Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố California sẽ tự tìm cách mở rộng thương mại và thuyết phục các đối tác quốc tế miễn áp thuế trả đũa lên bang này.
Theo Los Angeles Times, động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Trump công bố đợt áp thuế quy mô lớn, khiến thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu chao đảo.
“Chúng tôi không ngại dùng sức mạnh thị trường của mình để phản đối đợt tăng thuế lớn nhất trong đời,” ông Newsom viết trên mạng xã hội X hôm 4/4. Trong một đoạn video kèm theo, ông nhấn mạnh rằng 40 triệu người dân California đang sống tại “trụ cột của nền kinh tế Mỹ”, chiếm 14% GDP quốc gia.
Là một đảng viên Dân chủ thường xuyên bất đồng với ông Trump, ông Newsom cho biết ông đã chỉ đạo chính quyền bang tìm kiếm cơ hội mở rộng thương mại và nhắc nhở các đối tác toàn cầu rằng California là một đối tác ổn định.

“California không phải Washington, DC,” Newsom nói trong một thông cáo gửi tới các đối tác quốc tế. “Tiểu bang Vàng sẽ luôn là đối tác ổn định và đáng tin cậy cho các thế hệ sau, bất chấp sự hỗn loạn ở Washington.”
Là bang dẫn đầu cả nước về sản xuất và nông nghiệp, California có thể chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan, đặc biệt là các ngành công nghệ và cảng biển. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những biện pháp cụ thể mà bang sẽ áp dụng để xin miễn trừ hoặc nguồn lực nào sẽ được dùng cho việc này.
Một quan chức trong chính quyền Newsom cho biết các quốc gia có thể linh hoạt trong việc thiết kế các biện pháp trả đũa. Văn phòng thống đốc cũng nhấn mạnh sẽ làm việc chặt chẽ với đối tác thương mại để bảo vệ chuỗi cung ứng và kinh tế của bang.
Bang sẽ ưu tiên việc bảo vệ công ăn việc làm và đổi mới trong các ngành thương mại quốc tế, giúp doanh nghiệp và người lao động đối phó với gián đoạn do chính sách liên bang gây ra, đồng thời đảm bảo tiếp cận nguồn cung vật liệu cần thiết, như vật liệu tái thiết sau cháy rừng ở Los Angeles.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai chỉ trích ông Newsom đang đặt sai trọng tâm.
“Gavin Newsom nên tập trung giải quyết vấn đề người vô gia cư, tội phạm, và chi phí sinh hoạt cao ở California, thay vì dấn thân vào đàm phán quốc tế,” ông nói.
Theo Giáo sư Jonathan D. Aronson của Đại học USC, Newsom khó có thể thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi chính sách. Nhưng ông có thể thuyết phục một số quốc gia không trả đũa vào các ngành kinh tế chủ lực của bang như công nghệ, hạnh nhân và bơ.
Newsom không phải là thống đốc duy nhất phản ứng. Trước đó, Thống đốc Illinois JB Pritzker đã đến Mexico City để ký thỏa thuận với bang đông dân nhất của Mexico, thúc đẩy hợp tác trong sản xuất, nông nghiệp, công nghệ và chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, theo ông Aronson, với những quốc gia như Trung Quốc – nước chiếm gần 30% hàng nhập khẩu của California – thì việc thuyết phục họ sẽ không dễ.
“Trung Quốc chỉ quan tâm đến lợi ích của họ,” ông nói. “Liệu họ có chú ý đến đề xuất của California không? Rất khó nói.”
Dù vậy, ông cho rằng những nỗ lực này vẫn có thể hiệu quả ở một số nước sẵn sàng phân biệt rõ giữa bang California và chính phủ liên bang.
“Các nước đang trả đũa Mỹ, và California đang bị vạ lây,” ông nói. “Nếu chúng ta có thể thuyết phục họ rằng California là nơi đáng hợp tác, thì vẫn có cơ hội giữ được quan hệ thương mại ổn định.”
Các đối tác thương mại chính của California bị ảnh hưởng nặng nề. Nhật Bản bị áp thuế thêm 24%, Hàn Quốc 25% và Trung Quốc 34%, ngoài mức thuế 20% áp cho nhập khẩu fentanyl.
Canada và Mexico được miễn phần lớn mức thuế, nhưng vẫn bị áp thuế 25% với một số mặt hàng và xe ô tô nhập khẩu. Việc này đã khiến người dân California đổ xô mua xe trước khi thuế có hiệu lực.
“Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chuỗi cung ứng ở California,” chuyên gia kinh tế Kevin Klowden nói. “Chúng ta không thể thay thế toàn bộ chuỗi cung ứng trong nước, và nếu có thì chi phí cũng quá cao.”
Ông Rick Kushman, đại diện Hội đồng Hạnh nhân California, cho biết tổ chức đang theo dõi sát các diễn biến. “Việc giữ vững mạng lưới xuất khẩu đa dạng là điều sống còn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để tìm giải pháp phù hợp ở từng thị trường”, ông nói.

Các cố vấn tài chính của Newsom trước đó đã cảnh báo rằng thuế quan mới có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế và nguồn thu ngân sách bang, đặc biệt khi phần lớn ngân sách phụ thuộc vào thuế thu nhập của nhóm giàu có.
Sự bất ổn thị trường có thể khiến doanh thu sụt giảm mạnh do giá cổ phiếu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận và tiền thưởng – nguồn thuế quan trọng của bang.
Tổng thống Trump gọi đợt áp thuế này là “ngày giải phóng” của Mỹ.
“Chúng ta đã bị lừa trong suốt 50 năm, nhưng điều đó chấm dứt từ hôm nay,” ông nói. “Đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử đất nước. Đây là Tuyên ngôn Độc lập về kinh tế của chúng ta.”
Trong thập kỷ qua, California luôn thể hiện vai trò là nơi phản đối chính quyền trung ương. Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, bang này đã kiện chính phủ liên bang hơn 120 lần, nhiều vụ trong số đó đã thắng kiện.
Hiện tại, Tổng chưởng lý Rob Bonta cũng đã tái khởi động các vụ kiện liên quan đến môi trường, nhập cư, quyền bầu cử, giáo dục và các chính sách liên bang khác.
California cũng đã chủ động thiết lập các quan hệ quốc tế độc lập, đặc biệt trong lĩnh vực khí hậu – từ thời cựu Thống đốc Jerry Brown đến nay.
Tuy những hiệp định thương mại gần đây còn mang tính biểu tượng, từ năm 2019 đến nay, California đã ký các thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản, Úc, Na Uy, Armenia và tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc), tập trung vào hợp tác kinh doanh và chính sách, dù không trực tiếp đề cập đến thuế quan.
Hoàng Minh / Vietnamfinance.vn