CLB COC và TTN tại 24 trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Đông Anh; thảo luận nhóm tập trung: 6 cuộc TLN được tổ chức tại 6 Câu lạc bộ COC ở 6 THPT. Sau hai tháng thu thập phản hồi, 01 báo cáo kết quả thu thập ý kiến phản hồi của trẻ em về công tác trẻ em và BĐG trên địa bàn huyện Đông Anh trong năm 2021 được xây dựng, trong đó ghi nhận phản ánh của trẻ về những vấn đề gây mất an toàn về tính mạng, thân thể và danh dự của trẻ em; cơ chế tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác về các hành vi xâm hại trẻ em, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; nhận xét của trẻ về công tác trẻ em và BĐG trên địa bàn huyện Đông Anh trong năm 2021 và những đề xuất, kiến nghị của trẻ để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em và BĐG của huyện Đông Anh. Bên cạnh đó, 01 bản khuyến nghị của trẻ em để nâng cao hiệu quả công tác trẻ em và BĐG trên địa bàn huyện Đông Anh trong các năm tiếp theo được xây dựng và gửi tới các cơ quan liên quan.
Từ tháng 6-7/2023, khảo sát về an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái và người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam đã được thực hiện nhằm tìm hiểu các bằng chứng về vấn đề an toàn với phụ nữ, trẻ em gái và người LGBT tại nơi công cộng và những thay đổi trong 2 năm trở lại đây, làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp, kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái và người LGBT về an toàn ở nơi công cộng cũng như các biện pháp nhằm ngăn ngừa BLG ở Việt Nam. Một khảo sát bằng bảng hỏi trực tuyến đã thu thập được ý kiến từ 5.340 người (3.842 phụ nữ và trẻ em gái, 1.361 nam giới và trẻ em trai, 114 người LGBT, còn lại là giới tính khác) trên phạm vi cả nước. Việc khảo sát cũng đến từ thảo luận nhóm với sự tham gia của 47 người (24 phụ nữ, 20 trẻ em, 3 người LGBT) ở Hà Nội, Hòa Bình và Quảng Ninh. Sau hai tháng thực hiện, 01 báo cáo khảo sát được xây dựng, trong đó phản ánh thực trạng an toàn đối với trẻ em gái, phụ nữ và người LGBT ở nơi công cộng, vấn đề quấy rối tình dục tại nơi công cộng, khả năng tìm kiếm sự trợ giúp khi cảm thấy không an toàn; quan điểm của người trả lời về vấn đề an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái và người LGBT; một số đề xuất, khuyến nghị để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới.
Kết quả của Mục tiêu số 3 – Tổ chức các hoạt động để TTN tham gia
4 hoạt động chính để thực hiện mục tiêu số 3 là: Đối thoại với Lãnh đạo địa phương; Đối thoại liên thế hệ; Các hoạt động truyền thông tại nhà trường, cộng đồng và trên MXH; Xây dựng khuyến nghị và đề xuất chính sách.
Vào ngày 29/11/2022, Đại diện Lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện Đông Anh; đại diện các cấp ban ngành; hiệu trưởng nhà trường; 25 DTV và thành viên CLB COC nòng cốt của 5 trường: THCS Cổ Loa, THCS Nguyễn Huy Tưởng, THCS Vĩnh Ngọc, THCS Ngô Quyền, THPT Vân Nội đã tham gia Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa các Lãnh đạo huyện Đông Anh với trẻ em và phụ nữ về xây dựng không gian an toàn và bình đẳng. Tại hội nghị, 20 em học sinh chia làm 3 nhóm đã nêu ý kiến/đề xuất về 3 vấn đề nóng bỏng, có liên hệ trực tiếp tới an toàn – cuộc sống phát triển toàn diện của trẻ em tại Đông Anh, đó là: xây dựng sân chơi an toàn – thân thiện; không gian giao thông công cộng an toàn thân thiện xung quanh khu vực trường học và nhà dân; giảm tình trạng bạo lực – thương tích với trẻ em. Đại diện lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân và các phòng ban đã quan tâm, chú ý lắng nghe và trực tiếp phản hồi các ý kiến của các em. Sau hội nghị, ý kiến của các em học sinh được tổng hợp thành một văn bản kiến nghị, thông qua Hội LHPN huyện Đông Anh gửi tới HĐND huyện Đông Anh.Từ tháng 2-5/2023, các buổi đối thoại liên thế hệ đã được triển khai với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Ngày 18/02/2023, Buổi đối thoại liên thế hệ lần thứ nhất được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.400 học sinh, phụ huynh, giáo viên (680 nữ) Trường THCS