Đó là suy nghĩ của độc giả khi biết chuyện một xã có 12 người họ hàng “làm quan”.
Xung quanh thông tin xã có 12 người là họ hàng làm quan tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An), nhiều người đã thể hiện suy nghĩ cá nhân của mình trên mạng, theo đó, bạn Xuân Vịnh hỏi: “Liệu cái gen này có đúng quy trình không?”
Ngay lập tức, nhiều bạn như bạn Nguyễn Cao Sơn khẳng định: “Trời ơi, đúng quy trình thôi mà, ngẫu nhiên thôi mà” (!). Quy trình đó, theo bạn Anh, là quy trình “Đất lành chim đậu. Cùng nhau hạ cánh ở xã Hạ Sơn nhé các bác”.
Còn với bạn Nguyễn Tấn Út thì quy trình đó phải chăng bắt nguồn từ một quy trình ngàn xưa: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong khi đó bạn Hoàng Nguyễn cho rằng: “(Làm cán bộ là) làm công bộc cho dân mà họ dám hi sinh cả họ hàng để làm thì thật đáng trân trọng!”.
Về vấn đề này, nhiều bạn trẻ khác cho biết quan điểm, nên xem lại quy trình, quả đó là điều phải nghĩ khi hiện tượng “một người làm quan, cả họ làm quan theo”. Bạn có nick Robert nói rằng: “Chỗ quái nào mà chả thế, trong bệnh viện chỗ tôi làm những chỗ nào có nhiều màu là anh em con cháu của sếp chiếm hết…”.
Đàm Văn Linh: “Xã mình cũng thế, trong một gia đình thì bố làm chủ tịch xã, vợ làm chủ tịch hội nông dân, con trai cả làm xã đội trưởng, còn một “dãy” là ông dượng làm bí thư xã rồi “nhấc” cháu trai vào làm trưởng công an xã…”.
Cũng liên quan đến sự việc này, được biết, sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ (2015-2020), tại xã Hạ Sơn, ba vị trí chủ chốt trong xã gồm: ông Trương Văn An (50 tuổi) tái cử Bí thư Đảng ủy xã, ông Lê Văn Thanh (em rể ông An) làm Chủ tịch UBND xã, ông Định Văn Thụ (47 tuổi, cháu gọi ông Thanh là cậu ruột) làm Phó chủ tịch. Ngoài ra, 9 người trong bộ máy chính quyền xã là thông gia, anh em ruột, họ hàng, dâu rể với ba ông, trong đó có Chủ tịch Hội phụ nữ Trương Thị Phòng (31 tuổi) là cháu ruột ông Thanh…
Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã nói: “Câu chuyện này diễn ra có tính lịch sử từ cha ông để lại, từ cái thời vốn ở xã này mới chỉ có hơn 100 hộ dân. Mọi công việc khó khăn được nhen nhóm từ đó, dựng vợ gả chồng từ đó mà ra. Cả xã nghiễm nhiên trở thành thông gia, quan hệ gia đình thân thiết với nhau mà có nên một đội ngũ lãnh đạo mà dư luận gọi là họ hàng như ngày hôm nay”.
Bí thư Đảng ủy xã Hạ Sơn, ông Trương Văn An nói rằng cơ cấu cán bộ ở xã được thực hiện dân chủ, công khai đúng quy trình, dựa trên năng lực cá nhân. Từ nhiều năm nay, người trong gia đình ông đã liên tục giữ chức vụ quan trọng trong xã chứ không riêng thời điểm này.
Về việc này, ông Hoàng Khắc Thanh – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp đánh giá: “Đúng là chúng tôi có bất ngờ về việc dư luận phản ánh về thực trạng anh em, họ hàng và thông gia đều làm quan một xã. Tuy nhiên, kiểm tra từ đầu đến cuối chúng tôi khẳng định không có gì bất thường về quy trình tuyển dụng công chức trong đó. Tất cả đội ngũ công chức xã này đều đủ tiêu chuẩn để xét/thi tuyển công chức xã”.
Thùy Dung
Theo Đất Việt