Hôm qua (13/1), nhóm đại diện cho những nạn nhân bị bệnh hoặc đã chết trong thời gian làm việc tại Samsung có tên là “Banolim” đã yêu cầu công ty điện tử của Hàn Quốc phải minh bạch các thủ tục bồi thường cũng như chính thức xin lỗi các nạn nhân.
“Các chính sách bồi thường của Samsung vẫn chưa được công khai và chỉ ở một phía của công ty. Samsung cần ngồi vào bàn thương lượng về việc bồi thường và xin lỗi” – Lim Ja-woon, luật sư của nhóm Bảo vệ sức khỏe và nhân quyền của các công nhân sản xuất chất bán dẫn cho biết.
Yêu cầu này được đưa ra một ngày sau khi Samsung đồng ý thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc tái phát bệnh bạch cầu tại các nhà máy của mình. Hành động này cũng đưa sự việc tiến triển thêm một bước trong quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài suốt 8 năm qua.
Nhiều năm qua Samsung và hàng trăm nạn nhân của công ty điện tử hàng đầu Hàn Quốc này vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bồi thường và xin lỗi. Cho tới tháng 9 năm ngoái công ty này mới bồi thường cho các nạn nhân và tới cuối năm 2015 đã có 100 người được nhận tiền bồi thường.
Tuy nhiên nhóm Banolim cho biết Samsung đã buộc các nạn nhân phải giữ kín các điều khoản trong thỏa thuận và khẳng định rằng số tiền bồi thường mà những người này nhận được thấp hơn mức chi phí y tế mà họ phải chịu.
“Các nạn nhân thậm chí không được phép sao chép hay chụp ảnh hợp đồng” – Lim cho biết.
Trước lời cáo buộc trên Samsung khẳng định mọi điều khoản bồi thường đều dựa trên thỏa thuận giữa ủy ban trọng tài của công ty và các nạn nhân, và nói thêm rằng việc hạn chế tiết lộ hợp đồng là vì những lý do riêng tư.
Nhóm Banolim cho biết hơn 200 nhân viên thuộc dây chuyền sản xuất con chíp điện tử và màn hình đã bị mắc các chứng bệnh liên quan tới công việc và tính tới tháng này, số người chết đã lên tới 76 người. Con số này hiện vẫn chưa được chính thức xác nhận nhưng theo nhóm Banolim, con số thực tế thậm chí còn cao hơn.
Trong khi đó Samsung khẳng định con số trên đã bị phóng đại quá mức và cho biết thêm rằng nó bao gồm cả những căn bệnh không nghiêm trọng như bệnh ung thư và bạch cầu.
“Các chính sách bồi thường của Samsung là không phù hợp. Một số nạn nhân đã từ chối đề nghị của Samsung vì mức bồi thường không đủ trả các chi phí y tế của họ” – Hwang Sang-ki, cha của Yu-mi – cựu nhân viên của nhà máy sản xuất chip điện tử Samsung ở phía Nam Seoul đã qua đời vì bệnh máu trắng (hay còn gọi là bạch cầu) năm 2007 cho biết.
Cái chết của Yu-mi đã làm dấy lên một cuộc tranh luận kéo dài về những trách nhiệm của Samsung đối với các công nhân bị mắc bệnh ung thư và bạch cầu.
Nhóm Banolim cũng nói rằng Samsung đã thiếu chân thành khi xin lỗi các nạn nhân. Bằng chứng là công ty này đã không thừa nhận trách nhiệm của mình.
Nhà sản xuất các thiết bị điện tử nổi tiếng thế giới này hiện từ chối thừa nhận rằng môi trường làm việc của họ có liên quan trực tiếp đến việc bùng phát những căn bệnh trên.
“Việc chứng minh những mối tương quan như vậy là khá phức tạp về mặt khoa học. Quan điểm của chúng tôi là sẽ bồi thường cho các bệnh nhân cho dù có liên quan đến những vấn đề đó hay không” – một quan chức của Samsung cho biết.
Kim Chi (Theo Yonhap)
Theo Vntinnhanh