Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương với vị trí là trung tâm về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, du lịch của cả nước cũng đã chủ động trong mọi hoàn cảnh; triển khai sáng tạo các giải pháp tăng tốc, với mong muốn vực dậy và phát triển ngành du lịch ổn định; mong muốn đó không chỉ cho sự phát triển du lịch của địa phương mà còn thu hút, liên kết hợp tác, phát triển du lịch của các địa phương trên cả nước. Đến nay ngành du lịch Thành phố đã mở rộng việc ký kết hợp tác phát triển du lịch với 49 địa phương/6 cụm kinh tế của cả nước, minh chứng cho sự đồng lòng của Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước và đã nhận được kết quả đáng khích lệ, với hơn 30 triệu lượt khách quốc tế và nội địa đã đến Thành phố, tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Định vị của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ thế giới cũng ngày càng được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á“, “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” của Tổ chức Du lịch thế giới (WTA); là 1 trong 2 Thành phố của Châu Á năm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới cuối năm 2022.
Hiệu quả của chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch không chỉ mang lại kết quả tích cực cho ngành du lịch Thành phố mà còn góp phần tạo sự chuyển biến cho cả nước và cho các địa phương hợp tác liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua làm việc với các hãng lữ hành của Thành phố đều có chung đánh giá lượng khách Thành phố đi các tỉnh Tây Bắc và ngược lại có xu hướng tăng trong thời gian qua, bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vỹ cùng khí hậu mát mẻ quanh năm, ẩm thực phong phú.. là những yếu tố thuận lợi để thu hút khách du lịch. Liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc là sự liên kết làm đa dạng hoá sản phẩm, không trùng lắp về dịch vụ và phong phú các trải nghiệm cho du khách; các địa phương được hưởng lợi chung, góp phần bảo tồn tài nguyên du lịch và giá trị văn hóa truyền thống góp phần tạo nên sản phẩm du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm.
Đối với cụm Tây Bắc chúng tôi nhận thấy, lợi thế phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Tây Bắc là công tác hợp tác quảng bá xúc tiến du lịch, mặc dù hạn chế về khoảng cách địa lý nhưng với sự khác biệt về khí hậu, thiên nhiên, đa dạng về tài nguyên du lịch, ẩm thực, văn hoá và thực hiện tốt công tác quảng bá xúc tiến sản phẩm nên lượng khách du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đi Tây Bắc và Tây Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ lớn so với các nhóm hợp tác khác trên cả nước.
Đặc biệt, năm 2022 Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Bắc đã phối hợp thực hiện thành công 6 sự kiện quan trọng: Tuần lễ Văn hóa Lai Châu; Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và danh thắng quốc gia ruộng Bậc thang tại Yên Bái; Hội nghị phát triển du lịch khu vực biên giới Việt – Lào tại Điện Biên; Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022; Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ 16 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Lễ hội Hoa tam giác mạch tại Hà Giang và gần nhất là sự kiện Tuần Lễ văn hoá – du lịch Lai Châu Tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa được tổ chức rất thành công, thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân Thành phố, khách du lịch trong và ngoài nước. Có thể nói 2022 là năm có nhiều hoạt động phối hợp nhất từ trước đến nay.
Qua đó cho thấy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, khoảng cách về địa lý sẽ không còn là vấn đề khó khăn khi có sự quyết tâm và nỗ lực vì sự phát triển của du lịch. Liên kết đã tạo ra một sức bật mới cho từng tỉnh, thành; qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương, thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vẫn còn những hạn chế nhất định, như: cơ sở dịch vụ cao cấp tại các địa phương để phục vụ nhu cầu nghi dưỡng cao cấp còn hạn chế; nguồn nhân lực cần đào tạo chuyên sâu để phục vụ khách quốc tế và dòng khách cao cấp từ các thị trường nguồn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; một số cung đường điểm đến trong hành trình xây dựng sản phẩm vẫn còn hạn chế, đi lại còn khó khăn mặc dù hạ tầng giao thông trong những năm gần đây có cải thiện hơn.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, Thành phố Hồ Chí Minh cùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp kêu gọi đầu tư về hạ tầng du lịch, trong đó tập trung vào dòng sản phẩm chủ lực của địa phương để đáp ứng phục vụ du lịch. Nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để giữ chân du khách. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, giới thiệu điểm đến. Nghiên cứu khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng về điểm đến, ẩm thực, văn hóa. Tổ chức các chương trình đoàn khảo sát, mời báo chí, doanh nghiệp, KOLs cùng tham gia và giới thiệu sản phẩm trên nhiều phương tiện; cần có chương trình truyền thông quảng bá chung cho liên kết.
Đối với doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ: Chú trọng hơn về đào tạo nhân lực du lịch, bao gồm cả nhân lực lao động lực tiếp từ các cơ sở du lịch cộng đồng, người dân làm du lịch. Cung cấp thông tin các sản phẩm dịch vụ mới cho các công ty lữ hành để sớm xây dựng sản phẩm mới, thu hút khách. Chủ động giới thiệu điểm đến đáp ứng đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch để lữ hành liên kết xây dựng sản phẩm. Xây dựng chương trình hợp tác với những chính sách mở và theo chuỗi hợp tác để có khung giá chung, hợp lý tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm liên kết vùng.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch năm 2023 với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Đăng Hải / Thị Trường Giao Dịch