Từ ngày mai (25/12), chỉ những tài khoản đã được xác thực bằng số điện thoại hoặc định danh cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ 25/12, tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài (viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin).
Cụ thể, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người dùng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Điểm e, khoản 3, Điều 23 của Nghị định 147 quy định rõ: Đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp người dùng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Như vậy, những người dùng các dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam như: Facebook, Instagram, YouTube, TikTok… phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin…
Việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc mã số định danh được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo… trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, những quy định này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thông qua quy định về bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội, Nghị định 147 sẽ ràng buộc trách nhiệm của người dùng và các nhà mạng nhằm sàng lọc nội dung xấu độc, bảo vệ thông tin người dùng.
Bên cạnh đó, Nghị định 147 cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Cũng theo Nghị định 147, chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã…
Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản, mạng xã hội xuyên biên giới là 203 triệu.
Trong đó, hàng tháng, số người dùng Zalo (tính đến 30/6/2024) là 76,5 triệu người dùng, người dùng Facebook là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và 67 triệu người dùng TikTok.
Theo Minh Anh / Vietnamfinance.vn