Kéo nhau sang Lào làm ăn, nhiều người ở Nghệ An đã “phất” lên nhưng cũng không ít người phải bỏ mạng nơi đất khách và gia đình vẫn sống trong nghèo túng.
Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An những ngày sau Tết luôn tấp nập người chen chúc làm giấy thông hành để sang Lào làm ăn. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, mỗi năm, Nghệ An có gần 30.000 lượt người làm giấy thông hành để sang Lào.
Đại tá Trần Xuân Vinh, Trưởng Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, lượng người đến làm giấy thông hành để sang Lào rất đông. Chúng tôi phải bố trí thêm bàn và nhân viên phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Người lao động sang Lào làm đủ nghề như buôn bán, cắt tóc, thợ hồ, khai thác gỗ, thợ cơ khí… Anh Trần Thế Long (ngụ xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bày tỏ: “Ở quê không có việc làm, nghe nhiều người rủ sang Lào phụ hồ nên tôi cũng đi. Làm việc vất vả, nay đây mai đó nhưng mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng gửi về nuôi con”.
Người dân Nghệ An sang Lào làm việc theo kiểu thời vụ, nay đây mai đó nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít người đã phải bỏ mạng trong lúc mưu sinh tại Lào. Mới đây nhất, vào tháng 9/2015, trong lúc bán hàng tạp hóa, chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, ngụ xã Đức Thành, huyện Yên Thành) bị sát hại tại Lào. Thi thể chị được phát hiện trong một chiếc bao tải vứt dưới giếng sâu bên rừng.
Vào tháng 5/2015, ông Nguyễn Giang Sỹ (40 tuổi, ngụ xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu) đã bị một kẻ lạ mặt dùng dao đâm chết trong đêm tối.
Trước đó, vào tháng 12/2014, ô tô khách chở một nhóm người Nghệ An đang làm việc tại Lào thì bị lật ở tỉnh Bolykhamxay làm 1 người chết, 7 người bị thương.
Xót xa hơn, vào tháng 12/2012, khi 15 người quê huyện Nam Đàn sang Lào phụ hồ tại tỉnh Champasack thì ô tô bị tai nạn làm chết 9 người, trọng thương 6 người…
Anh Lê Văn Công (ngụ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Đa phần lao động sang Lào làm công ăn lương theo ngày, làm ngày nào biết ngày đó. Nếu không may xảy ra tai nạn, chủ thuê hỗ trợ được đồng nào thì cảm ơn chứ chẳng có hợp đồng hay giao kết gì cả”.
Thế nhưng, bên cạnh những rủi ro, nguy hiểm thì cũng có không ít người đã “phất” lên từ công việc ở Lào. Xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu trước đây vốn là một xã nghèo. Khoảng 20 năm trước, nhiều người dân ở xã này rủ nhau sang Lào kiếm sống. Đến nay, xã này có trên 1.400 lao động đang làm ăn, sinh sống tại Lào. Nhờ sang Lào làm ăn mà đời sống người dân ở đây khá giả hẳn, Diễn Tháp trở thành một trong những xã giàu nhất xứ Nghệ.
Ông Nguyễn Sỹ Cường, ngụ xã Diễn Tháp, khẳng định: “Ở xã này, gia đình nào cũng có người làm ăn ở Lào. Nhờ sang Lào buôn bán nên người dân Diễn Tháp mới có cuộc sống sung túc. Cả xã toàn nhà lầu, hơn 400 ô tô, nhiều chiếc giá đến vài tỷ đồng”.
Nhiều người dân ở các xã tại huyện Yên Thành như Đô Thành, Phú Thành, Tăng Thành… cũng khá giả nhờ công việc buôn bán ở Lào. Hiện có hàng ngàn người dân của xã này thường xuyên sang Lào làm ăn.
Sa vào tệ nạn
Bà Trần Thị Thanh Xuân, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành, cho biết việc quá nhiều người đổ xô sang Lào mưu sinh cũng gây ra không ít hệ lụy.“Chẳng hạn, nhiều trẻ đã nghỉ học để sang Lào kiếm sống; nhiều thanh niên làm ăn một thời gian trở về quê có tiền nhưng lại sa đà vào các tệ nạn xã hội” – bà Xuân lo ngại.
Đức Ngọc
Theo Người Lao Động