Lĩnh vực công nghệ đã có một năm phi thường khi việc định giá các công ty như Nvidia, Meta và Amazon tăng vọt giúp nâng thị phần của lĩnh vực này trong S&P 500 lên mức 30%, mức cao chưa từng có. Trong bối cảnh bùng nổ này, người ta gần như dễ dàng bỏ qua những thách thức mà những “gã khổng lồ” công nghệ ở những khu vực khác, đặc biệt là ở Trung Quốc, phải đối mặt.
Cuộc “chỉnh đốn” giới công nghệ
Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, đặc biệt là Alibaba và Tencent, đã chứng kiến vốn hóa thị trường của họ giảm mạnh tới 75% so với mức đỉnh ba năm trước.
Một yếu tố quan trọng dẫn tới việc sụt giảm này là chiến dịch siết quản lý của chính phủ Trung Quốc vào cuối năm 2020, và kéo dài tới 18 tháng. Phải đến đợt bán tháo ồ ạt chứng khoán Trung Quốc vào tháng 3/2022, điều đó mới thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách đảo ngược lộ trình và nới lỏng các quy định.
Dù vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính quyền Trung Quốc tiếp tục tung ra một loạt quy định nghiêm ngặt về chống độc quyền, dữ liệu và lao động, đồng thời áp đặt các khoản phạt khổng lồ đối với các công ty như Alibaba và Meituan vì tham gia vào các hoạt động độc quyền.
Đồng thời, các công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba và Ant Group buộc phải rút lui khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi hoặc tiến hành tái cơ cấu đáng kể để giảm bớt ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực công nghệ.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng những hành động cứng rắn này nhằm mục đích khắc phục vô số vấn đề pháp lý gây ra bởi nhiều năm tăng trưởng không được kiểm soát và cạnh tranh tự phát giữa các gã khổng lồ công nghệ địa phương. Tuy nhiên, những biện pháp quản lý chặt chẽ này cũng làm dấy lên lo ngại về sự thất thường trong các chính sách quản lý của Trung Quốc.
Thị trường giảm sút
Từ năm 2021 đến năm 2022, tổng vốn đầu tư vào ngành internet Trung Quốc giảm từ 49 tỷ USD xuống chỉ còn 10 tỷ USD, tức giảm khoảng 80%. Đồng thời, tổng vốn hóa thị trường của các công ty internet Trung Quốc đã giảm từ 2,5 nghìn tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao năm 2020 xuống còn 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Khi các nhà đầu tư rút lui khỏi các doanh nghiệp công nghệ tiêu dùng Trung Quốc, sức hút của lĩnh vực này với các nhà đầu tư mới cũng vơi dần.
Việc siết kiểm soát đã tạo ra gánh nặng không tương xứng cho các công ty nhỏ hơn, vốn thiếu nguồn lực nội bộ. Điều đó đã vô tình mang lại cho các công ty công nghệ lớn hơn lợi thế cạnh tranh, củng cố thêm sự thống trị của họ trên thị trường.
Ngay cả các công ty công nghệ nước ngoài, bề ngoài có vẻ không phải là mục tiêu của chiến dịch siết kiểm soát, cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Vào năm 2021, cả LinkedIn và Yahoo đều tuyên bố rút khỏi Trung Quốc, với lý do chi phí leo thang và môi trường hoạt động ngày càng thách thức.
Mặc dù việc siết kiểm soát đã giảm bớt kể từ đầu năm 2022, nhưng rõ ràng nó đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa. Các nhà đầu tư giờ đây rất nhạy cảm với những thay đổi quy định nhỏ.
Một minh họa sinh động cho điều này xảy ra vào tháng 12 năm ngoái khi cơ quan quản lý trò chơi của Trung Quốc công bố dự thảo quy định nhằm hạn chế việc chơi game quá mức.
Thông báo này đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, xóa sạch 80 tỷ USD giá trị thị trường khỏi các công ty game hàng đầu Trung Quốc. Trong một diễn biến kịch tính, cơ quan quản lý trò chơi đã loại bỏ quy định được đề xuất và sa thải quan chức chịu trách nhiệm về nó.
Trong khi Trung Quốc đang trông cậy vào các công ty công nghệ của mình để giúp đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ để bắt kịp Mỹ, những biện pháp siết quản lý được cho là đã làm tê liệt những gã khổng lồ công nghệ cạnh tranh nhất của nước này.
Theo Time
Quang Đăng / Vietnamfinance