Bộ ngoại giao Nga đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định thỏa thuận quốc tế hiện hành liên quan đến Kênh đào Panama và trao quyền kiểm soát cho quốc gia Panama.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS mới đây, Vụ trưởng Vụ Mỹ Latinh thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexander Shchetinin, bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump “sẽ tôn trọng chế độ pháp lý quốc tế hiện hành” của kênh đào như đã nêu trong hai hiệp ước năm 1977 giữa Mỹ và Panama.
Thỏa thuận này từ bỏ quyền kiểm soát kênh đào của Mỹ vào năm 2000 và đảm bảo tính trung lập của kênh đào.
“Chúng tôi hy vọng rằng trong các cuộc thảo luận dự kiến giữa giới lãnh đạo Panama và Tổng thống Trump về các vấn đề kiểm soát Kênh đào Panama, chắc chắn nằm trong phạm vi quan hệ song phương của họ, các bên sẽ tôn trọng chế độ pháp lý quốc tế hiện hành của tuyến đường thủy quan trọng này”, ông Shchetinin nêu rõ.
“Nga là một bên tham gia nghị định thư kể từ năm 1988 và khẳng định nghĩa vụ của mình trong việc tuân thủ tính trung lập lâu dài của Kênh đào Panama, ủng hộ việc giữ cho tuyến đường thủy quá cảnh quốc tế này an toàn và thông suốt”, ông Shchetinin nhấn mạnh thêm.
Ông cho biết 40 quốc gia đã tham gia nghị định thư về tính trung lập của Kênh đào Panama, trong đó Nga trở thành bên ký kết thứ 36 vào năm 1988.
Mỹ đã xây dựng kênh đào này vào đầu những năm 1900 và trao lại quyền kiểm soát tuyến đường thủy này cho Panama vào ngày 31/12/1999, theo một hiệp ước được cựu Tổng thống Carter ký vào năm 1977.
Ông Shchetinin lưu ý rằng theo thỏa thuận, “các nước phải bảo vệ kênh đào khỏi mọi mối đe dọa đối với chế độ trung lập”.
Ông Trump đã chỉ trích Panama kể từ khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, cáo buộc quốc gia Trung Mỹ này để Trung Quốc thống trị tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng và khiến tàu thuyền của Mỹ bị thiệt hại trong quá trình này.
Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh thêm sự bất bình của mình và tuyên bố rằng Mỹ sẽ lấy lại kênh đào này.
“Các tàu của Mỹ đang bị tính phí quá cao và không được đối xử công bằng theo bất kỳ cách nào, hình thức nào, và điều đó bao gồm cả Hải quân Mỹ. Và trên hết, Trung Quốc đang điều hành Kênh đào Panama. Và chúng tôi không trao nó cho Trung Quốc, chúng tôi trao nó cho Panama, và chúng tôi đang lấy lại nó”, ông Trump nhấn mạnh.
Panama kiểm soát hoàn toàn kênh đào, nhưng Hutchison Ports PPC, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông, kiểm soát hai cảng ở mỗi đầu của kênh đào. Trong khi Hutchison và CK Hutchison Holdings, công ty mẹ của nó, không thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, thì họ phải tuân theo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp dụng cho Hồng Kông vào năm 2020.
Người quản lý kênh đào, Ricaurte Vásquez, cho biết trong tháng này rằng Trung Quốc không kiểm soát kênh đào và mọi quốc gia đều được đối xử bình đẳng theo hiệp ước trung lập.
Tổng thống Panama José Raúl Mulino đã ra tuyên bố bác bỏ bình luận của ông Trump và cho biết, “Kênh đào là và sẽ tiếp tục là của Panama và việc quản lý kênh đào sẽ tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Panama với sự trung lập vĩnh viễn”.
“Không có sự hiện diện của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới can thiệp vào chính quyền của chúng tôi”, ông nói thêm, phản đối lời đề nghị của ông Trump rằng Mỹ “trao” kênh đào cho Panama.
Chính quyền Panama mới đây đã gửi thư lên Liên hợp quốc (LHQ) để báo động về phát biểu của Tổng thống Trump trong lễ nhậm chức.
Đại sứ Panama tại LHQ Eloy Alfaro de Alba nhấn mạnh rằng, theo Hiến chương LHQ, các quốc gia phải “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.
Bức thư được gửi tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và lưu hành trong 15 thành viên Hội đồng Bảo an. Panama đang là thành viên của Hội đồng Bảo an, cơ quan có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Kênh đào Panama thuộc quyền sở hữu và điều hành của Cơ quan quản lý kênh đào Panama, một cơ quan do chính phủ sở hữu, kể từ năm 1999. Cơ quan này được thành lập ngay trước khi kênh đào được trả lại cho Panama.
Kể từ khi nắm quyền kiểm soát tuyến đường thủy này, Cơ quan quản lý kênh đào Panama đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng kênh đào. Một dự án mở rộng kênh đào trị giá 5,25 tỷ USD đã được khánh thành vào năm 2016, tăng gấp đôi công suất của tuyến đường thủy này và cắt giảm chi phí hàng hải toàn cầu ước tính 8 tỷ USD một năm. Việc mở rộng này cũng cho phép các tàu lớn hơn đi qua.
Theo CBS News, khoảng 40% lưu lượng tàu chở hàng trên thế giới đi qua Kênh đào Panama, mặc dù hạn hán gần đây đã buộc các nhà khai thác phải giảm số lượng tàu qua lại.
Số liệu của Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho thấy khoảng 2/3 lưu lượng giao thông qua kênh đào là đi đến hoặc rời khỏi Mỹ, mặc dù tàu thuyền từ khắp nơi trên thế giới vẫn sử dụng tuyến đường thủy này mỗi ngày .
Theo Fox News
Theo Bích Hợp / Vietnamfinance.vn