Theo một khía cạnh nào đó, sự trỗi dậy của tập đoàn Apple đã lấy đi thành công và vinh quang của Microsoft cách đây một thập kỷ.
Trước đây, Microsoft với sản phẩm Windows là trung tâm của thế giới với vị thế không gì cản nổi trên thị trường công nghệ cũng như trong xã hội. Tập đoàn này cũng đã có những động thái chèn ép bất kỳ dự án nào có khả năng đe dọa vị thế thống trị của hãng trong làng công nghệ.
Trong ngắn hạn, Microsoft đã được hưởng những thành công rực rỡ nhờ ý tưởng đúng đắn về máy tính cá nhân. Tuy nhiên, đến năm 2007 khi Apple ra mắt iPhone, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sự chú ý sang điện thoại thông minh, máy tính bảng thay vì máy tính cá nhân, qua đó khiến Microsoft rơi vào khó khăn.
Lặp lại vết xe đổ?
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa Apple và Microsoft, sản phẩm iPhone hiện nay của “quả táo dở” có vị thế không khác gì Windows những năm 1999.
Tuy vậy, Apple đã nhìn thấy bài học từ Microsoft và hãng đang cố gắng tránh vết xe đổ này bằng việc hoàn toàn kiểm soát sản phẩm của mình và biện pháp đầu tiên là Apple App Store, chợ ứng dụng duy nhất mà người dùng iPhone có thể tải tiện ích.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Microsoft cho bất cứ ai cũng có thể tạo phần mềm trên nền Windows và không kiểm soát quá chặt chẽ sản phẩm của mình. Hãng chấp nhận để bên thứ 3 phát triển và bán sản phẩm tùy theo ý muốn.
Trái ngược lại, Apple kiểm soát chặt chẽ những ứng dụng mà người dùng iPhone có thể tải trên App Store và hưởng 30% giá trị giao dịch những tiện ích này. Tuy vậy, Apple rất khôn ngoan khi đảm vảo chất lượng của những ứng dụng này. Họ luôn kiểm tra kỹ để đảm bảo các tiện ích này không có virus hoặc những lỗi khác. Nhờ đó, người dùng có thể tận hưởng sản phẩm đúng như những gì họ chi tiền ra.
Hơn nữa, việc mua bán tiện ích này diễn ra trực tiếp giữa người sử dụng với Apple mà không thông qua bên thứ 3. Điều này khiến khách hàng yên tâm hơn. Kết quả là người tiêu dùng ngày càng thích iPhone cũng như App Store, còn doanh thu của Apple ngày càng tăng.
Phía các nhà phát triển cũng chấp nhận App Store không chỉ bởi vị thế của iPhone mà còn do họ không cần phải lo lắng về thanh toán hay những chi phí duy trì ứng dụng khác. Thêm vào đó, việc gia nhập App Store sẽ giảm nguy cơ bị kiện bản quyền cũng như cho phép các nhà phát triển tiếp cận với thị trường béo bở nhất trong làng công nghệ.
Động thái thứ 2 mà Apple áp dụng để duy trì vị thế của mình là mối liên kết trong sản xuất sản phẩm. Rõ ràng, Apple sản xuất tất cả sản phẩm từ iPhone, iPad đến những thiết bị khác sử dụng hệ điều hành iOS. Điều này khiến các sản phẩm của Apple chạy mượt hơn cũng như ít vấn đề hơn.
Trong khi đó, Microsoft Windows hay Google Android phải đối mặt với nhiều rắc rối bởi không có thiết bị khác hãng nào là giống nhau. Chắc chắn một chiếc PC của Dell sẽ khác với Levono khi chạy phần mềm, hay một chiếc di động Samsung sẽ khác với HTC dù dùng chung Android. Hạu quả là hàng loạt những vấn đề, lỗi hay phàn nàn của khách hàng xảy ra, qua đó hạ thấp uy tín sản phẩm.
Sản phẩm của Apple khá đồng bộ khi những chiếc iPhone của mọi người dùng đều giống nhau, chí khác về số ứng dụng họ tải. Điều này khiến người sử dụng có trải nghiệm tốt hơn về chất lượng. Hơn nữa, việc sản xuất đồng bộ sản phẩm khiến thiết bị của Apple trở nên có giá hơn, không dễ dàng bị làm giả bởi các nhà sản xuất khác.
Một yếu tố nữa thúc đẩy Apple thực hiện chính sách đồng bộ này là nếu người sử dụng muốn sở hữu hệ thống iOS mới, họ buộc phải cập nhật hoặc mua thiết bị mới của hãng.
Canh bạc mới của Apple
Với việc kiểm soát phàn mềm, phần cứng và ứng dụng, Apple đã kiểm soát hoàn toàn iPhone và hầu như độc chiếm mọi lợi ích từ sản phẩm này.
Tuy nhiên, để làm được điều tương tự với máy tính cá nhân lại là một chuyện khác. Cả Apple hay Microsoft đều chưa thể kiểm soát sản phẩm trong mảng kinh doanh này bởi lịch sử cũng như sự tự do sử dụng đã ăn sâu trong tiềm thức người dùng và nhà phát triển.
Rõ ràng, người dùng và các nhà phát triển không chấp nhận sự kiểm soát như Apple đã làm với iPhone cho dòng máy tính cá nhân.
Microsoft đã cố gắng với chiến lược trung tâm xoay quanh hệ điều hành Windows với Window Store App, qua đó áp dụng đồng nhất các tiện ích cho mọi sản phẩm của hãng, từ máy tính, laptop, máy tính bảng cho đến trò chơi điện tử Xbox. Tuy nhiên, hãng vẫn đang gặp khó khăn để thu hút người tiêu dùng đến với Window Store App.
Trước tình thế đó, Microsoft quyết định chuyển hướng sang ứng dụng Office thay vì tập trung vào hệ điều hành Windows, nhưng động thái này có thành công hay không vẫn còn là dấu chấm hỏi.
Trong khi đó, Apple cũng cố gắng đưa App Store vào dòng máy tính Mac nhưng hầu hết các nhà phát triển ứng dụng lại không ưa thích quyết định này và xây dựng tiện ích theo hướng khác. Quyết định này của Apple không khác gì việc cố lập hàng rào hạn chế người sử dụng tải ứng dụng ở dòng máy tính sau nhiều năm tự do, hậu quả là kết quả doanh thu của Mac không hoàn toàn khả quan.
Giờ đây, Apple lại đặt cược vào iPad pro thay thế cho laptop Mac. Kế hoạch của hãng là nếu người dùng không chấp nhận một laptop bị hạn chế tải ứng dụng thì Apple sẽ bán máy tính bảng với chợ ứng dụng và sẽ liên tục cải tiến để dòng iPad này có thể thay thế chức năng của laptop Mac. Nói theo cách khác, Apple vẫn nhắm đến việc đồng bộ hóa sản phẩm nhưng theo một hướng đi dài hơn.
Nếu kế hoạch này thành công, Apple sẽ mở rộng vị thế thống trị của hãng ra ngoài sản phẩm iPhone, đặc biệt là khi ranh giới giữa máy tính bảng và laptop đang ngày càng bị xóa nhòa. Tuy nhiên, nếu thất bại, Apple có lẽ sẽ thực sự phải tìm hướng đi mới để không còn phụ thuộc quá nhiều vào iPhone nữa.
Hoàng Nam
Theo Trí Thức Trẻ