“Tự tin” vì đã có bảo hiểm lo, nhiều năm không xem lại hợp đồng, cũng không biết mình có quyền lợi gì, đến khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì mới “tá hoả” là tham gia không đúng nhu cầu, tham gia ủng hộ. Đành phải bỏ cả trăm triệu tiền túi ra để chi trả cho chi phí y tế.
Tham gia ủng hộ, không đúng nhu cầu
Đó là trường hợp của anh Lê Văn Hoàng (41 tuổi), ở Hà Nội, khi đi mổ dây chằng đầu gối đợt tháng 4/2024 vừa rồi. Anh Hoàng kể, mình có tham gia một hợp đồng bảo hiểm năm 2019 qua một người bạn, mua cho bố kèm 2 con trai, tổng giá trị hợp đồng là hơn 40 triệu đồng/1 năm, đóng đều đặn 5 năm qua. Vừa rồi phải mổ dây chằng là lần đầu tiên anh dùng tới quyền lợi bảo hiểm.
Tuy nhiên khi cần dùng đến, xem lại hợp đồng thì quyền lợi được chi trả cho chi phí phẫu thuật lần này duy nhất được 500.000 đồng/ ngày nằm viện, tổng 5 ngày được chi trả 2,5 triệu đồng.
“Trong khi chi phí phẫu thuật và viện phí tại bệnh viện hết hơn 140 triệu đồng, hợp đồng mua ủng hộ là vậy, nhiều năm không xem lại hợp đồng, không biết có quyền lợi gì, lúc tham gia tư vấn cũng không hỏi rõ như cầu, chỉ biết là muốn mua bảo hiểm và gửi bảng quyền lợi, chủ quan đưa là ký liền. Giờ đành phải bỏ tiền túi ra chi trả”, anh Hoàng kể.
Tương tự, chị Thu Nga (32 tuổi) Hà Đông, Hà Nội cho biết có tham gia cho con 1 hợp đồng bảo hiểm năm 2021, với chi phí hơn 16 triệu đồng một năm, 3 năm không phát sinh bất cứ quyền lợi nào. Tháng 3/2024 con vào viện, chị mới mở quyền lợi ra xem và có tham khảo một tư vấn viên thì được biết quyền lợi chỉ gồm có tử vong, tai nạn, bệnh hiểm nghèo và nằm viện 300.000 đồng/ngày, không chi trả viện phí theo thực tế chi phí.
“Rất tiếc lúc tham gia có chia sẻ là nhu cầu bảo vệ sức khoẻ cho con, nhưng tư vấn xây hợp đồng chỉ có quyền lợi nằm viện, không có thẻ Chăm sóc sức khoẻ. Cũng chủ quan hàng năm không xem lại hợp đồng bảo hiểm và cập nhật lại nhu cầu bảo hiểm của gia đình. Lần đi viện này hết hơn 20 triệu phải tự chi trả, sau việc này tôi sẽ mua thêm thẻ CSSK cho cả nhà”, chị Thu Nga nói thêm.
Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhàn (53 tuổi), ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, có tham gia hợp đồng bảo hiểm với số tiền hơn 19 triệu đồng/1 năm vào năm 2018. Năm 2023 bà Nhàn phát hiện u tuyến giáp, u lành phải làm phẫu thuật tại bệnh viện Bạch Mai. Trong tâm lý ung dung là đã có bảo hiểm rồi, bà Nhàn rất tự tin chia sẻ với mọi người rằng, mình đã sở hữu hợp đồng bảo hiểm và sẽ nhận được quyền lợi khi đi mổ. Tuy nhiên, khi tham vấn một tư vấn bảo hiểm, bà Nhàn mới ngỡ ra rằng, hợp đồng của mình không có quyền lợi phẫu thuật và bệnh hiểm nghèo, chỉ có tử vong và quyền lợi nằm viện được 300.000 đồng/ ngày chi trả cho sự kiện này.
“Cứ nghĩ là có bảo hiểm là được chi trả, lúc mua cũng chẳng để ý, tư vấn là người quen, bảo như thế nào thì đóng tiền như vậy, ai ngờ là không có quyền lợi về bệnh u tuyến giáp. Thôi đành bỏ hơn 60 triệu ra để chi trả, chứ biết làm sao”, bà Nhàn chia sẻ.
