Nếu chỉ quan niệm côn dùng để vào số sẽ không thể hiểu được cái thú của người đi xe côn tay hoặc số sàn.
Năm 1975, lần đầu tôi tiếp xúc các loại xe máy từ côn tay, ga, côn tự động. Xe côn tự động phổ thông nhất hồi đó là xe 50 phân khối, gọi là xe dam hay Honda nữ. Xe côn tay phổ thông nhất là Honda 67, trên đó là Honda 90. Vespa, Sprint, Lambretta hồi đó được coi là “quý tộc”. Thời đó, thực sự xe côn dành cho nam giới, xe côn tự động của phụ nữ nên Honda 50 mới có tên là xe dam hoặc Honda nữ. Tuy nhiên cũng có những chị em cưỡi 67 trông rất ngầu mà đẹp.
Qua năm tháng, tôi thấy xe côn tay thực sự có nhiều ưu điểm. Bởi thế nhiều lần đổi đời vẫn thích Honda 67, Win 100, Dealim 125 và giờ là Yamaha FZ16. Ôtô thì vẫn số sàn. Chỉ có điều bạn phải hiểu những ưu điểm để khai thác nó, phải biết dùng “chiêu”.
Nếu quan niệm côn chỉ để vào số thì không có gì để nói cả. Giống như ngựa hay mà không biết huấn luyện sẽ chỉ là ngựa thường. Qua bài này xin chia sẻ với bạn đọc kinh nghiệm sử dụng xe côn.
Loại bỏ cảm giác giật khi đường xấu
Gặp đường xấu, người đi xe ga hay côn tự động cảm thấy bị giằng giật dù giảm tốc. Người ngồi ôtô ngoài mệt mỏi còn có thể bị say. Nhưng với xe côn chỉ cần cắt côn khi xe hụt xuống, nhả ra khi nó nhoi nên sẽ giảm giằng giật. Nếu chạy nhanh có đủ trớn qua mô thì cứ cắt côn vượt qua, tùy cảm nhận tốc độ và tình trạng mặt đường. Ấn nhả côn, ga nhịp nhàng tùy tốc độ. Nếu kỹ thuật tốt thì xe vượt qua đường xấu trơn tru hơn rất nhiều.
Trường hợp mang tải lớn vượt đường xấu nếu không sử dụng kỹ năng này, hoặc tốc độ không hợp lý sẽ gây giật mạnh. Phản lực từ đường có thể phá vỡ hộp số hoặc gẫy trục láp.
Vượt đường lầy
Trên đường lầy lội, vào số thấp rồi nhấn ga cố vượt qua đôi khi làm bánh chìm sâu hơn trong vũng lầy. Nếu làm cách thông thường mà xe chìm sâu hơn hãy sử dụng phương pháp “Triệu Tử Long cứu chúa khi ngựa sa xuống hố”. Đạp côn, về số 1, nhấn ga hết cỡ, nhả côn nhẹ khi bạn cảm thấy đã ăn với máy, bánh xe hơi quay thì lập tức nhả côn nhanh để làm cú nhảy vọt giống như Triệu Tử Long quẩn cho con ngựa cú roi bất ngờ để nó chồm lên vọt qua hố sâu. Ôtô hay xe máy đều làm phương pháp như vậy.
Thoát ổ gà
Triệu Tử Long dùng phương pháp rất hay nhưng người ta bình rằng nếu không có ngựa tốt thì cũng chẳng có hiệu quả. Vì vậy chiếc xe côn của bạn trong trường hợp này nó chính là con ngựa tốt giúp bạn thoát khỏi cảnh nằm lại giữa rừng hoặc cánh đồng mông quạnh nào đó.
Vượt “sông” bất đắc dĩ
Vào mùa mưa nhiều khi ngay trong thành phố vẫn phải vượt “sông” bất đắc dĩ. Các đoạn xe nối đuôi nhau, làn sóng nước đôi khi khiến xe chết máy, khởi động lại ở ngay chỗ ngập thật nguy hiểm. Những lúc thế này mới thấy giá trị. Chỉ cần âm côn, rú ga, nhả côn nhích tới nếu thấy xe rung có xu hướng lịm thì ngay lập tức đạp côn. Cứ làm như vậy để vượt.
Tránh tai nạn bất ngờ
Đang chạy với tốc độ cao, bất ngờ gặp ổ gà hay “sóng lượn trâu” phanh không kịp và ít có tác dụng. Hãy bóp côn giữ chặt tay lái, nhiệm vụ còn lại để xem lực đó có hất văng bạn vào lề đường không? Thông thường cách này xe côn sẽ thoát. Với xe ga hoặc côn tự động giữ chặt tay lái đồng nghĩa với không giảm ga đôi khi còn tăng ga làm lực giật còn tăng mạnh hơn và chắc hẳn sẽ dễ bị “ăn trầu”.
Nhiều người nói rằng khi tông vào chó đến 99,9 % bạn bị hạ. Thế nhưng với phản xạ trên tôi từng thoát nạn. Hồi ấy, tôi đang cưỡi em Honda 67 chạy tốc độ 60 km/h bất ngờ tôi đâm vào một chú chó. Đến giờ nghĩ lại, tôi nghĩ nếu lúc chạy Honda 50 không ngã gãy tay, gãy chân thì cũng “mẻ” trán.
Khó chiều ngựa quý khi say
Nếu chẳng may quá chén say khướt, và cầm cương chú ngựa khó tính như xe côn, tôi tin chắc bạn sẽ không thể về nhà được. Còn với cái tính dễ dãi của xe máy ga hoặc xe số tự động đôi khi lại dẫn “chàng say’ tới thẳng bệnh viện.
Độc giả Nguyễn Việt Hà
Theo Vnexpress