Cuối năm, nhu cầu mua sắm điện thoại của người dùng tăng mạnh, đặc biệt là iPhone. Đây là thời điểm không thể thuận lợi hơn để những chiếc iPhone kém chất lượng tràn vào thị trường
“iPhone nguyên bản, mới 99% chưa qua sửa chữa” – đó là lời quảng cáo từ rất nhiều cửa hàng, hoặc từ những người kinh doanh nhỏ, bán lẻ những mẫu iPhone xách tay đã qua sử dụng. Mức giá cho những chiếc iPhone này rẻ hơn rất nhiều so với giá niêm yết tại các cửa hàng, đại lý được Apple ủy quyền phân phối chính hãng và thu hút một lượng không nhỏ người dùng yêu thích iPhone.
Phần lớn người dùng tìm mua các dòng iPhone này là học sinh, sinh viên hay công nhân, nhân viên văn phòng. Giá bản rẻ hơn các đại lý phân phối chính hãng từ 3 đến 4 triệu đồng cùng những cam kết hậu mãi “bùi tai” khiến nhiều người chấp nhận bỏ qua những rủi ro để được trải nghiệm thiết bị ưa thích. Hầu hết những sản phẩm này đều là máy xách tay, đã qua sử dụng và không đi kèm bao bì, hộp và phụ kiện.
Trong đó, các thế hệ iPhone cũ như iPhone 5, 5S nhận được nhiều sự quan tâm của giới sinh viên bởi mức giá bán chỉ từ 3,5 đến 5 triệu đồng. Thế hệ iPhone 6/6 Plus hay 6S/6S Plus có giá bán cao hơn, nhưng người dùng có thể lựa chọn các phiên bản khóa mạng với giá bán chỉ từ 8 triệu đồng. Ngoài ra, một số cửa hàng vẫn cung cấp các dòng máy đã bị Apple dừng sản xuất từ lâu như iPhone 4, 4S với cam kết máy “zin” chưa từng sửa chữa với ngoại hình gần như mới.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề kỹ lưỡng hơn, người dùng có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điều bất hợp lý đang tồn tại trên thị trường iPhone xách tay. Chỉ tính riêng tại khu vực nội thành Hà Nội, có tới hàng nghìn cửa hàng lớn nhỏ đang kinh doanh iPhone, bên cạnh đó còn vô số người kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng online. Lượng tiêu thụ iPhone mỗi ngày có thể lên tới hàng nghìn chiếc và nhiều hơn trong dịp cận Tết. Vậy nguồn hàng iPhone nguyên bản qua sử dụng được thu gom lại có thực sự đáp ứng được nhu cầu của tất cả người dùng tại Hà Nội?
Theo chia sẻ của một thương gia buôn bán iPhone xách tay tại Đống Đa: “Hầu hết các lô hàng iPhone cũ đều là những máy đã được lái buôn sửa chữa, tân trang trước khi chuyển về Việt Nam. Trong mỗi lô hàng sẽ có cả hàng nguyên bản nhưng hình thức không bắt mắt và hàng dựng nhưng ngoại hình như mới. Khi bán ra, người dùng sẽ được lựa chọn cả hai loại máy trên nhưng đa phần đều sẽ lựa chọn máy mới hơn, đẹp hơn bởi tâm lý mua hàng luôn muốn ngon, bổ và rẻ”. Bên cạnh đó, người này cũng cho biết khi mới tham gia thị trường iPhone xách tay, những đầu nậu bán lẻ thường chọn lựa mặt hàng khá kỹ lưỡng, chất lượng tốt nhất có thể để tạo uy tín với khách hàng. Tuy nhiên, khi lượng tiêu thụ ngày càng cao, sức ép cạnh tranh thị trường ngày càng lớn thì nguồn cung cũng sẽ dần bị hạn chế và buộc phải tìm đến những lô hàng kém chất lượng.
Có thể dễ dàng nhận thấy các loại iPhone gần đây đều được hoàn thiện với phần vỏ ngoài bằng kim loại, mang đến ngoại hình sang trọng nhưng lại khá mỏng manh, dễ bị móp méo, xước do tác động từ bên ngoài. Những máy nguyên bản đã qua sử dụng nhưng ngoại hình gần như mới là rất hiếm, có chăng thì chỉ là do người bán hàng tự thay vỏ để tân trang lại ngoại hình. Khi đó, sẽ chẳng ai dám khẳng định chất lượng phần cứng, linh kiện và kết cấu của chiếc máy nữa. Do không được lắp ráp đúng quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn của Apple nên những chiếc iPhone này luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏng hóc rất lớn, có thể chỉ sử dụng được 1 – 2 tháng là bị lỗi, không hoạt động được, đến lúc đó việc thay thế và sửa chữa tốn kém.
Do tâm lý ưa chuộng đồ công nghệ cao cấp, mẫu mã đẹp nhưng giá bán rẻ khiến nhiều người dùng phải nhận về những quả đắng không ngờ tới. Các cam kết của người bán hàng về chế độ hậu mãi cũng tác động không nhỏ tới tâm lý người mua hàng. Những cam kết như “bảo hành 3 tháng, 1 đổi 1 trong 7 ngày” đóng vai trò quyết định để thuyết phục khách hàng đồng ý mua sản phẩm. Tuy nhiên, chính câu nói mập mờ này lại khiến không ít khách hàng lâm vào tình thế dở khóc dở cười.
iPhone cũ chắc chắn sẽ có những vết xước, móp sau thời gian dài sử dụng. Nhưng khi người dùng gặp lỗi trong thời gian đổi mới, các cửa hàng bán sản phẩm này sẽ thường tìm lý do là máy lỗi do khách làm rơi, va chạm mạnh đến mức móp cả vỏ máy để từ chối đổi mới và chuyển sang chế độ bảo hành. Thế nhưng, chế độ bảo hành cũng mập mờ khi đa phần đều từ chối các lỗi về nguồn, màn hình và cảm ứng trong khi đó lại là những bộ phận quan trọng nhất của một chiếc iPhone.
Bên cạnh đó, việc mua hàng ở thời điểm cuối năm cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác như hết máy để đổi cho khách, hết hàng để lựa chọn. Việc bảo hành cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi người bán hàng dừng hoạt động để nghỉ Tết, khi đó chế độ đổi mới và bảo hành sẽ không thể được giải quyết ngay.
Trong bối cảnh iPhone mới có giá khá cao, khó tiếp cận số đông người dùng thì iPhone qua sử dụng vẫn là nồi cơm của nhiều dân buôn iPhone, chủ yếu là những người kinh doanh nhỏ lẻ. Người dùng nên cân nhắc, tìm mua máy tại các đơn vị lớn, có uy tín trên thị trường hoặc người quen thân, tránh các sản phẩm có mức giá quá rẻ so với mặt bằng chung để không lâm vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Thế Anh
Theo Sống Mới