Chuyên gia chia sẻ giải pháp khắc phục
Đó là thực trạng hiện nay khi rất nhiều người dân đã tham gia bảo hiểm nhiều năm, tham gia ủng hộ, không nắm rõ được quyền lợi của mình là gì, đến khi phát sinh nhu cầu y tế, mới mở ra xem nội dung hợp đồng. Và “tá hoả” biết rằng, khi đi viện vì ốm đau, sẽ không nhận được chi trả do không có quyền lợi chăm sóc sức khoẻ hoặc quyền lợi không đủ để bù chi phí.
Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này, chị Đào Lan Hương, một tư vấn viên 7 năm kinh nghiệm cho biết, thực tế hiện nay thẻ chăm sóc sức khoẻ là rất cần thiết phải có trong 1 hợp đồng bảo hiểm bởi nó giải quyết các chi phí theo hoá đơn thực tế nếu không may sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đặc biệt với những khách hàng ở các thành phố lớn, chi phí y tế đắt đỏ, và bản thân họ mong muốn sử dụng dịch vụ y tế cao cấp.
Vậy với những khách hàng đã tham gia trước đây, nên xem lại các quyền lợi trong hợp đồng của mình, nếu chưa có thẻ thì có thể tham khảo một vài phương án như liên hệ với tổng đài hoặc tư vấn viên bảo hiểm để xem xét, gắn thêm sản phẩm thẻ CSSK vào chính hợp đồng đó hay không. Hoặc lựa chọn phương án thẻ chăm sóc sức khoẻ rời của các công ty phi nhân thọ để làm phương án dự phòng, bổ sung thêm quyền lợi.
Theo chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân, Lê Thị Lan, một trong những lý do phổ biến dẫn đến những tình huống không may trên là do khách hàng chưa thực sự hiểu rõ về nhu cầu bảo hiểm của mình. Khi gặp đại lý bảo hiểm, họ có thể chưa nói rõ được những điều mình thực sự cần, hoặc chưa biết cách kiểm tra liệu gói bảo hiểm đó có đáp ứng đúng nhu cầu của mình hay không.
Ngoài ra, ngành bảo hiểm thường xuyên đối mặt với vấn đề “cơ địa”, đó là việc tuyển dụng và đào tạo đại lý. Với tỷ lệ đại lý mới chiếm ưu thế nhưng đào thải cao, không ít đại lý thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ năng thấu hiểu nhu cầu khách hàng và kỹ năng hoạch định tài chính cá nhân. Điều này dẫn đến việc họ không thể tư vấn một cách toàn diện cho khách hàng, đặc biệt là trong việc chọn lựa quyền lợi phù hợp.
“Để tránh những tình huống không mong muốn, quan trọng nhất là phải tìm kiếm sự tư vấn từ những chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong ngành. Họ không chỉ giúp bạn xác định rõ nhu cầu mà còn đưa ra các giải pháp phù hợp nhất”, chị Lan nói thêm.
Chị Võ Hoài Thương, đại diện một Công ty môi giới bảo hiểm tại Hồ Chí Minh cho rằng, người tham gia bảo hiểm cần tìm hiểu kỹ về thông tin về sản phẩm, lịch sử công ty bảo hiểm, tham khảo phương án của nhiều hãng bảo hiểm khác nhau để có sự so sánh ưu, nhược điểm. Thêm một lưu ý, bên mua bảo hiểm cần được tư vấn và hiểu rõ hết các quyền lợi mà mình sẽ được nhận khi sự kiện rủi ro xảy ra, đồng thời đồng ý với những quy tắc và điều khoản loại trừ trong Hợp đồng bảo hiểm.
“Vì rủi ro là điều không thể đoán trước và không thể né tránh, vì vậy người tham gia bảo hiểm nên chọn những sản phẩm bảo vệ toàn diện, vừa đảm bảo tối ưu được chi phí, vừa chi trả được đầy đủ các quyền lợi khi phát sinh sự kiện bảo hiểm”, chị Hoài nhấn mạnh.
Hoàng Minh / Vietnamfinance