
Ngày 16/10, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Hiến pháp 2013 – 10 năm triển khai thi hành”, nhằm làm rõ những vấn đề cơ bản cũng như bất cập hạn chế trong thực tiễn áp dụng của Hiến pháp, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của việc thi hành Hiến pháp năm 2013 trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức, thi hành Hiến pháp 2013 với vai trò là đạo luật cơ bản và là xương sống của hệ thống pháp luật quốc gia. Tuy nhiên sau 10 năm thực thi, quá trình đã xuất hiện các bất cập, hạn chế, vướng mắc từ các nội dung chưa được hoàn thiện, cụ thể hóa. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Nhà trường hi vọng thông qua Hội thảo tạo nên một diễn đàn pháp lý nhằm trao đổi, thảo luận đưa ra những kiến nghị, góp ý khoa học cho Dự thảo để nâng cao hiệu quả của việc thi hành Hiến pháp năm 2013 trong tương lai.
Với bài tham luận “Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và một số kiến nghị hoàn thiện”, từ những đặc trưng cơ bản trong cơ chế hoạt động, tác giả Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Tú Anh- giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước đã đưa ra một số kiến nghị về các trường hợp đặc biệt. Đồng thời, chuyên gia này đã đưa ra một số góp ý, đề xuất bổ sung các điều khoản như quy định về quyền của nhóm các quyền không thể bị hạn chế, xây dựng cơ chế giải thích và cụ thể hóa nguyên tắc hạn chế quyền con người, củng cố cơ chế quyền kiểm tra các biện pháp hạn chế quyền phù hợp với Hiến pháp và các văn kiện quốc tế…
Hội thảo cũng bàn về Vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo Hiến pháp 2013. Các tác giả Dương Hồng Thị Phi Phi và Nguyễn Văn Trí phân tích về những điểm mới tiến bộ trong việc ghi nhận vấn đề này và đề xuất các cơ chế tiếp tục hoàn thiện việc kiểm soát quyền lực Nhà nước, xem đó là mục tiêu trọng tâm khi tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của việc thi hành Hiến pháp năm 2013 trong thực tiễn. GS.TS.Trần Ngọc Đường (thành viên thường trực Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992- Hiến pháp 2013) cũng đã làm rõ thêm sự đặc biệt của việc ghi nhận cơ chế kiểm soát này.

Xoay quanh vấn đề Hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát tối cao của Quốc hội, các các tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, Trương Thị Minh Thùy làm rõ những đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội và đặc biệt hạn chế lớn đó là Hiến pháp không quy định một cách rõ ràng các đối tượng nêu trên. Thông qua đó, nhóm tác giả của trường Đại học Luật Tp.HCM đã đưa ra một số kiến nghị, sửa đổi những điều khoản trong quy định hoàn thiện hoạt động giám sát theo hướng “Quốc Hội giám sát tối cao đối với các cơ quan nhà nước ở trung ương” này.
Bài tham luận với chủ đề “Pháp luật về chính quyền địa phương Việt Nam 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013” của TS. Nguyễn Thiện Trí cũng đã làm rõ những nội dung mang tính cải cách của Hiến pháp 2013 với việc ghi nhận, đổi mới tổ chức chính quyền địa phương. Với cơ sở đó, đề tài đã nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp hiện hành trong việc xây định hướng cải cách tổ chức chính quyền địa phương và đề xuất các giải pháp nền tảng để tổng kết, ghi nhận về 10 năm triển khai thực hiện định hướng mới này của Hiến pháp. PGS.TS Phạm Minh Tuấn cũng đã làm rõ thêm những thử thách của quá trình hoàn thiện quy định về chính quyền địa phương của Việt Nam và cùng trao đổi làm rõ những định hướng chung mà Hiến pháp hướng đến.


Bế mạc Hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao những chuyên mục được chuẩn bị với các ý kiến đóng góp đa dạng, cung cấp nhiều cơ sở cho tình hình thực tiễn. Hội thảo đi đến kết thúc với những thảo luận, kiến nghị có giá trị đóng góp vô cùng thiết thực, là cơ sở quan trọng góp phần cho việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của việc thi hành Hiến pháp năm 2013.
Thanh Thảo / Thị Trường