Một số mẫu smartphone giá rẻ mới ra mắt trên thị trường giờ chỉ được bán tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Điều này khiến hàng loạt hệ thống bán lẻ công nghệ lâm vào thế khó.
Cách đây vài tháng, Thế Giới Di Động và các hệ thống bán lẻ khác đã có cuộc chiến khốc liệt về giá bán. Cụ thể, Thế Giới Di Động mang đến chương trình “giá rẻ quá”, FPT Shop có “rẻ hơn cả rẻ quá”, Di Động Việt cũng vào cuộc chiến với “rẻ hơn các loại rẻ” hay Hoàng Hà Mobile với “rẻ hết cỡ”.
Tuy nhiên, giờ đây cuộc chiến này đã chuyển sang một hướng khác khi Thế Giới Di Động “quay xe” với chiêu bài mới mang tên “mở bán đặc biệt”.
Thế Giới Di Động tung “chiêu” bán độc quyền
Ông lớn này liên tục ký kết hợp tác và “mở bán đặc biệt” với hàng loạt mẫu smartphone mới ra mắt trên thị trường như realme C53, vivo Y36, Xiaomi Redmi 12. Theo nguồn tin của chúng tôi, cuối tháng này Thế Giới Di Động tiếp tục bắt tay với OPPO để bán riêng 1 mẫu smartphone tầm trung.
Không chỉ riêng các hãng điện thoại mà còn các 1 số thương hiệu laptop cũng bắt tay với Thế Giới Di Động trong dịp này như MSI, Asus, HP và Acer. Tuy nhiên, khác với smartphone, các hãng laptop chủ yếu làm chương trình bán hàng, cho ra ưu đãi riêng tại Thế Giới Di Động thay vì bán độc quyền.
Trong các sự kiện ra mắt, ký kết giữ Thế Giới Di Động và các hãng luôn sử dụng câu “ký kết hợp tác chiến lược và mở bán đặc biệt” thay vì dùng chữ “độc quyền”. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ được bán tại hệ thống của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, các cửa hàng khác đều không đề cập, không có giá bán, thông tin sản phẩm.
Đại diện Thế Giới Di Động cho biết việc hợp tác chiến lược sẽ giúp Thế Giới Di Động có thể gia tăng doanh thu và thị phần trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Với rất nhiều cái bắt tay hợp tác đã diễn ra từ đầu tháng 6 đến nay đã cho thấy, các nhà sản xuất điện thoại, laptop lớn trên thị trường đều đang đặt niềm tin vào Thế Giới Di Động.
Với chiến lược này, Thế Giới Di Động đã bước đầu gặt hái được thành công. Nổi bật, sản phẩm Xiaomi Redmi 12 Series đã có hơn 17.000 đơn hàng chỉ sau tuần đặt hàng. Sản phẩm Realme C53, đạt được 6.500 đơn chỉ sau 3 ngày mở bán.
Các nhà bán lẻ “khó thở”
Tuy nhiên, chiến lược mới của Thế Giới Di Động đã gây sức ép lớn đến hàng loạt hệ thống bán lẻ khác vì không thể bán đa số smartphone giá rẻ mới hiện nay. “Với chiến lược này, trong ngắn hạn khiến cho thị trường bán lẻ smartphone sẽ nằm hoàn toàn trong tay của Thế Giới Di Động. Việc chiến giá ở các mẫu độc quyền này là vô hiệu và giá bán hoàn toàn do Thế Giới Di Động quyết định”, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn ở Hà Nội chia sẻ.
Theo vị đại diện này, Thế Giới Di Động có thể giành được thị trường và tăng doanh số trong khi các nhà bán lẻ khác ngày càng gặp khó khăn. Các nhãn hàng trong ngắn hạn có thể giải quyết được vấn đề về thị phần và số bán trong tình hình thị trường giảm sút mạnh nhưng sẽ phải trả giá về lâu dài.
Về lâu dài, với các nhãn hàng cái giá phải trả là số bán phụ thuộc vào Thế Giới Di Động, trong khi các chuỗi bán lẻ khác ngày càng yếu đi sẽ khiến chi phí bán hàng cao hơn. Thế Giới Di Động sẽ đưa ra yêu cầu mức lãi gộp cao hơn cũng như các chi phí hỗ trợ bán hàng khác. Không có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể khiến các hãng nhanh chóng sụp đổ tại thị trường Việt nam trong 1-2 năm tới và thị phần sẽ lại mất về tay các nhãn hàng chịu chi tiền để lấy thị phần tại Thế Giới Di Động.
Cùng quan điểm, đại diện một hệ thống bán lẻ khác cho rằng nếu tỷ lệ phần trăm độc quyền ngày càng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngành trong tương vì giá cả ngành sẽ lệ thuộc vào Thế Giới Di Động. Có thể người tiêu dùng sẽ phải mua với mức giá cao hơn nhiều giá trị sử dụng của sản phẩm.
Đại diện một hãng smartphone lớn cho biết không thực sự cảm thấy thoải mái khi hợp tác độc quyền với Thế Giới Di Động. Sự cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt vì loạt sản phẩm độc quyền bán cùng phần khúc tại duy nhất một hệ thống. Hãng phải trả tiền nhiều hơn cho Thế Giới Di Động cho các hoạt động marketing hay hoa hồng bán hàng cho nhân viên.
Hàng loạt các buổi ký kết gần như một công cụ truyền thông gây sức ép lôi cuốn các nhà hãng vào cuộc đưa cấp vốn độc quyền cho Thế Giới Di Động nhằm gây sức ép cho các nhà bán lẻ khác. Hầu hết các hãng cũng ở thế tiến không được lùi không xong do hệ thống này đã chiếm thị phần quá lớn và nếu không tham gia cấp độc quyền, cấp quỹ thì đồng nghĩa ngắn hạn họ cũng có thể mất thị phần.
Một yếu tố nữa là tính nhiệm kỳ trong các vị trí lãnh đạo của các hãng tại thị trường việt nam. Họ thường chỉ có 2-4 năm trong 1 nhiệm kỳ và việc giữ thị phần giữ số luôn là ưu tiên hàng đầu.
Do vậy, thông thường họ sẽ chọn cách làm nhanh có kết quả là bơm tiền cho nhà có độ phủ lớn nhất, thị phần lớn nhất để mua thị phần một cách nhanh chóng, còn tương lai hãng trả giá lại thuộc vào nhiệm kỳ quản lý của một lãnh đạo khác.
Lê Trọng / Nhịp sống thị trường