Võ Tường An đã chinh phục học bổng 12 đại học nổi tiếng thế giới, trong đó có các trường Harvard, Stanford, Yale danh tiếng của Mỹ.
Những ngày cuối tháng 8, Võ Tường An (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) bận rộn chuẩn bị cho chuyến trở về Mỹ, bắt đầu chương trình học tập tại Đại học Stanford sau thời gian “gap-year” (nghỉ giữa quãng ở bậc đại học) tại Việt Nam, Ấn Độ. Đây là một trong 12 đại học danh tiếng mà Tường An giành được học bổng hồi tháng 4.
Quê ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ngay từ nhỏ An đã là cô gái năng động, cá tính và mê ngoại ngữ. An chia sẻ, thời tiểu học, tiếng Anh với cô là những câu chào đơn giản và đến khi học cấp hai ở trường THCS Nguyễn Tự Tân thì kiến thức ấy cũng không khá hơn bao nhiêu.
“Năm mình học lớp 7 thì bắt đầu có ý tưởng đi du học đâu đó nhưng khi đó ở quê không dễ tìm một trung tâm ngoại ngữ để tìm hiểu. Mình phải lên mạng tìm kiếm và tự học, tìm hiểu tài liệu học thuật về du học”, An bộc bạch.
Năm lớp 8, trong lần thử phỏng vấn của các trường đại học Mỹ tại Việt Nam, nữ sinh đã được Đại học Misissippi cấp học bổng và mời tham gia một trại hè. Tại đây, An được giao lưu, học hỏi từ nhiều bạn bè quốc tế và ý niệm du học đã hình thành rõ rệt hơn với cô bé cấp hai.
Với những thành tích trong học tập và hoạt động xã hội, Tường An được trường John Bapst Memorial (Mỹ) phỏng vấn và mời sang học. Những năm học cấp ba bên xứ người, An khá nổi tiếng nhờ kết quả xuất sắc và trở thành thủ lĩnh của nhiều phong trào hoạt động xã hội. Cô là người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục ở Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc và Texas (Mỹ) mang tên International Catalysts for Empowerment. An cũng là học giả trẻ toàn cầu tại Đại học Yale trong chuyên đề an ninh và hoạt động quốc tế năm 2014 đồng thời sáng lập cộng đồng trẻ Viet Youth Service.
Trong một buổi giao lưu với hàng trăm học sinh THPT ở Sài Gòn cuối tuần rồi, An chia sẻ kỷ niệm về những ngày ở Mỹ với nhiều khó khăn cùng những nỗ lực của bản thân.
“Mình nghĩ, khó khăn lớn nhất của nhiều du học sinh là rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Học sinh ở Mỹ thường không kết bạn và thể hiện tinh thần đoàn kết trên lớp vì họ tập trung cao cho việc học. Chỉ ở các hoạt động ngoại khóa, bạn mới dễ dàng xây dựng mối quan hệ với họ và khi đó, mọi việc học tập, sinh hoạt đều trở nên dễ dàng hơn”, An nói.
Ngày nhận được học bổng trúng tuyển của 12 trường đại học, An bị “đơ” người do quá bất ngờ. “Sau đó, mình đã hét lên vì quá hạnh phúc”, An nhớ lại. Thành quả này, theo An, là kết quả của một “khuyết điểm” của bản thân đó là khó chấp nhận thất bại.
Ước mơ và dự định của nữ sinh có ngoại hình nhỏ nhắn này là trở thành luật sư trong lĩnh vực môi trường hoặc quốc tế. “Mình thích được tranh cãi và nhận thức được ngành luật ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào”, An cho biết.
Sự quyết đoán, mạnh mẽ của An khiến cô trông trưởng thành hơn tuổi 18. Nữ sinh cho rằng, những mục tiêu mà cô và các bạn cùng trang lứa đang thực hiện sẽ hướng về thế giới trong dài hạn, 20-30 năm nữa. Để thực hiện được những ước mơ đó, mỗi người phải có suy nghĩ về mục tiêu, đặt ra kế hoạch rõ ràng và có những hành động phù hợp để đạt được nó.
Mạnh Tùng
Theo Vnexpress