Một số ngân hàng tư nhân lớn đã giảm sâu lãi suất huy động xuống mức mức xấp xỉ với các ngân hàng quốc doanh.
Tại NCB, ngân hàng thay đổi biểu lãi suất huy động từ hôm nay (11/8), giảm 0,1 điểm % ở loạt kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng chỉ còn 7%/năm. Lãi suất 12 tháng, 13 tháng là 7,3%/năm, cũng là mức cao nhất tại NCB. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm xuống 7%/năm.
ACB cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới, giảm cả các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng cao nhất chỉ còn 4,25%/năm, giảm 0,25 điểm % so với trước. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm 0,1 điểm % xuống 6,1-6,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 6,2-6,5%/năm. ACB áp dụng lãi suất bậc thang theo số tiền 100 triệu – 1 tỷ – 5 tỷ đồng. Với mới mốc tiền cao hơn, lãi suất tăng thêm 0,1%/năm. Chẳng hạn,người gửi tiền dưới 100 triệu kỳ hạn 6 tháng sẽ có lãi suất 6,1%/năm, nhưng gửi trên 100 triệu đến dưới 1 tỷ có lãi suất 6,2%/năm.
Hiện DongABank là ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường, lên tới 8,3%/năm tại kỳ hạn gửi 13 tháng. Một số ngân hàng nhỏ như BaoVietBank, VietABank, BVBank, NCB, GPBank,…còn niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng trên 7%/năm. Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng tư nhân lớn như SHB, VPBank, Sacombank, ACB,…đều niêm yết dưới 7%/năm.
Thậm chí, một số ngân hàng tư nhân như ACB, MSB, TPBank, Techcombank,…niêm yết ở mức xấp xỉ với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), trong khoảng 6,3-6,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023, do: (1) tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN, (2) tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng đầu năm 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, (3) Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và (4) NHNN vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ: (1) tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2023 và (2) NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.
Với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện kể từ Quý3/2023 và mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm thêm khoảng 0,3-0,5 điểm % xuống 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2023 thì kênh chứng khoán sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.
Lãi suất cho vay đồng loạt giảm
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng cũng đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay hoặc tung các gói vay ưu đãi quy mô lớn.
Vietcombank thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Agribank cũng mới triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng xuất, nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn.
Với VietinBank , ngân hàng này vừa tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME UP lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi mới chỉ từ 6,8%/năm.
Tại BIDV, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Minh Vy / Nhịp sống thị trường