Đây là một kịch bản bạn sẽ nghe đi nghe lại rất nhiều lần, ít nhất là cho tới khi Surface Phone ra mắt.
Hướng đi bắt buộc của Microsoft
Bản báo cáo tài chính vừa mới công bố ngày hôm nay của Microsoft đã lặp lại một kịch bản được hé lộ từ quý tài chính trước đó (quý 4/2015): doanh thu máy tính bảng Surface tăng mạnh và chạm mốc 1,1 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 61% so với cùng kỳ 2015. Ngược lại, doanh thu điện thoại Lumia giảm 46%. Trong quý đầu năm 2016, Microsoft chỉ bán được 2,3 triệu mẫu Lumia, tương đương với… 1/4 doanh số Lumia từ cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng “tăng Surface, giảm Lumia” đã được thiết lập từ quý cuối năm 2015. Trong quý này, doanh thu Surface cũng tăng 24% và lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD. Ngược lại, doanh thu Lumia cũng sụt giảm 61% dù vẫn bán ra được tới 10,5 triệu điện thoại.
Bạn chắc chắn sẽ còn gặp lại kịch bản này trong nhiều quý tài chính sắp tới, bởi đây sẽ là xu hướng tất yếu của Microsoft. Ai cũng có thể nhìn thấy lý do khiến ông lớn Microsoft thực hiện bước chuyển chiến lược này: thương vụ Lumia không chỉ tốn kém (mua về hơn 7 tỷ USD rồi sau đó gạch sổ gần như toàn bộ khoản giá trị này) mà còn chẳng đem lại lợi ích gì cho Microsoft . Sau nhiều năm, thị phần Windows Phone nói riêng và Lumia nói chung rất lẹt đẹt. Các nhà sản xuất khác như Samsung, HTC và Huawei cũng đã từ bỏ hệ điều hành di động của Microsoft.
Ngược lại, dòng sản phẩm Surface Pro và Surface Book không chỉ được các tín đồ công nghệ đón nhận tích cực mà còn tạo ra khuôn mẫu tablet-lai-laptop cho các nhà sản xuất khác học tập theo. Thực chất, chính đòn bẩy từ Surface tới phân khúc PC tầm cao đã giúp cho khoản doanh thu mà Microsoft nhận được từ các OEM chỉ giảm 2% trong khi toàn bộ ngành sản xuất PC đã suy giảm tới 11,5% trong quý đầu năm (số liệu IDC). Khoản doanh thu 1,1 tỷ USD từ phần cứng Surface trong quý này chỉ là một lớp kem ngọt nho nhỏ phủ lên trên chiếc bánh ngọt mà triết lý tablet-lai-laptop đã mang lại cho Microsoft cùng các đối tác sản xuất.
Đòn bẩy cho những chiếc lược di động mới
Kể từ khi Satya Nadella lên nắm vai trò thuyền trưởng, Microsoft coi như đã nhận thua trước Android và iOS khi đưa tất cả các ứng dụng, dịch vụ đình đám nhất của Windows Phone lên 2 hệ điều hành đối thủ. Microsoft thậm chí còn đang đẩy mạnh đầu tư vào trải nghiệm Android trên Cyanogen OS. Cùng với sự trợ giúp từ đồng minh Oracle cho phép Microsoft có thể nắm phần kiểm soát lớn hơn trên Android trong tương lai. Một lần nữa, gã khổng lồ phần mềm sẽ thực sự áp đảo về phần mềm, dù là trên nền tảng do đối thủ tạo ra.
Lumia hoàn toàn không có chỗ đứng trong kịch bản này.
Quan trọng hơn, thành công của Surface và Lumia sẽ là tiền đề để Microsoft tạo ra chiếc Surface Phone rất được ngóng chờ. Đây sẽ là sản phẩm kết hợp chất lượng chế tác tuyệt vời từ Lumia với trải nghiệm Windows 10 đầy đủ chạy trên chip x86, cho phép Microsoft hiện thực hóa tầm nhìn thiết bị điện toán kết hợp “tất cả trong một”, từ smartphone đến tablet, laptop và desktop. Tầm nhìn này vốn đã được khai phá từ bởi Windows Phone với tính năng Continuum, nhưng rõ ràng là các nhà sản xuất vẫn chờ đợi Microsoft ra mắt một khuôn mẫu mới để khai phá toàn bộ sức mạnh của Windows 10 trên điện thoại. Một chiếc smartphone mang thương hiệu “Surface” sẽ là chìa khóa để thực hiện chiến lược đó.
Cần phải nhớ rằng Microsoft đã chủ động cắt giảm quy mô sản xuất của Lumia. Nhưng ngay cả chiến lược đó cũng cho thấy một xu hướng rõ ràng: trong quý 1/2015, doanh số Lumia tăng 18% để chạm mốc 8,6 triệu máy nhưng doanh thu lại giảm tới 16%. Đến quý 1 năm nay, doanh số giảm tới 75% còn 2,3 triệu máy nhưng doanh thu chỉ giảm 46%.
Các con số này cho thấy Microsoft đang bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh phân khúc cao cấp và dần dần từ bỏ phân khúc cấp thấp, khiến cho mức giảm lượng tiền thu về không tồi tệ như mức giảm lượng máy bán ra. Những chiếc Surface Phone chắc chắn sẽ có trọng tâm là người dùng doanh nghiệp “chịu chi”, do đó chiến lược cắt giảm cho thấy Microsoft đang chuẩn bị tung chiến lược Surface lên smartphone: đây sẽ là một dòng smartphone có quy mô sản xuất nhỏ và giá bán ở phân khúc cao cấp nhằm tạo ra khuôn mẫu cho các nhà sản xuất khác.
Tầm nhìn điện toán “tất cả trong một” cho tới nay vẫn chưa được Google khai phá trong khi Apple thẳng thừng từ chối kết hợp Mac và iOS.
Nếu Microsoft có thể hiện thực hóa tầm nhìn đó với Surface Phone, hệ điều hành được người ta nhắc tới nhiều nhất khi nói về di động sẽ là Windows 10 (bản đầy đủ) chứ không phải là Android hay iOS nữa.
Theo Trí Thức Trẻ/GenK