Đức Tú, lãnh đạo Sở GDĐT Đông Anh, 26 trường dự án còn lại, đại diện Trường Đại học GTVT giúp các em học sinh chia sẻ với cha mẹ, giáo viên về những vấn đề khiến các em lo lắng, gặp khó khăn. Trong tháng 5/2023, các cuộc đối thoại cấp lớp đã được tiến hành tại 26 trường dự án còn lại trên địa bàn huyện Đông Anh (lồng ghép với cuộc họp phụ huynh cuối năm học). Trong buổi họp, GVCN triển khai những nội dung mà nhà trường mong đợi cha mẹ phối hợp; cha mẹ nói lên suy nghĩ của mình, những điều mà mình trăn trở và mong đợi từ các con; các con lên tiếng để chia sẻ về việc con mong đợi gì đối với thầy cô, cha mẹ. Các buổi đối thoại, đã giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh có cơ hội gặp mặt để cùng trao đổi, chia sẻ với nhau về những vấn đề mà trẻ đang phải đối mặt bao gồm: an toàn ở trường học, an toàn ở nơi công cộng, áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè, cách đối xử giữa con gái, con trai trong gia đình và bạo lực gia đình; trẻ được nói lên tâm tư, tình cảm, mong ước của mình đối với thầy cô, cha mẹ, đồng thời được lắng nghe thầy cô, cha mẹ chia sẻ về những lo lắng, mong đợi của nhà trường, của thầy cô và cha mẹ đối với các con; các con cảm thấy mình được thấu hiểu, quan tâm, khích lệ và động viên; trẻ được bồi dưỡng sự tự tin, lòng biết ơn, tình yêu thương, kỹ năng thấu cảm, biểu đạt ý kiến của mình, lắng nghe và phản hồi tích cực; cha mẹ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con cái, thấy được sự cần thiết phải dành thời gian trò chuyện với con, lắng nghe con hàng ngày để hiểu con hơn, cũng như đồng hành cùng con vượt qua những khó khăn mà con đang gặp phải.
Song song với đó, Dự án cũng đã hỗ trợ 30 sáng kiến truyền thông của các nhóm thanh thiếu niên về chủ đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới. Trong đó 13 sáng kiến truyền thông do TTN khởi xướng (livestream, cuộc thi, tiktok, chiến dịch truyền thông xã hội, chương trình radio); 16 sự kiện truyền thông và 01 talkshow tại Trường Đại học GTVT. Các sáng kiến đã được hỗ trợ trực tiếp tại các trường và trực tuyến trên các kênh mạng xã hội (Facebook, Tiktok); được tổ chức riêng hoặc lồng ghép với một số sự kiện khác của trường.
Trong 3 năm của dự án từ năm 2020-2023, thanh thiếu niên được hỗ trợ để xây dựng các khuyến nghị và đề xuất chính sách. Vào tháng 6/2020, 40 trẻ em đại diện cho trẻ em của 24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh đã cùng nhau rà soát tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm của huyện Đông Anh và chuẩn bị một bản khuyến nghị gửi tới lãnh đạo Huyện Ủy, UBND, HNND. Trong bản khuyến nghị này, các em đã chia sẻ những quan sát, suy nghĩ, mối quan tâm và những mong đợi của trẻ em đối với các vấn đề liên quan đến cuộc sống, học tập và phát triển của trẻ em tại Đông Anh, đồng thời đề nghị Lãnh đạo địa phương xem xét và đưa ra các giải pháp để triển khai trong Kế hoạch Phát triển KT-XH huyện Đông Anh giai đoạn 5 năm tới để xây dựng huyện Đông Anh trở thành quận thông minh, hiện đại và an toàn cho trẻ em gái và an toàn cho tất cả mọi người. Vào tháng 5/2022, 60 em là thành viên CLB COC của 6 trường THCS trên địa bàn huyện Đông Anh đã cùng thảo luận và đưa ra những nhận xét, phản hồi về việc thực thi các chương trình, chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em, BĐG, bảo đảm an toàn cho trẻ em gái tại nơi công cộng trên địa bàn huyện Đông Anh trong năm 2021. Trên cơ sở đó, các em đã đưa ra các khuyến nghị để góp phần nâng cao hiệu quả công tác trẻ em và BĐG trên địa bàn huyện Đông Anh và trình bày các khuyến nghị đó tại Hội nghị đối thoại ngày 29/11/2022. Để góp phần ngăn chặn những hành vi quấy rối, xâm hại tình dục và BLG diễn ra trong trường học và bảo vệ nạn nhân, thành viên CLB COC Trường Đại học GTVT đã cùng nhau xây dựng Bộ quy trình tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ nạn nhân của các vụ việc quấy rối, xâm hại tình dục và BLG trong khuôn khổ nhà trường. Bộ Quy trình này đã được công bố tại Hội thảo tổ chức vào ngày 31/5/2023 tại Trường Đại học GTVT.
