Từ hôm nay (1/7), cả nước áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới, tăng 6% so với lương hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000-280.000 đồng. Như vậy, lương tối thiểu vùng cao nhất tăng lên gần 5 triệu đồng/tháng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 74/2024 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Lương tối thiểu là lương thấp nhất, cơ sở để người sử dụng lao động thỏa thuận và trả lương đối với người lao động.
Đối tượng được tăng lương gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc theo thỏa thuận.
Theo kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, từ 1/7, cùng với mức lương cơ sở tăng 30%, lương hưu, các khoản trợ cấp được điều chỉnh tăng 15%, khu vực doanh nghiệp điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) tăng 6%, tương ứng tăng từ 200.000-280.000 đồng so với hiện hành.
Theo đó, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng từ 1/7 như sau:
Theo đó, người lao động vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng).
Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).
Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần, ngày, sản phẩm, lương khoán, mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%, vùng I đạt 23.800 đồng/giờ, vùng II lên 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Bộ LĐ-TB-XH đánh giá mức tăng từ 200.000-280.000 đồng, tương ứng tỷ lệ bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành, cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động dự kiến đến hết năm 2024, cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Cùng với đó, Chính phủ cũng phân lại địa bàn lương tối thiểu vùng 1, 2, 3 và 4 theo điều kiện thực tế. Các công việc, chức danh trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc, chức danh tương đương.
Nghị định quy định người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Mức điều chỉnh nêu trên được tính toán dựa trên cơ sở các yếu tố thực tế theo quy định của Bộ Luật Lao động, gồm: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; nhóm yếu tố về kinh tế, thị trường lao động (tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá cả tiêu dùng, tình hình lao động, việc làm); nhóm yếu tố về mức lương trên thị trường và khả năng của doanh nghiệp (tiền lương, thu nhập bình quân của người lao động, tình hình phát triển của doanh nghiệp và xu hướng kinh doanh, sản xuất, đơn đặt hàng).
Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cùng thời điểm tăng lương cơ sở là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%.
Mai Anh / Vietnamfinance