Doanh nghiệp thông báo có thưởng Tết, thậm chí mức thưởng cao hơn so với năm trước nhưng người lao động phải đợi đến sau kỳ nghỉ mới được nhận.
Chị Thu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), làm việc tại một doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng lớn cho biết vừa nhận được thông báo của lãnh đạo công ty về việc trả thưởng Tết cho nhân viên. Theo đó, mỗi người lao động sẽ được thưởng 2 tháng lương. Tuy nhiên, số tiền thưởng này phải đến sau rằm tháng Giêng mới được chuyển về tài khoản của từng người.
“Nghe tin xong mình chẳng biết nên buồn hay nên vui nữa mặc dù mức thưởng như vậy là cao hơn mọi năm. Mong có thưởng Tết để về trang trải cho bố mẹ hai bên và chi tiêu cho gia đình. Vậy mà ra Tết mới được nhận nên trước mắt chưa có tiền để tiêu, mình đang tính đi vay rồi ra Tết sẽ trả”, chị Thu cho hay.
Nhân viên này cũng cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp lý giải, tuy tình hình công ty làm ăn tốt hơn nhưng đang đầu tư một số dự án lớn nên phải hoãn kế hoạch trả thưởng.
Cách đây chục ngày, anh Quý, công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long còn phấn khởi khi Giám đốc nhà xưởng thông báo mỗi lao động sẽ được thưởng 1,5 tháng lương, cao hơn nửa tháng so với năm ngoái. Tuy nhiên, cuối tuần vừa rồi, anh lại nhận được thông báo, trước mắt sẽ chỉ được nhận nửa tháng thưởng, số còn lại ra Tết mới được trả nốt.
“Nửa tháng tiền thưởng cộng với việc ứng trước tối đa mỗi người 2 triệu đồng có nghĩa là Tết này tôi chỉ có hơn 4 triệu để mang về trang trải”, anh Quý chia sẻ.
Tình trạng công ty làm ăn tốt hơn nhưng số tiền nợ đọng lớn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc cân đối nguồn tiền thưởng Tết. “Chúng tôi cũng muốn trả thưởng cho người lao động trước dịp Tết nhưng đôi khi còn phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản nợ đọng, đối tác có thanh toán tiền đúng hạn hay không, bởi vì thực tế không phải lúc nào công ty cũng dư giả tiền mặt. Chúng tôi vẫn phải để một khoản đề phòng để ra Tết công ty còn hoạt động, không lẽ đầu năm đã ‘cháy két’ thì không hay”, ông Vũ Văn Diễn – Giám đốc một doanh nghiệp ngành cơ khí cho hay.
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh Xã hội thành phố Hà Nội thừa nhận tình trạng doanh nghiệp có thưởng Tết nhưng sau kỳ nghỉ mới chi trả cho người lao động, tuy nhiên không có đơn vị nào báo cáo. Ông cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khó khăn về tài chính do bị nợ đọng, khó thu hồi, mở rộng đầu tư… nhiều doanh nghiệp cố tình giữ khoản thưởng Tết để giữ chân người lao động, đảm bảo sau kỳ nghỉ họ sẽ đi làm trở lại.
Tuy nhiên, làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của các nhân viên. Ông cho rằng, tiền thưởng Tết bên cạnh ý nghĩa tinh thần là động viên, tri ân người lao động đã gắn bó cả năm với doanh nghiệp thì còn rất thiết thực vì đa số họ đều có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
“Do đó, nếu doanh nghiệp có thưởng Tết mà lại không trả trước kỳ nghỉ cho nhân viên thì rõ ràng lao động cũng chẳng có tiền dư giả để lo cho gia đình. Cách làm như vậy sẽ gây ra tâm lý chán nản, nếu có cơ hội nào tốt hơn, họ sẵn sàng từ bỏ công việc đang làm”, ông lý giải.
Chuyên gia về lương thưởng tại một doanh nghiệp săn đầu người cũng nhận định, văn hóa trao thưởng Tết rất quan trọng. “Vẫn khoản tiền đó hoặc một món quà có giá trị như nhau nhưng cách để người lao động thấy mình được trân trọng, chia sẻ đúng lúc cần sẽ có ý nghĩa hơn. Do đó, đã là thưởng Tết thì nên để cho nhân viên được nhận trước dịp này mới đúng là động viên đúng lúc, sau kỳ nghỉ thì không còn nhiều ý nghĩa”, bà cho hay.
Ngọc Tuyên
Theo Vnexpress