Hiện vụ 2 người phụ nữ bạo hành, giam lỏng em dâu để “trừ tà” đang gây xôn xao và khiến dư luận đặt câu hỏi họ sẽ bị xử lý thế nào?
Chiều 9/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Lan (35 tuổi), Nguyễn Thị Hoài Diễm (41 tuổi, cùng trú TP Phan Thiết); cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Hồng Tâm (50 tuổi, trú huyện Bắc Bình) và Nguyễn Hữu Tình (32 tuổi). Cả 4 bị can trên là chị em trong một gia đình, cùng bị khởi tố để điều tra tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Trước đó, khoảng thời gian từ tháng 3 đến ngày 15/4/2024, chị D. bị chồng cùng một số người thân trong gia đình nhiều lần dùng tay, chân và một số vật dụng khác để đánh đập khắp cơ thể, thậm chí bắt ăn chất thải, với lý do là để “trừ tà”. Những người này còn bắt chị viết giấy cam kết “đã dùng bùa ngải để hãm hại gia đình chồng, đã trộm cắp tiền và… ngoại tình”. Theo chị D. suốt thời gian này chị vẫn cố gắng chịu đựng vì thương con và không thể ra ngoài cầu cứu.
Được biết, đây là quá trình tố tụng tiếp theo sau khi cơ quan điều tra, xác minh đơn tố cáo của chị Trần Thị Bích D. (33 tuổi, trú xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết) về việc bị gia đình chồng giam lỏng, đánh đập do cuồng tín. Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, có thể nói rằng đây là vụ án chấn động dư luận khi kết quả điều tra xác minh bước đầu cho thấy hành vi đánh đập, hành hạ người phụ nữ này là do nhiều người cùng thực hiện một cách tàn nhẫn do cuồng tín và mâu thuẫn trong gia đình.
Nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc bắt giữ các đối tượng, giải thoát cho nạn nhân thì không biết hậu quả của sự việc này còn nghiêm trọng đến đâu.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, ghi nhận quyền tự do thân thể, tự do cư trú của công dân. Bởi vậy hành vi bắt, giam, giữ người chỉ được phép thực hiện do cơ quan có thẩm quyền, theo trình tự, thủ tục luật định hoặc trong các trường hợp pháp luật cho phép. Bắt, giữ, giam người trái pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, với nội dung đơn thư tố cáo tố giác, kết quả xác minh ban đầu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đã có hành vi giữ người trái pháp luật nên việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với một số đối tượng là có căn cứ. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các bị can trong quá trình giữ người trái pháp luật. Nếu hậu quả được xác định là gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 61 % trở lên hoặc hành vi được xác định là tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của nạn nhân thì các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi có tính chất mê tín dị đoan của những người này xuất phát từ đâu, nếu có căn cứ cho thấy có người hành nghề mê tín dị đoan thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Gia Đạt ./ Kiến Thức