Một số khoản nợ vay cũ trong năm 2015 chưa trả, các khoản nợ vay mới cũng đến hạn trả từ tháng 1/2016, trong khi ban giám đốc HAGL muốn được tăng thời gian trả nợ gốc lên tối thiểu 3-15 năm.
BIDV đảo nợ 850 tỷ đồng cho HAGL
Hiện ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vay nhiều nhất và nợ đến hạn trong năm 2016 cũng lên tới 1.896 tỷ đồng.
Số tiền phải trả sẽ được lũy tiến dần theo các khoản vay cộng thêm đến hạn. Cụ thể, ngay từ tháng 1 HAGL phải thanh toán một phần khoản vay 761 tỷ đồng, tháng 3 thanh toán một phần của 603 tỷ đồng, tháng 4 thanh toán một phần của 486 tỷ đồng và tháng 5/2016 thanh toán một phần của 44 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2015 BIDV phải đảo nợ cho HAGL khi mua 850 tỷ đồng trái phiếu do HAGL phát hành ngày 17/8/2015 để hoán đổi cho 850 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn đúng vào ngày 17/8/2015. Kỳ hạn của trái phiếu mới là 5 năm.
Kỳ hạn trả lãi 02 lần/năm vào 17/2 và 17/8 hằng năm, với lãi suất năm đầu tiên là 10%/năm, đến 17/2/2016, HAGL phải trả lãi khoảng 42,5 tỷ đồng cho kỳ hạn 06 tháng.
Đến tháng 7/2016, HAGL sẽ phải thanh toán 950 tỷ đồng trái phiếu đến hạn cho BIDV và BSC thu xếp phát hành trái phiếu ngày 9/7/2013.
Hiện HAGL cũng đang vay ngắn hạn ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) chi nhánh Đồng Nai 170 tỷ đồng từ năm 2015, hạn thanh toán từ ngày 6/4/2016, tất toán vào ngày 25/5/2016. Một khoản vay khác là 280 tỷ đồng đến hạn tất toán ngày 3/9/2016.
Năm 2015, ngân hàng Lào – Việt cho HAGL vay 853 tỷ đồng, hạn thanh toán từ tháng 6 đến tháng 12/2016 phải tất toán xong.
Vấn đề là dòng tiền hiện nay của HAGL thế nào? Vì một số khoản nợ trong năm 2015 không được trả, ngân hàng Á Châu (ACB) và ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) phải giải chấp cổ phiếu HNG (CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – công ty con của HAGL).
2/3 tài sản của HAGL là từ vay nợ
Rất nhiều khoản vay của HAGL có tài sản đảm bảo được hình thành từ vốn vay. Điều này cũng thể hiện rõ trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 của HAGL khi hệ số nợ trên tổng tài sản của HAGL là 67%, nghĩa là số tài sản mà HAGL đang có thì đến 2/3 là đi vay.
Tổng nợ đang gấp 02 lần vốn chủ sở hữu khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,03 lần.
Đáng lưu ý là nhiều khoản vay mới trong năm 2015 từ BIDV có tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay là đàn bò, dự án trồng cao su chưa thể cho dòng tiền trả nợ sau 01 năm như kỳ hạn vay của hợp đồng.
Hoặc các tài sản thế chấp cho khoản vay của BIDV không tạo ra dòng tiền như: Khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL, bệnh viện Đại học Y Dược HAGL. Trong khi đó, HAGL dự kiến năm 2016 rót thêm tiền để hoàn tât 01 tòa nhà 10 tầng của bệnh viện Đại học Y dược HAGL.
Còn Khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL không phải là nơi kinh doanh, HAGL còn đổ tiền vào đây để “nuôi bóng đá”. Đã có tình trạng HAGL nợ lương tháng 1, tháng 2/2016 của cán bộ nhân viên tại đây, đến nay đã trả đủ hết tháng 3/2016.
Còn các khoản vay của HDBank cũng được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay là khô bã đậu nành và cổ phiếu HAG và cổ phiếu CTCP Chăn nuôi Gia Lai đang rớt giá.
Các khoản vay từ ngân hàng Lào – Việt có tài sản đảm bảo là đàn bò hình thành từ vốn vay, máy cắt mía và quyền sử dụng đất tại Lào.
Bao nhiêu tài sản của HAGL đang cho khả năng sinh lời, tạo ra dòng tiền?
Đối với các ngân hàng cho vay thực sự đang ngồi trên đống lửa khi HAGL đi vay tiền ngân hàng về cho vay lại các bên liên quan với số dư cuối năm 2015 lên tới 9.761 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản vay tín chấp.
Về nguồn thu từ các công ty con, trong số 35 công ty con nhưng có tới 12 công ty con đang trong tình trạng đầu tư và chưa có hoạt động kinh doanh vào ngày 31/12/2015 (mặc dù có công ty đã thành lập từ năm 2009) và có 3 công ty về khoáng sản đang ngưng hoạt động.
Về nguồn thu từ hoạt động kinh doanh năm 2015, mặc dù doanh thu thuần của HAGL tăng 2 lần lên mức 6.252 tỷ đồng so với năm 2014 nhờ bán bò và thanh lý bất động sản, nhưng giá vốn hàng bán cũng đội lên gấp 2,4 lần, cùng với chi phí tài chính tăng gấp 2 lần khiến lãi ròng chỉ còn 602 tỷ đồng, giảm “khủng” 2,5 lần so với năm 2014 ở mức 1.532 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh không thuận lợi, trong khi cả “núi nợ” đang “đè” lên HAGL thực sự là bài toán nan giải cho cả con nợ và chủ nợ. Điều này thể hiện khi nhiều ngân hàng cho HAGL vay vốn đã né tránh khi được hỏi đến món nợ “khủng” này.
Hoàng Anh
Theo Bizlive