Kết quả của Mục tiêu số 4 – Tài liệu hóa sự tham gia của TTN
Để đạt được mục tiêu tài liệu hóa sự tham gia của TTN, 3 hoạt động chính đã được triển khai: Khảo sát về sự tham gia của TTN vào việc đóng góp xây dựng chính sách; Xây dựng clip phóng sự; Tư liệu hóa quá trình tham gia của TTN.
Từ tháng 3-6/2021, khảo sát về sự tham gia của thanh thiếu niên vào việc đóng góp, xây dựng chính sách đã thu hút được sự tham gia của 2,373 TTN từ 13 đến 24 tuổi trên toàn quốc và 03 cán bộ cơ quan nhà nước. Khảo sát được triển khai theo 3 phương pháp chính: tham vấn ý kiến của TTN thông qua bộ phiếu khảo sát trực tiếp và trực tuyến; thảo luận nhóm với 02 nhóm TTN; phỏng vấn sâu với 03 đại diện các cơ quan nhà nước. Sau 3 tháng thực hiện, 01 báo cáo khảo sát được xây dựng, trong đó cung cấp các thông tin sau: nhận thức của thanh, thiếu niên về việc tham gia đóng góp, xây dựng các chương trình, chính sách; thực trạng tham gia chương trình, chính sách của TTN; thách thức của TTN khi tham gia góp ý, xây dựng chương trình, chính sách; giải pháp thúc đẩy sự tham gia của TTN vào các chương trình, chính sách; trường hợp điển hình; khuyến nghị hành động.
Xem toàn văn Báo cáo khảo sát tại đường link: https://msdvietnam.org/tai-nguyen/bao-cao-khao-sat-su-tham-gia-cua-thanh-thieu-nien-vao-viec-gop-y-xay-dung-cac-chuong-trinh-chinh-sach/
Clip giới thiệu kết quả khảo sát tại đường link:
https://www.facebook.com/watch/?v=913356269292395
Dự án cũng đã sản xuất được 03 clip phóng sự phim phóng sự tư liệu hóa quá trình cùng các em TTN tham gia xây dựng, giám sát, phản biện các chương trình chính sách liên quan đến vấn đề an toàn của em gái nơi công cộng:
Con đường an toàn:
Sự tham gia của trẻ em trong diễn đàn đối thoại chính sách tại địa phương:
Câu chuyện của sự thay đổi – Champion of Change:
Sau cùng, Dự án đã tư liệu hóa quá trình tham gia của TTN vào việc đóng góp xây dựng và thực thi chính sách có liên quan tới TTN nhằm tổng hợp lại các hoạt động và các mô hình thúc đẩy sự tham gia của TTN vào việc xây dựng và giám sát các chương trình chính sách liên quan của Dự án Thành phố an toàn thân thiện với em gái ; đánh giá và phân tích các điều kiện thuận lợi, khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy sự tham gia của TTN trong đóng góp xây dựng chính sách; mô hình hoá thành các bước và/hoặc quy trình triển khai các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của TTN để cung cấp kinh nghiệm và thực hành thân thiện cho các tổ chức xã hội và các cơ quan Nhà nước tham khảo. 01 tài liệu đã mô tả cụ thể quy trình thúc đẩy sự tham gia của TTN vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách của Dự án “Thành phố an toàn với trẻ em gái” (có bao gồm phụ lục và/hoặc các hộp (box) mô tả các ví dụ cụ thể).
P.V / Thị Trường Giao Dịch